Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ bức xúc về loạn giá xét nghiệm COVID-19, gây nghi ngờ về sự tiêu cực. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong vấn đề này.

Có lợi ích nhóm trong xét nghiệm COVID-19 hay không?

Lam Thanh | 10/11/2021, 09:00

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ bức xúc về loạn giá xét nghiệm COVID-19, gây nghi ngờ về sự tiêu cực. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong vấn đề này.

Ngày 10.11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Loạn giá xét nghiệm

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ bức xúc về loạn giá xét nghiệm COVID-19, có nơi thu đến 450.000 đồng/lần xét nghiệm, gây bức xúc cho dân. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không và trách nhiệm của bộ trưởng trong vấn đề này.

pvh.jpeg
ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên chất vấn

Ông Hòa cũng muốn Bộ trưởng Long trả lời về tình trạng tiêu cực trong đội ngũ lãnh đạo bệnh viện; đồng thời cần tách bạch giữa nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ quản trị của lãnh đạo các cơ sở y tế.

Trả lời đại biểu Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán, trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn.

Theo ông Long, hồi đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay, máy thở do khan hiếm đã bị đẩy lên cao, các quốc gia có tình trạng tranh mua trong thời điểm đầu. Song theo ông Long, thời gian qua do nhiều doanh nghiệp tham gia vào nên đã làm giảm giá những mặt hàng này.

Biện pháp của Bộ Y tế được ông Long đề cập là từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, yêu cầu các công ty công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế. Bộ cũng liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị.

“Hiện nay chúng ta đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28”, ông Long nói.

Ông Long cho biết bộ đã tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Tư lệnh ngành y tế cũng nêu ra yêu cầu về việc giảm giá thành, theo đó, bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20).

“Điều này được cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành”, ông Long nói.

y-te.jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn

Ông Long cho biết trước ngày 1.7 lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1.7 Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn vì việc xét nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng “thực thanh thực chi”. Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm và cơ sở thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân.

“Do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ Y tế chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu như thế”, ông Long nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, bộ cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập và xử lý nghiêm những sai phạm.

Ông Long cũng cho biết Bộ Y tế cũng đã nhận thấy trách nhiệm của mình về vấn đề này thời gian qua, đồng thời sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát trong thời gian tới.

Trước đó, gửi báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lý giải mức giá test COVID-19 khác nhau do áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực thanh thực chi.

Ở cơ sở y tế công lập, giá xét nghiệm gồm chi phí lấy mẫu, trả kết quả, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công và chi phí test. Trong đó, chi phí lấy mẫu, trả kết quả, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công sẽ được thanh toán theo cùng một mức; riêng chi phí xét nghiệm được thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sinh phẩm.

Còn ở các cơ sở y tế tư nhân, theo quy định hiện hành, cơ sở được quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai.

Tiêm vắc xin mũi 3 mới chỉ là kế hoạch

Về chiến dịch vắc xin, ông Long cho hay, tính đến ngày 5.11, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều. Hiện Bộ Y tế đã phân bổ hơn 110 triệu liều vắc xin cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tính đến 4.11, cả nước đã tiêm được 86,4 triệu liều; đã có trên 32,5 triệu người tiêm 1 liều vắc xin và trên 26,9 triệu người tiêm đủ 2 liều.

Việc tiêm cho các em từ 12-17 tuổi, ông Long nói trước mắt sẽ ở địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.

Còn về tiêm mũi 3, ông Long nói Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai, và dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, ông khẳng định mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vắc xin cho dân nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay cả nước có hai nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19, trong đó Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3; vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có là Covivac 6 triệu liều mỗi năm, Nanogen từ 20 - 30 triệu liều mỗi năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư...

Cách ly F1 thế nào?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề cập vấn đề một số địa phương, điển hình là Hà Nội, vẫn áp dụng chính sách cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần (F1). Việc này gây lãng phí nguồn lực, gây tổn hại về tinh thần cho người dân và gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, không phù hợp tình hình thực tiễn. 

Bộ trưởng Long cho biết tùy từng đặc điểm của địa phương, khu vực (mật độ dân cư, tỷ lệ bao phủ vắc xin) để tiến hành cách ly một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn.

Chưa hài lòng với câu trả lời về việc cách ly F1, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) giơ biển xin tranh luận. Ông nhắc lại vì sao F1 đủ điều kiện mà vẫn phải cách ly tập trung ở Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói lãnh đạo bộ đã trao đổi với TP.Hà Nội và nêu quan điểm trong một số trường hợp không bắt buộc cách ly tập trung. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ có thể cách ly tại nhà 7 ngày.

Ông Long cũng đề nghị các địa phương áp dụng triệt để hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly theo phân cấp nguy cơ đối với người tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, F0 khỏi bệnh để phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ông cho biết chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.

Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do vi rút liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp...

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp, tham khảo tư vấn của các tổ chức quốc tế trong công tác này; đồng thời yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin. Bộ trưởng Long đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch.

Bài liên quan
Mark Zuckerberg: Chính quyền Biden gây sức ép lớn để Meta xóa nội dung tiêu cực về vắc xin
Mark Zuckerberg nói với Joe Rogan trong một podcast được công bố hôm 10.1 rằng Meta Platforms đã bị chính quyền Biden gây sức ép để xóa nội dung về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có lợi ích nhóm trong xét nghiệm COVID-19 hay không?