Hôm 20.2, lễ giao nhận quân 2019 đã được tổ chức đợt 1 tại 43 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk... Các địa phương còn lại đã tiếp tục giao quân vào đợt 2, ngày 21 và 22.2.

Có nên mưu sinh một chốn, khám tuyển nghĩa vụ quân sự một nơi?

25/02/2019, 06:17

Hôm 20.2, lễ giao nhận quân 2019 đã được tổ chức đợt 1 tại 43 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk... Các địa phương còn lại đã tiếp tục giao quân vào đợt 2, ngày 21 và 22.2.

Thượng tướng Phan Văn Giang động viên thanh niên trước lúc lên đường bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: QDND

Để góp phần đảm bảo cho công tác tuyển quân từ nay về sau được tốt hơn, giúp việc tiết kiệm cho mọi phía về vật chất cũng như chất xám, tôi xin đề xuất một số suy nghĩ cá nhân với tư cách của một nhà báo cựu chiến binh và một công dân.

Đất nước bây giờ khác với thời kỳ có chiến tranh hoặc giai đoạn Tổng động viên thời kỳ chúng tôi tham gia quân ngũ. Lực lượng thanh niên được nhập ngũ bây giờ không nhiều như trước nữa nếu so với số lượng thanh niên trong độ tuổi phải đi khám nghĩa vụ quân sự (NVQS). Nó chỉ còn là con số rất nhỏ nếu so với tỷ lệ dân số hiện nay của cả nước (hiện khoảng 97 triệu dân theo cách tính toán của Quỹ dân số Liên hợp quốc).

Vì thế, nếu như có quan điểm cho rằng chế độ NVQS nên bắt buộc đối với mọi công dân, thì thời gian có thể rút xuống khoảng 6 tháng đến 12 tháng. Như vậy, ở một góc độ khác, nó sẽ không đủ thời gian để chúng ta huấn luyện, đào tạo khoa mục quân sự, kỹ chiến thuật nói chung, chưa kể các nội dung chuyên ngành phức tạp để chiến sĩ làm chủ vũ khí trang bị. Như thế rất tốn kém. Còn nếu như để chế độ NVQS 18-24 tháng thì sẽ không thể tuyển hết kiểu như Hàn Quốc lâu nay đã làm. Theo tôi biết, họ duy trì theo hướng bất kể ai cũng đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Lý do đơn giản: Dân số ít, tình hình chính trị khu vực Nam Bắc Triều vẫn chưa thật yên bình nên quân số vẫn đông.

Hiện chưa có số liệu thanh niên nhập ngũ trên toàn quốc, nhưng riêng tại Hà Nội thì như báo chí vừa đưa, đợt này đã có khoảng 3.500 tân binh, trong đó 1.300 thanh niên là đã viết đơn tình nguyện. Theo tôi biết, số tình nguyện này gần như chỉ tập trung ở nông thôn chứ ở thành thị không nhiều.

Người tham gia NVQS bây giờ rất khác trước. Sau khi hết nghĩa vụ, họ được giới thiệu đi học nghề và còn được cầm một chút tiền dạng như tiền chế độ lao động được tích lũy trong thời gian tham gia quân ngũ. Nếu họ không dùng thì khi về, xem ra cũng có chút làm vốn, hoặc đi học việc hoặc khi về quê thì cũng có đôi chút vốn liếng nhất định làm “công cụ sản xuất”. Vì vậy thanh niên nông thôn thường được gia đình khuyến khích, động viên đăng ký đi NVQS.

Tôi cũng được biết, lần tuyển quân này, tỷ lệ tân binh Hà Nội tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt 32,4%; con số này thấp hơn so với năm 2018 là 40,8%, và năm 2017 là 52,2%. Theo tôi, đây là điều hợp lý hơn trước. Chúng ta không nên tuyển nhiều quá tân binh đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng vào quân đội, nhất là những người đã có công ăn việc làm ổn định. Sẽ có ý kiến cho rằng, việc gọi người đi NVQS với đối tượng trí thức trẻ là để giúp quân đội tăng thêm chất lượng. Tôi nghĩ, chuyện này cũng không hề sai , thậm chí cũng có lý của nó. Tuy nhiên, tôi lại cho là hãy vì cái lợi chung cho xã hội. Nó sẽ không hẳn thế một khi không thật sự cần thiết buộc phải thế.

Trong thực tế, tôi thấy có một điều có thật, ấy là đối tượng được coi là trí thức trẻ, có học hành rồi ra trường, nếu như có việc làm ổn định họ rất ngại nhập ngũ. Ngược lại, như trên đã nói, đối tượng thanh niên nông thôn làm nông, với vùng nghèo khó ruộng đất ít thì lại rất muốn nhập ngũ. Đây cũng lại là điều có thật.

Thực tế này đã và đang nảy sinh câu chuyện nơi có nhu cầu tuyển nhập ngũ cao nhưng lấy lại không nhiều thì cũng phải “gãi đầu gãi tai“ với ông Xã đội thì mới hy vọng. Và ở nơi thị thành, đối tượng của nơi không muốn tham gia do có công việc ổn định thì cũng vẫn gọi đi khám, cho nên họ cũng làm điều ngược lại để không phải nhập ngũ.

Việc này sẽ rất dễ nảy sinh ít nhiều tế nhị trong công tác tuyển quân... Vì lý do trên, chúng ta nên nghiên cứu cơ cấu trình độ gọi nhập ngũ thế nào đó có một tỷ lệ hợp lý nhất mới là quan trọng. Làm được điều này, nó vừa tiết kiệm chất xám lại vừa khoa học. Sau khi họ tham gia NVQS thì chúng ta có thể đã “ngắm” được sớm đối tượng để vận động họ ở lại quân đội phục vụ dài lâu.

Nhiều năm gần đây, do kinh tế nước nhà phát triển, lực lượng lao động chuyển dịch từ vùng nọ tới vùng kia làm ăn rất lớn. Họ không sinh sống tại địa phương. Khi đến ngày tháng nhận lệnh triệu tập để khám NVQS, đương nhiên là họ sẽ về địa phương để khám sức khỏe. Vì thế, nếu như ở xa quê, việc về quê (hoặc nơi đăng ký nhân khẩu gốc) sẽ là cả một vấn đề, rất tốn kém cho giới trẻ, đối tượng vốn lương lậu chưa có bao nhiêu. Riêng những thanh niên được các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng dài hạn đàng hoàng, nếu có đăng ký tạm trú dài hạn thì diện này sẽ được khám ngay nơi họ công tác. Như thế là đúng.

Theo tôi, chúng ta nên tính bằng một vài cách khác.

Thứ nhất, liệu có thể thông báo mời họ về vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán? Đây là dịp mà ai cũng thường trở về quê hương bản quán hoặc nhà gốc. Chúng ta sẽ tổ chức khám tuyển đúng dịp này để tránh cho họ phải đi lại 2 lần gần nhau, sẽ vô cùng tốn kém cho người lao động. Họ vốn là người mưu sinh xa nhà thì tiền tích cóp cũng đâu dư dả gì!

Hãy thử hình dung một bạn trẻ nào đó, nhà ở Hà Giang nhưng làm tận Phú Quốc (Kiên Giang) thì nội chuyện phải đi lại như thế sẽ tốn bao nhiên tiền nếu mỗi năm địa phương lại gọi đi khám thì không làm gì ra tiền chỉ để lo việc đi lại như vậy... Đó là chưa kể có thời kỳ trước đây chúng ta gọi khám NVQS rồi tuyển quân 2 đợt/năm thì quả là một vấn đề không hề nhỏ.

Thứ hai, nên chăng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa địa phương quản lý con người (hộ khẩu) với quận, huyện đội nơi mà nhân sự (đối tượng gọi khám tuyển) đang sinh sống, làm việc. Đây là việc khó, rất dễ bị cảnh nơi quản lý địa bàn đối tượng khám sức khỏe sinh sống sẽ “du di”, khám chiếu lệ rồi ”cho qua“. Nên nhớ, bây giờ thẻ Căn cước công dân mới đã tích hợp rất nhiều thông tin trong đó, rất khó có thể nhờ khám thay nếu ta làm chặt chẽ.

Tuy nhiên, nói rằng như vậy sẽ dễ nảy sinh tiêu cực thì không nên làm thế. Vậy cứ để về địa phương là quê nhà họ mà khám đã chắc sẽ không có tiêu cực? Họ có thể nhờ cậy vì một lý do nào đó để không phải về, tốn quá nhiều lộ phí thì họ sẽ tính một cách khác ít tốn hơn cho xong?

Đây là một thực tế vì lý do cũng rất đơn giản: Tỷ lệ gọi nhập ngũ không nhiều so với đối tượng gọi đi khám NVQS thật sự.

Không có cái gì là không thể! Đó cũng là lẽ thường. Trong một xã hội đang phấn đấu xây dựng chính quyền điện tử, một xã hội văn minh, phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở khoa học và cách mạng công nghệ 4.0 như hôm nay, tôi nghĩ nếu chúng ta quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được và hơn thế, thậm chí còn làm tốt. Tôi tin rằng, một khi Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn chủ động đặt lợi ích Nhân dân lên trên hết thì rồi cũng sẽ có cách.

Quốc Phong

“Hằng năm, việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công dân nhân dân lần thứ hai”.

“Thời gian khám sức khỏe từ ngày 1.11 đến hết ngày 31.12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này do Thủ tướng Chính phủ quyết định”. (Luật NVQS năm 2015)

Từ ngày 1.1.2016, tức ngày Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có hiệu lực, mỗi năm các địa phương chỉ có 1 lần tuyển quân vào tháng 2 hoặc tháng 3.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên mưu sinh một chốn, khám tuyển nghĩa vụ quân sự một nơi?