Chuyện sao Việt chửi bậy trong showbiz không còn là hiếm, họ có thể chửi khi chưa đến lượt lên hát, có thể chửi khi bầu show chưa thanh toán cát xê, có thể chửi khi...cảm thấy khó chịu với một ai đó và có thể chửi bậy khi... đang vui hay buồn.
Những cái tên nổi bật, hay nói tục, chửi bậy nhất có thể kể đến như: Trang Trần, Pha Lê, Vũ Hạnh Nguyên, Yanbi, Mr. T hay ca sĩ Tuấn Hưng. Họ luôn biện minh cho hành động không mấy văn hóa của mình bằng những ngôn từ như: "Nghệ sĩ cũng là người bình thường", hoặc "Ai cũng có lúc nóng giận"... Chính vì thấy, vì có những lời lẽ biện minh phù hợp, việc họ văng tục chửi bậy cũng thường xuyên hơn.
Nhưng các nghệ sĩ cũng quên mất rằng, không phải người bình thường nào cũng được là nghệ sĩ. Bởi, không phải ai cũng được đứng trên sân khấu, được xuất hiện trên báo chí làm chủ đề cho hàng triệu độc giả, được săn đón, có hàng ngàn người hâm mộ sẵn sàng chờ đợi hàng giờ liền chỉ để gặp mặt thần tượng. Trong nhiều giây phút "không giữ được bình tĩnh của mình", không ít nghệ sĩ quên mất vị trí của mình, hồn nhiên ăn nói với văn hóa "chợ búa" ngay chỗ đông người, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Những status của Tuấn Hưng
Nhiều người vẫn cho rằng, nghệ sĩ chửi cứ chửi, nói cứ nói nhưng họ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, là một người đang được công chúng chú ý nên chẳng có gì đáng bàn cãi. Cứ um sùm một thời gian rồi lại thôi, lại được tung hô, được săn đón như thường. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người nghệ sĩ chính là mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội, có ích cho khán giả đồng thời cũng chính là tấm gương để nhiều người trẻ học theo.
Chính vì vậy, khi họ có những hành động, ngôn từ không được đẹp thì cần phải xét lại đến tư cách của những nghệ sĩ này ở trong showbiz cũng như cần có một "chế tài" riêng cho những hành động mang thói "lề đường" của họ.
Nhắc đến "chế tài", có lẽ ai cũng nhớ đến làng giải trí xứ Hàn, nơi mà mọi quy tắc ứng xử, phát ngôn đều được đặt lên hàng đầu. Nhóm nhạc trẻ Block B từng bị tất cả các đài truyền hình tại Hàn cấm lên sóng sau khi có những phát ngôn đùa cợt về nạn nhân bị lũ lụt tại Thái. Các ngôi sao Hàn khác cũng lên tiếng và cảm thấy xấu hổ vì có những công dân như thế. Việc cấm vận này chỉ được gỡ bỏ sau khi nhóm quay một đoạn clip bằng cả 3 thứ tiếng Anh - Thái - Hàn và cúi đầu xin lỗi vì những phát ngôn không đúng lúc của mình.
Hay trường hợp thành viên Kangin (Super Junior) say rượu và có liên quan trong một vụ ẩu đả vào năm 2009, cảnh sát vẫn chưa có kết luận nhưng làng giải trí đã có phản ứng ngay: NTK nổi tiếng Andrea Kim quyết định loại Kangin ra khỏi buổi trình diễn thời trang của mình diễn ra một ngày sau đó. Vụ việc càng nghiêm trọng hơn khi Kangin lại tiếp tục gây tai nạn giao thông và bỏ trốn trách nhiệm, công ty chủ quản SM đã phải quyết định cho thành viên này dừng hoạt động nhóm và gia nhập quân ngũ để xoa dịu dư luận.
Ngay cả đến làng giải trí phương Tây, vợ chồng nhà Natalia Kills và Willy Moon vừa bị X-Factor Newzealand sa thải ngay lập tức vì những lời lẽ xúc phạm đến phần trình diễn của một thí sinh khi chương trình đang phát sóng. Báo chí thậm chí còn trực sẵn tại sân bay để chụp lại khoảnh khắc không được mấy vinh quang "rời New Zealand" để trốn dư luận của cặp ngôi sao này. Cầu thủ nổi tiếng thế giới Rooney cũng bị treo giò 2 trận đấu chỉ vì một câu chửi thề trên sóng truyền hình.
Trở lại với "hậu trường" của showbiz Việt, chúng ta đang tự hỏi phải chăng khán giả Việt đang quá dễ tính với những phát ngôn, những hành động coi thường công chúng của giới nghệ sĩ xấu xí này? Phải chăng các nghệ sĩ đó đã quên mất rằng họ đang đứng trên đỉnh vinh quang là nhờ ai?
Pha Lê, Trang Trần là một trong những nghệ sĩ hay nói tục, chửi bậy trên trang cá nhân của mình
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới - ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, mới đây Bộ đã ra văn bản về những quy tắc ứng xử giữa con người và xã hội xung quanh. Đã là quy tắc ứng xử thì không hề có tính bắt buộc mà chỉ đề cập đến những tiếp thu, những hành động văn minh có học thức giữa con người với con người với nhau. Nếu có những cái gì khó mà không làm thì sẽ không bao giờ làm được, chính vì thế, với những quy tắc ứng xử và đồng hành cùng các văn bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ mong tạo được sự đồng thuận trong xã hội để hoàn thành tốt các quy tắc ứng xử cơ bản này.
Trong cuộc trò chuyện với ông Phan Đình Tân - Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho hay: Việc các nghệ sĩ nói tục, chửi bậy bây giờ gần như là... chuyện thường ngày ở huyện. Để xử lý vấn đề đã và đang tồn tại thì phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng như vậy và họ đang sai ở điểm nào? "Theo tôi có nhiều lý do để các nghệ sĩ "quên mình" đang ở đâu, đang là người được xã hội chú ý. Họ có thể chửi bậy vì muốn.., xả stress, tuy nhiên hành động đó không đáng được hoan nghênh. Chính vì thế thay vì chỉ trích, lên án họ, chỉ cần có những hành động "tiết chế" đi những ngôn từ đó ví dụ không cho xuất hiện trên sóng truyền hình, giảm sự tham gia các sự kiện lớn khi có các nhà chính trị gia, chính khách... - Đó chỉ là một cách đề xuất, tuy nhiên việc để nghệ sĩ không văng tục nữa không phụ thuộc vào chế tài mà phụ thuộc vào nhân cách" - ông Phan Đình Tân nhấn mạnh.
Nghệ sĩ là những người nhạy cảm trước mọi sự việc, sự vật trong cuộc sống nhưng cũng không vì thế mà cho mình cái quyền phản ứng khác với những qui luật đạo đức thông thường. Nếu các nghệ sĩ dùng lí lẽ "ngôi sao cũng là người bình thường, được phép hỉ nộ ái ố khi buồn vui" thì cũng chính từ mệnh đề này mà suy ra một sự thật khác cũng đúng đắn không kém: ngôi sao cũng là người bình thường nên phải sống kính trên, nhường dưới và khiêm tốn với mọi người, thậm chí hãy tỏ rõ mình là một người đáng được quý trọng hơn là đáng khinh trong mắt người khác.
Chia sẻ về những câu hỏi làm sao để những nghệ sĩ bớt văng tục, chửi bậy ảnh hưởng tới đời sống cũng như nhận thức trong giới trẻ. PGS.TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, nói tục, chửi bậy là biểu hiện từ sự đảo lộn của hệ thống giá trị dẫn đến tình trạng hỗn loạn về giao tiếp trong môi trường công cộng. Không ít người đang nghĩ rằng nói tục là “mốt”. Ông Thắng cho rằng, những văn bản hành chính có thể thực hiện trong cơ quan hành chính, còn ở nơi công cộng khó mà “áp” văn bản. Giải pháp là kích thích lòng tự trọng của mỗi cá nhân thông qua tuyên truyền.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), có không ít người đang có sự nhầm tưởng về giá trị. Họ quan niệm bỗ bã, bặm trợn chứng tỏ là người “ăn sóng nói gió”, biết làm chủ tình thế, thể hiện sự “chịu chơi”. Việc nói tục, chửi bậy chưa bị lên án đúng mức. Chúng ta mới quan tâm đề cao những vấn đề vĩ mô, như rèn luyện lý tưởng, lẽ sống cho giới trẻ mà không thấy rằng, việc cần làm đầu tiên là uốn nắn những hành vi nhỏ như lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với nhau.
Hà Nhi