Cha Liên hành nghề làm biển quảng cáo, còn mẹ em là lao công cho một trường đại học ở Sài Gòn. Hiểu gia cảnh khó khăn, Liên đã cố gắng học giỏi để giành được học bổng trị giá gần 7 tỉ đồng của ĐH Harvard (Mỹ).
Thông tin Trần Thị Diệu Liên (19 tuổi, sống tại TP.HCM) được Harvard, đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng hiếm trên 300.000 USD cho 4 năm học (khoảng 7 tỷ đồng, bao trọn các chi phí từ học tập đến sinh hoạt) mới đây…, khiến nhiều người bất ngờ xen lẫn ngưỡng mộ. Và câu chuyện về hành trình vươn mình ra thế giới của Liên, trong suốt 5 năm qua, có thể khiến bạn thêm tin rằng không tiền vẫn có thể du học, nếu động lực đủ mạnh.
Diệu Liên bộc bạch: “Nhập học Harvard ngành khoa học kỹ thuật vào tháng 8 tới là một quyết định có rất nhiều ý nghĩa với mình. Hơn hết, mình đã phá bỏ được nhiều định kiến và cho mọi người thấy rằng dù không có bệ phóng tài chính mạnh, giấc mơ du học vẫn có thể và giới tính không phải yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học.
Thiếu tiền, thừa quyết tâm du học
Từ khi còn là học sinh lớp 9 trường THCS Trần Đại Nghĩa, Liên đã lên kế hoạch săn học bổng A*Star của chính phủ Singapore nhưng cô chỉ dừng lại ở vòng phỏng vấn. Sau đó, Liên vẫn nuôi giấc mơ du học ở Singapore, bậc đại học. “Rất ít trường ở nước ngoài có chính sách hỗ trợ tài chính toàn phần cho sinh viên. Đối với Liên lúc đó, Singapore chính là ‘cái phao cứu sinh’ cuối cùng”, 9X giải thích.
Trăn trở của Liên là đúng, bởi gia đình em không khá giả. Bố Liên từ Thái Bình vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề làm biển quảng cáo, còn mẹ của em là lao công ở một trường đại học trong thành phố. Với đồng lương công nhân ít ỏi, việc trang trải cho cuộc sống gia đình 4 người đã chật vật, nói gì đến việc đầu tư cho con gái du học.
Hiểu hoàn cảnh gia đình nhưng Liên không lấy đó là lý do để biện hộ cho những thất bại. Liên kiên trì nộp đơn tham gia các chương trình học bổng, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ anh chị đi trước. Và khi biết về sự tồn tại của những suất học bổng toàn phần tại xứ sở cờ hoa, giấc mơ du học Mỹ hình thành trong Liên.
Nửa năm sau ngày Liên nộp hồ sơ đến các trường đại học Mỹ, Harvard đã gọi tên em.
Có một điều từ Harvard khiến Liên ấn tượng, đó là việc cô nhận được một lá thư tay của một giáo viên trong ban tuyển sinh, gửi kèm với hồ sơ thông báo nhập học. Trong thư, vị này nhận định những điều Liên viết trong bài luận gửi đến Harvard là “chân thật” và khơi gợi được “xúc cảm đam mê”…
Lời khen ngợi này khiến cô gái Sài Gòn vô cùng hạnh phúc vì theo Liên: “Câu chuyện mình chọn để kể với ban tuyển sinh Harvard thể hiện chân thực con người của mình. Mình vui vì sự giản dị này được trân trọng”.
Diệu Liên tâm sự với Thanh Niên: “Mình nỗ lực theo đuổi ước mơ du học nhiều năm liền không phải vì đây là con đường duy nhất để đến thành công, mà quan trọng hơn cả, du học giúp mình có những trải nghiệm đáng giá của tuổi trẻ, điều mà không phải ở đâu, với ai cũng có được”.
“Với những kiến thức được học trong những năm tới ở Harvard, mình hy vọng có thể giúp khoa học kỹ thuật của Việt Nam tiến xa hơn, để ngày càng nhiều những công trình nghiên cứu có cùng xuất phát điểm với nước ngoài”, cô nữ sinh 19 tuổi hy vọng.
Được biết ngoài Harvard, trong đợt này, Diệu Liên còn trúng tuyển một số đại học của Mỹ song cô không muốn tiết lộ vì lý do: “Số lượng trường bạn được nhận không chứng tỏ bạn là người giỏi”.
Quẳng áp lực đi để học tốt
Nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhận học bổng danh dự, điều bất ngờ là bố mẹ Liên quan tâm việc học của cô song họ chưa bao giờ tạo áp lực cho con gái trong việc phải đạt thành tích hay vị thứ cao trong các năm học.
Nhìn vào thực tế, khi có quá nhiều bậc cha mẹ đặt gánh nặng điểm số lên vai con mà quên mất ý nghĩa thật sự của việc học, Liên cảm thấy sự “tự do” của mình thật may mắn.
Cũng chính nhờ việc không tạo cho mình áp lực phải thành công giúp Diệu Liên nhẹ nhàng bước qua những lần thất bại, chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, trước khi chạm tay đến cửa Đại học Harvard.
"Cách mà bạn tự vượt qua các vấn đề khúc mắc trong học tập chính là kỹ năng bạn cần có để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Và nếu như bố mẹ cứ quen việc vẽ sẵn đường đi cho con, đến lúc đứng giữa ngã rẽ, bạn sẽ không có đủ sự độc lập để quyết định những vấn đề quan trọng trong đời”, Liên nêu quan điểm.
9X thừa nhận, cơ hội du học và khả năng tiếng Anh có quan hệ mật thiết với nhau, song không phải ai cũng đó đủ tiềm lực tài chính để nâng cao trình độ trong các trung tâm Anh ngữ quốc tế. Cách duy nhất để “sống sót” trong tập thể ai cũng giỏi tiếng Anh đó là tìm được động lực để phấn đấu.
“Một người bạn của mình đã từng nói, nếu không đặt bản thân vào tình huống sống chết thì bạn sẽ không có động lực để học tiếng Anh và trường hợp của mình gần giống như vậy. Khi xung quanh mình là những bạn không chỉ rất xuất sắc mà còn có tinh thần cầu tiến cao, mình phải luôn cố gắng không ngừng để không bị tụt lại phía sau. Bởi, sự học như chèo thuyền ngược dòng, không tiến ắt phải lùi. Tiếng Anh là một quá trình ghi nhớ và tích lũy và sự tích lũy của mình hình thành một cách tự nhiên như thế”.
Đối với Liên, ngoài việc học ở trường thì việc trải nghiệm cuộc sống cũng quý giá và quan trọng không kém.
Trong khoảng thời gian cấp 3, thay vì đăng ký các lớp học thêm như sự lựa chọn của nhiều học sinh hiện nay, Diệu Liên dành thời gian dạy kèm các môn văn hóa cho trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn tại các mái ấm tình thương.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Liên nộp đơn xin thực tập và làm việc bán thời gian cho các công ty ở các lĩnh vực khác nhau để có thêm trải nghiệm với các ngành nghề. Hiện tại, 9X đang thực tập toàn thời gian ở một công ty phần mềm và tham gia các dự án nhỏ về giáo dục, khoa học trước khi bước chân vào Harvard tháng 8 tới.
Dù với thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nước lẫn quốc tế, Liên được tuyển thẳng vào một trường đai học trong thành phố vào năm 2015, song nữ sinh lại quyết định tạm gác việc học một năm để “gap year”.
Lê Ái / Thanh Niên