Côn trùng có thể sẽ hoàn toàn biến mất trong một thế kỷ tới, điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái toàn cầu khi chúng là một mắc xích quan trọng.
Trong một nghiên cứu toàn diện của các nhà khoa học tại nhiều nước thì các loài côn trùng trên thế giới đang suy giảm theo hướng có thể bị tuyệt chủng hoàn toàn, và nếu điều này diễn ra có thể dẫn đến sự sụp đổ thảm khốc của hệ sinh thái tự nhiên.
Cụ thể, theo các phân tích mới nhất thì 40% số lượng các loài côn trùng đang suy giảm về lượng và 1/3 loài côn trùng đang có nguy cơ bị đe dọa. Tốc độ tuyệt chủng của những loài côn trùng được cho là nhanh hơn 8 lần so với động vật có vú, chim và bò sát. Mỗi năm có 2,5% số lượng côn trùng bị giảm đi và trong một thế kỷ tới có thể côn trùng sẽ hoàn toàn biến mất nếu con người không có hành động bảo vệ chúng.
Theo các nhà khoa học, Trái đất của chúng ta đang rơi vào chu kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6 của mình, với những tổn thất to lớn hơn so với những lần trước. Côn trùng rất đa dạng và là một phần thiết yếu của hệ sinh thái tự nhiên khi chúng đóng vai trò làm thức ăn cho các sinh vật khác, thụ phấn và chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
Sự biến mất của các loài côn trùng đã được nhận thấy ở Đức và Puerto Rico, nhưng những thông tin mới cho thấy đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
"Trừ khi chúng ta thay đổi cách sản xuất thức ăn, côn trùng nói chung sẽ đi vào con đường tuyệt chủng trong một vài thập niên", các nhà khoa học cho biết trong một báo cáo đăng tải trên tạp chí khoa học Biological Conservation.
Theo phân tích, côn trùng đang suy giảm nhanh do nguyên nhân chính là ngành nông nghiệp thâm canh của con người với việc sử dụng thuốc trừ sâu một cách vô tội vạ. Đô thị hóa và biến đổi khí hậu cũng là những yếu tố quan trọng khiến loài côn trùng đang đi trên con đường tuyệt chủng.
"Nếu xu hướng tuyệt chủng của côn trùng không thể dừng lại, điều này sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho cả hệ sinh thái của hành tinh và cho sự sống còn của loài người", ông Cameron Sánchez-Bayo, tại Đại học Sydney, Úc nhận định.
"Tỷ lệ suy giảm 2,5% trong 25-30 năm qua là quá gây sốc. Tốc độ này là quá nhanh, trong 10 năm tới, 1/4 số côn trùng sẽ biến mất, trong năm 50 chúng chỉ còn lại một nửa và sau 100 năm nữa thì không còn con nào", ông Sánchez-Bayo cho biết thêm.
Số lượng côn trùng suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các loài chim, bò sát, lưỡng cư và cá ăn côn trùng. "Nếu loài côn trùng bị tuyệt diệt, tất cả những loài vật này sẽ chết đói theo", ông Sánchez-Bayo giải thích.
Một sự tuyệt chủng như vậy đã được quan sát tại Puerto Rico, nơi số lượng côn trùng biến mất tới 98% trong 35 năm qua.
Nghiên cứu mới đăng trên Biological Conservation được tổng hợp từ 73 nghiên cứu riêng biệt cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng của các loài côn trùng trong thiên nhiên. Bướm và ngài là những loài sinh vật bị ảnh hưởng mạnh nhất, khi chỉ riêng tại Anh từ năm 2000 đến năm 2009, số lượng của những sinh vật này suy giảm tới 58%.
Ong cũng đang đối diện với nguy cơ tuyệt diệt, số lượng đàn ong tại Mỹ trong năm 1947 là 6 triệu đàn thì tới nay chỉ còn là 2,5 triệu đàn. Có hơn 350.000 loài bọ cánh cứng và nhiều loài được cho là đã suy giảm, đặc biệt là bọ hung. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa thống kê được số lượng của các loài ruồi, kiến, rệp, bọ xít và dế, nhưng rõ ràng là các loài này cũng không thoát khỏi xu hướng suy giảm.
"Một số lượng nhỏ các loài thích nghi đang tăng số lượng, nhưng gần như không đủ để vượt qua những mất mát lớn. Luôn luôn có một số loài tận dụng lợi thế từ việc tuyệt chủng của các loài khác", ông Sanchez-Bayo cho biết thêm. Tại Mỹ, số lượng ong vò vẽ đang tăng mạnh do chúng có khả năng thích nghi với thuốc trừ sâu.
Theo ông Sánchez-Bayo nguyên nhân chính của hiện tượng này là do hoạt động thâm canh nông nghiệp của con người với việc môi trường sống của loài côn trùng bị xóa bỏ và chúng chết vì thuốc trừ sâu. Một số vùng khác như Puerto Rico thì côn trùng biến mất là do biến đổi khí hậu khi chúng vốn tiến hóa theo hướng chỉ sống được ở môi trường với điều kiện khí hậu ổn định.
Thiên Hà (theo The Guardian)