Việc cơ quan chức năng tính toán thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội là đáng được ủng hộ vì nó sẽ tạo ra sân chơi công bằng, nhưng phải có cái nhìn khách quan, mang tính thị trường để từ đó có cách tính và cách thu phù hợp, nhất là với những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, không chuyên.

Công bằng nào cho tận thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội?

Hoàng Linh - CTV bác Xuyên | 28/02/2017, 11:29

Việc cơ quan chức năng tính toán thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội là đáng được ủng hộ vì nó sẽ tạo ra sân chơi công bằng, nhưng phải có cái nhìn khách quan, mang tính thị trường để từ đó có cách tính và cách thu phù hợp, nhất là với những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, không chuyên.

Một người chị quen biết cũ có hàng tạp hóa khá đắt ở vùng ven, chị vui mừng báo tin cho tôi là con đường nhỏ trước nhà chị sẽ mở thành “lộ lớn”, chị lập tức kéo dài căn nhà theo chiều ngang bằng cách xây thêm một chái nữa để mở rộng tiệm tạp hóa.

Nhưng đường lớn, lắp thêm dải phân cách cứng, xe lưu thông mỗi chiều theo kiểu non stop đã đẩy tiệm tạp hóa của chị vào cảnh ế ẩm. Tình trạng kéo dài 2 năm khiến gia cảnh chị khó khăn, thế là cô con gái đầu nói “để con”.

Sau 2 năm nữa, từ nhóm bạn cùng xã trên Zalo sau đó mở rộng ra thành trang khác trên Facebook, tiệm tạp hóa ế nhệ của chị đã thành một địa chỉ Zalo không thể thiếu trong điện thoại của cả ngàn người trong bán kính mươi kilomet, còn trang Facebook thì chủ yếu bán hàng quần áo, mỹ phẩm cho khách xa lẫn gần.

Hai xe tải nhỏ, 8 nhân viên giao hàng và cả gia đình nội ngoại hoạt động ì xèo. Cô con gái ngồi tại bàn máy tính, 3 smartphone và micro gắn loa vừa đủ nghe đọc vanh vách tên mặt hàng, người giao nhận, tên địa chỉ khách hàng, khách mua trực tiếp cũng nhiều lên rộn rịp ở gian bên cạnh do mẹ cô bán.

Cô cho biết việc kinh doanh trên mạng chính là phương tiện để tiệm tạp hóa của cô thành công, thuế má đóng đầy đủ, thuế phường, quản lý thị trường kiểm tra thường xuyên. Cô còn biết rõ khách hàng cần món gì, kể cả khách thèm ăn bánh xèo, hay phở là mặt hàng cô không kinh doanh thì nhân viên cũng “nhân tiện” mua giùm, giao giùm đến tận nơi mà không thu phí.

Một hình thức start-up “nông thôn bán thành thị” mà cô này tự hào nói như một slogan “Em đây buôn bán cái Zalo”. Ở đây mạng xã hội như một kênh quảng bá, tương tác với khách hàng chứ không phải là kênh kinh doanh trốn thuế.

Nhưng không phải ai kinh doanh, khởi nghiệp trên mạng cũng thành công, đa phần là thất bại vì vốn ít, không có khách hàng thân thiết, không có kinh nghiệm kinh doanh, không nguồn hàng…

Tôi nhớ trong game show “Thách thức danh hài” có cô nọ đến từ Gò Vấp (TP.HCM), cũng khởi nghiệp bằng cách bán hàng thời trang, mỹ phẩm trên mạng, do ế quá nên cô thường xuyên mở YouTube xem hài nên nhiễm hài và tự lên kịch bản đi thi luôn.

Tôi không biết có bao nhiêu người “tay ngang” nhảy vào kinh doanh trên mạng mà thành công vang dội, phần nhiều là như cô đi thi hài này, buôn bán cầm chừng hoặc ế ẩm ương.

Hỏi thăm trên 10 người quen kinh doanh trên mạng, vài chị sống khỏe nhờ vào nguồn hàng xách tay độc, lạ, giá rẻ, nhiều mối quan hệ cho đầu ra, còn lại đều xập xình, chủ yếu kiếm thêm. Duy chỉ có hai chị mua bán trái cây ngoại, hàng bách hóa ngoại là thành công bất ngờ nhưng giờ phải thành lập công ty vì nhập hàng cỏn con, xách tay nó khác với nhập qua Hải quan số lượng lớn và thường xuyên.

Trường hợp kinh doanh cực lớn với mục đích trốn thuế 100% tôi chưa thấy trong số bạn bè của mình và tôi cũng tin rằng không ai dám phiêu lưu như vậy vì khi doanh số lớn bạn phải có nguồn cung lớn, ổn định, có địa điểm kinh doanh, giao dịch, kho hàng, nhân viên… kinh doanh chui lủi rất nguy hiểm và làm sao qua mắt được địa phương?

Một nhà báo chia sẻ rất thân tình rằng: Nhiều bạn bè, người quenđang rao bán hàng hóa qua Facebook cá nhân với quymô rất nhỏ như bò 1 nắng, cá mắm miền Trung... chỉ mang tính khởi nghiệp. Nếu thu thuế đối với họ thì quá tội nghiệp.

Nhưng theo các chuyên gia thì buôn bán trên mạng đã phát triển tới quy mô cần phải thu thuế tận nơi để đảm bảo sự công bằng cho những người nộp thuế khác.

Cơ quan quản lý khẳng định sẽ tính toán thu thuế bán hàng không chỉ trên Facebook mà cả trên các mạng xã hội như Zalo, Instagram, YouTube... Thực tế, có đơn vị doanh thu cả tỉ đồng nhưng không nộp thuế...

Có tới 35% doanh nghiệp đang bán hàng trên mạng xã hội. Có thể tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế.

Theo nhiều chuyên gia, điều này là không công bằng với những người nộp thuế. Bởi hiện nay, nhiều người bán quán ăn, quần áo cũng phải đóng thuế.

Ở đây tôi không bàn về doanh nghiệp tầm cỡ lớn kinh doanh trên mạng mà chỉ nói đôi chút về các cá nhân, hộ gia đình khởi nghiệp buôn bán trên mạng.

Có thông tin rằng nhiều cá nhân tại TP.HCM và Hà Nội kinh doanh quần áo trên Facebook mà lợi nhuận hàngtỉ đồng mỗi tháng, có ngày doanh thu trên trăm triệu. Thông tin này được dẫn do chính người kinh doanh bộc bạch.

Người thân tôi có thời gian kinh doanh quần áo bỏ mối đi các tỉnh, bán lẻ nên tôi biết rõ sự phức tạp của ngành này. Lô hàng nào bạn cũng phải lưu kho vì không bán được khoảng 30%, có lô lên đến 60%, phải vốn rất mạnh, trường vốn và truyền đời buôn bán trong dòng họ thì mới trụ được và phát sinh lợi nhuận.

Kinh doanh trên mạng không phải là con gà đẻ trứng vàng mà nó rất tàn khốc cũng như thương trường thôi, cạnh tranh quyết liệt, đào thải cực nhanh.

Việc cơ quan chức năng tính toán thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội là đáng được ủng hộ vì nó tạo ra sân chơi bình đẳng của những người kinh doanh thông qua nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên phải có cái nhìn khách quan, mang tính thị trường về lĩnh vực này để có cách tính, cách thu phù hợp, đặc biệt là chính sách với những cá nhân khởi nghiệp trên mạng từ buôn bán không chuyên, nhỏ lẻ như trên đã nêu.

Hoàng Linh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công bằng nào cho tận thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội?