PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá việc công khai lãi suất bình quân góp phần thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế dồi dào hơn.
Tài chính và đầu tư

Công khai lãi suất cho vay bình quân, tín dụng ra nền kinh tế sẽ dồi dào hơn

Lam Thanh 10/04/2024 06:00

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá việc công khai lãi suất bình quân góp phần thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế dồi dào hơn.

Trong quý 1/2024, các báo cáo đánh giá lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao.

Để tăng tiếp cận vốn, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay, thông tin triển khai các gói tín dụng trước ngày 10.4.

Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ mới nhất, Thủ tướng cũng yêu cầu trước ngày 10.4.2024 cần thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay; nghiên cứu có lộ trình từng bước bỏ hạn mức tín dụng và có kiểm soát bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bảo đảm an toàn hệ thống…

202001010944chngan-hang-1.jpg
Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần thúc giục, đến nay, phần lớn các tổ chức tín dụng đã công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân.

Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tháng 3.2024 tại Agribank là 7,47%/năm; chi phí vốn bình quân là 6%/năm; trong đó, lãi suất huy động bình quân là 4,2%/năm, các chi phí khác (bao gồm dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động) là 1,8%/năm.

Trong khi đó, VietinBank hiện đang có lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 3 là 6,4%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân tại ngân hàng này là 3,4%/năm. Riêng mức chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn tại Vietcombank hiện chỉ còn 1,8%/năm.

Còn tại BIDV, lãi suất cho vay bình quân là 6,49%/năm và chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân-huy động vốn bình quân) là 3,12%/năm.

Ngoài nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng lần lượt công bố lãi suất cho vay bình quân, cụ thể: TPBank là 7,76%/năm; Vietbank 7,32%/năm; OCB là 7,79%/năm đối với cá nhân và 9,29%/năm đối với doanh nghiệp; VIB là 8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp; ACB là 9,7%/năm đối với cá nhân và 9,33%/năm đối với doanh nghiệp...

Theo các chuyên gia, việc yêu cầu phải công khai lãi suất cho vay bình quân đã buộc các ngân hàng thương mại phải cạnh tranh hơn. Bởi người vay sẽ có xu hướng so sánh lãi suất nơi nào thấp hơn, trước khi quyết định vay vốn.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá yêu cầu về công khai lãi suất cho vay bình quân cũng là tín hiệu đáng mừng. Qua đó, giúp cho việc cấp tín dụng của ngân hàng thương mại công khai minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.

“Về mặt kinh doanh thì quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp còn tuỳ vào nhiều yếu tố và tuỳ từng khách hàng. Khách hàng có độ tín nhiệm cao thì lãi suất thấp, độ tín nhiệm thấp thì lãi suất sẽ cao. Do đó, việc công bố chỉ là lãi suất bình quân để tham khảo”, ông Thịnh nói.

anh-man-hinh-2024-04-09-luc-22.39.00.png
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính - Ảnh: Lam Thanh

Ông Thịnh cũng đánh giá việc công khai lãi suất bình quân này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp đến vay và lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế sẽ dồi dào hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân các khoản vay mới hiện chỉ còn 6,4%/năm, giảm thêm 0,7% so với cuối năm 2023.

Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với hồ sơ vay vốn.

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước cho biết nếu như trong quý đầu tiên của năm tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,26%, thì sang quý 2 dự báo sẽ tăng tới 3,8%. Điều này kỳ vọng nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ được đẩy mạnh khơi thông.

Bài liên quan
Các quyết định mới về lãi suất tiền gửi có hiệu lực từ 20.11
Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định mới về lãi suất tiền gửi có hiệu lực từ ngày 20.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai lãi suất cho vay bình quân, tín dụng ra nền kinh tế sẽ dồi dào hơn