Trong những năm gần đây, khi Việt Nam đang từng bước ứng dụng và phát triển những tiến bộ công nghệ trong xu thế của cuộc CMCN 4.0 thì những lĩnh vực công nghệ mới cũng đang dần được chú trọng nhiều hơn.

Công nghệ mới sẽ giúp Việt Nam đi tắt đón đầu trong kỷ nguyên số

08/06/2020, 05:40

Trong những năm gần đây, khi Việt Nam đang từng bước ứng dụng và phát triển những tiến bộ công nghệ trong xu thế của cuộc CMCN 4.0 thì những lĩnh vực công nghệ mới cũng đang dần được chú trọng nhiều hơn.

Ảnh: Internet

Theo tài liệu “Những điều cần biết về nghề CNTT” do Bộ TT-TT phát hành tháng 5.2020, khi Việt Nam đang từng bước ứng dụng và phát triển những tiến bộ công nghệ trong xu thế của cuộc CMCN 4.0 thì những lĩnh vực công nghệ mới cũng đang dần được chú trọng nhiều hơn.

Điển hình như SMAC (nền tảng mới nhất của ngành CNTT thế giới, dựa trên 4 xu hướng hiện đại là Social – xã hội (S), Mobile – di động (M), Analytics – phân tích dữ liệu (A) và Cloud – đám mây (C)). Đây là xu hướng giúp kết hợp toàn bộ cấu thành hệ thống một cách chặt chẽ và tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, lấy con người làm trọng tâm, định hình phát triển xu hướng thông minh mới.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt đang đưa ra các mức đầu tư lớn cho việc cung cấp các dịch vụ trên nền điện toán đám mây; xu hướng Mobility cũng vẫn tiếp tục phát triển với số lượng người dùng ngày càng gia tăng và làm truyền thông xã hội tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.

Theo con số ước tính thể hiện trong tài liệu “Những điều cần biết về nghề CNTT”, bước nhảy vọt về dịch vụ đám mây, di động, truyền thông xã hội... đã đóng góp hơn 80% phương thức giao tiếp online, video online và các nội dung số trên di động. Các chuyên gia đầu ngành cho rằng SMAC chính là một cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu, đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới trong kỷ nguyên số.

Bên cạnh SMAC, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet vạn vật, cụ thể hơn là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet), Blockchain (chuỗi khối) cũng là lĩnh vực công nghệ mới mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam và các startups đang ứng dụng và phát triển.

CNTT nằm trong top đầu các ngành nghề tuyển dụng

VietnamWorks vừa công bố báo cáo “Thị trường nhân lực ngành CNTT Việt Nam” thập niên 2010 - 2020. Báo cáo được thực hiện dựa trên việc phân tích các số liệu từ hai nguồn chính, gồm dữ liệu về các công việc ngành CNTT được đăng tuyển trong giai đoạn 2010–2019; và dữ liệu khảo sát thị trường nhân lực ngành CNTT 2020 do đơn vị này thực hiện bằng phương pháp định lượng trên 2.000 nhân lực ngành CNTT.

Trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có nhu cầu tuyển dụng phổ biến lần lượt là Phát triển phần mềm; Hỗ trợ kỹ thuật; Quản lý dự án/Sản phẩm; Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và Giao diện (UI); Kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC và Khoa học dữ liệu.

Đáng chú ý, giai đoạn từ 2010 đến đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT. Khi so sánh nửa đầu thập kỷ và nửa cuối thập kỷ, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tăng trưởng gần gấp đôi.

Theo số liệu trong tài liệu “Những điều cần biết về nghề CNTT” của Bộ TT-TT, toàn ngành CNTT hiện có khoảng 1 triệu lao động tại doanh nghiệp, hàng năm có trên 50.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng mới. Ngoài ra còn có lực lượng lao động làm việc tại các đơn vị chuyên trách về CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp tiêu biểu được cộng đồng CNTT thế giới ghi nhận như Viettel, VNPT, FPT, TMA, CMC, BKAV… và một số startups như Kyber Network, VP9, Elsa…

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng đáng kể. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT năm 2018 là khoảng 40.000 doanh nghiệp (tăng 36,7% so với năm 2017).

Năm 2019, trong 236 trường Đại học trên cả nước có 149 trường đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT với tổng số chỉ tiêu hơn 51.000 sinh viên; 412 trường Cao đẳng và trung cấp nghề trên cả nước có đào tạo CNTT. Hiện ngành CNTT có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất trong các ngành tuyển sinh Đại học.

Tuy đã có sự gia tăng về số lượng trong những năm gần đây, nhưng nhu cầu nhân lực CNTT vẫn còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là kỹ sư CNTT chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thực tế cho thấy, ngành CNTT không chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực mà được mở rộng ra nhiều lĩnh vực như Phát triển phần mềm, lĩnh vực Mạng và An toàn thông tin, lĩnh vực Đa phương tiện… Vì vậy, để có thể “cưa cẩm” được nhà tuyển dụng, một kỹ sư CNTT cần hội tụ nhiều kỹ năng (kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, làm việc nhóm, kỹ năng mềm…).

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thực thi đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao: Các bên cùng có lợi
một phút trước Tài chính và đầu tư
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đều đánh giá cao đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ mới sẽ giúp Việt Nam đi tắt đón đầu trong kỷ nguyên số