Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỉ đồng (74 tỉ USD) cho Việt Nam vào năm 2030.

Công nghệ số có thể mang lại cho Việt Nam 74 tỉ USD vào năm 2030

Lam Thanh | 18/10/2021, 20:11

Nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỉ đồng (74 tỉ USD) cho Việt Nam vào năm 2030.

Ngày 18.10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”.

Công nghệ số có thể mang lại 1,7 triệu tỉ đồng

Đại diện nhóm nghiên cứu của Google trình bày báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỉ đồng (74 tỉ USD) cho Việt Nam vào năm 2030.

Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Báo cáo đưa ra một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số. Những rào cản này bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.

ht2.jpg
Đại diện nhóm nghiên cứu của Google trình bày báo cáo

Nghiên cứu do Liên minh Internet Á Châu (AIC) thực hiện cho thấy các quy định về nội địa hóa dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình ước tính chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (chậm hơn khoảng 10 lần so với Singapore, chỉ bằng 1/3 Malaysia và 1/2 Thái Lan).

Báo cáo đưa ra 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam, gồm: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); (công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot tiên tiến và chế tạo đắp lớp (Additive Manufacturing).

Ngoài ra, Báo cáo cũng cho thấy việc áp dụng kỹ thuật số cũng rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19.

Báo cáo đưa ra ba trụ cột hành động để Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội số của đất nước là phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước; nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên; phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số.

3 ưu tiên để khai thác tốt nhất chuyển đổi số

Ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, số hóa nhằm góp phần tăng năng suất lao động, vận hành hiệu quả.

Trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19, theo khảo sát cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có bước tiến nhảy vọt, 60% các doanh nghiệp hiện đang sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến và Chính phủ điện tử đang cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến.

Theo khung đánh giá của WB, để trở thành công xưởng về công nghệ số cần phải có kết nối internet và chất lượng tốt; năng lực, kỹ năng, hấp thu công nghệ số và kinh tế số, lượng tương quan của người lao động và khung pháp lý; hấp thu và áp dụng các công nghệ mới, đổi mới sáng tạo; trụ cột về bảo vệ an ninh dữ liệu và hỗ trợ luồng thông tin dữ liệu.

Ngoài hạ tầng có chất lượng và kết nối với giá cả hợp lý, phần lớn lợi thế của công nghệ số chủ yếu nhờ vào yếu tố kỹ năng, khả năng ứng dụng công nghệ mới và thông tin, dữ liệu.

ht.jpg
Ông Jacques Morisset phát biểu tại hội thảo

Ông Jacques Morisset nêu ba ưu tiên để khai thác tốt nhất chuyển đổi số. Thứ nhất, nâng cao kỹ năng số của nhóm dân số tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo đó, cần loại bỏ trở ngại pháp lý về dịch chuyển lao động; cung cấp thông tin làm căn cứ ra quyết định; cải thiện chất lượng các chương trình giáo dục; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp năng động đổi mới sáng tạo bởi chu kỳ đổi mới sáng tạo bị rút ngắn trong nền kinh tế số, doanh nghiệp có thể bị lỗi thời rất nhanh.

Do vậy, Chính phủ cần tăng cường quy định để tránh các doanh nghiệp chi phối lạm dụng; hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp và các nhà đầu tư trong nước có tài năng.

Thứ ba, tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin, cải thiện về thu thập và cho phép mọi người truy cập thông tin, đồng thời cân đối giữa bảo mật cá nhân và an ninh.

Để thực hiện ưu tiên này, Chính phủ cần chia sẻ dữ liệu công trực tuyến; phát triển khả năng tương tác liên thông giữa các cơ sở dữ liệu; khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu khi các nền tảng và công cụ số mới làm giảm độc quyền của Nhà nước.

“Tôi tin tưởng Việt Nam có tiềm năng và sẽ thành công trong cuộc đua về công nghệ số song phải hành động, tạo môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi và ứng dụng công nghệ nhanh; tất cả mọi người có thể tiếp cận dữ liệu có chất lượng, ông Jacques Morisset nói.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho rằng hay, thuật ngữ “Kinh tế số” (digital economy) đã được nhắc đến khá lâu trước khi xuất hiện khái niệm cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự xuất hiện của Internet vạn vật (IoT) đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Xu hướng “số hóa” hay “chuyển đổi số” ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 cần phải đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ số có thể mang lại cho Việt Nam 74 tỉ USD vào năm 2030