Với việc ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện phát như hạ lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, nới room tín dụng.

Covid-19 sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ?

16/02/2020, 07:01

Với việc ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện phát như hạ lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, nới room tín dụng.

Covid-19 tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh: Internet

Trong cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 12.2. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, với việc tập trung đánh giá vào ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là 2 kịch bản đã điều chỉnh so với số liệu được công bố vào 1 tuần trước đó vào ngày 5.2.

Trong đó, đáng chú ý, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 xuống lần lượt còn 6,25% và 5,96%, thấp hơn 0,02% và 0,13% so với kịch bản ban đầu. Chỉ số lạm phát bình quân (CPI) vẫn được duy trì ở mức 3,96% và 4,86% trong 2 kịch bản.

Số liệu cho thấy kịch bản tăng trưởng GDP trong quý 1/2020 đã có sự cải thiện (tăng 0,72% so với kịch bản ban đầu) do sự cải thiện trong tăng trưởng của hoạt động xuất nhâp khẩu quý.

Tuy nhiên, trong kịch bản mới điều chỉnh, tác động của dịch Covid-19 kéo dài sang tăng trưởng của quý 2 và quý 3 năm nay, chủ yếu là do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành điện – điện tử.

Đánh giá về 2 kịch bản này, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các dự báo thận trọng hơn về tăng trưởng GDP dưới ảnh hưởng từ dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy Chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng trong thời gian tới. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một biện pháp được đánh giá khả thi trong bối cảnh hiện tại.

“Giai đoạn đầu tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ- CP, yêu cầu hội đồng thẩm định nhà nước hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án trong tháng 3 năm 2020.

Trong quý 1/2020, chúng tôi đánh giá sẽ không có động thái quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 thông qua việc giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong quý 2/2020, với điều kiện lạm phát được kiểm soát, chúng tôi duy trì quan điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc thực hiện đồng bộ các biện phát như hạ lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, nới room tín dụng cho một số ngân hàng đã đạt Basel 2.

Đối với công cụ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì đồng VND ở mức ổn định do dịch Covid-19 tác động đến cả 2 phía xuất khẩu và nhập khẩu. Trong trường hợp đồng USD tăng giá, và đồng CNY cùng các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ giảm giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định đồng VND”, KBSV nhận định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Covid-19 sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ?