Suốt quá trình thai nghén và sinh nở, người phụ nữ luôn chịu đựng một mình những thay đổi bất thường về thể chất và cả những biến đổi tâm sinh lý. Vì thế, thai phụ rất cần được bảo bọc trong một “chiếc chăn nhung” do chính mình và các thành viên trong gia đình dệt nên.

Cùng làm 'chiếc chăn nhung' tuyệt hảo cho các bà bầu

25/03/2019, 18:42

Suốt quá trình thai nghén và sinh nở, người phụ nữ luôn chịu đựng một mình những thay đổi bất thường về thể chất và cả những biến đổi tâm sinh lý. Vì thế, thai phụ rất cần được bảo bọc trong một “chiếc chăn nhung” do chính mình và các thành viên trong gia đình dệt nên.

Khi trong nhà có phụ nữ mang thai

Phụ nữ có thai nếu chỉ chăm sóc về mặt vật chất thôi thì chưa đủ mà chúng ta còn cần phải giúp cho họ có một trạng thái tâm lý thoải mái, vui vẻ, không lo âu buồn phiền trong suốt thời kỳ mang thai. Có như vậy đứa trẻ sinh ra mới thật sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, là điều kiện để trẻ phát triển hài hòa sau này.

Nếu như bào thai là kết quả của tình yêu thực sự giữa vợ chồng, thỏa mãn kỳ vọng của cả gia đình thì việc có thai sẽ củng cố bầu không khí hòa thuận, đầm ấm khiến các thành viên thêm vui vẻ, chăm sóc và thương yêu nhau hơn. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có một thái độ thiện chí và giúp người mẹ chăm sóc cho thai nhi một cách cẩn thận, chu đáo. Thái độ ân cần, niềm nở, vui vẻ của mọi người trong gia đình sẽ là nguồn động viên lớn giúp cho người phụ nữ vượt lên những khó khăn khi mang thai.

Vai trò của người cha

Bên cạnh sự hỗ trợ y tế, sự quan tâm và động viên của người bạn đời là vô cùng quan trọng đối với thai phụ. Các ông chồng hãy chủ động trang bị cho mình một “cặp kính màu hồng” trong lúc vợ mang thai để có thể nhìn ra những nét đáng yêu khác của vợ mình, để cùng vợ vượt qua một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và trong cuộc sống hôn nhân.

Các ông chồng cũng đừng vì những thay đổi về hình dáng hay tính tình của vợ mà có những lời đùa giỡn hoặc ứng xử không hay. Hãy đón nhận những thay đổi đó như là một phần tất yếu của đời sống vợ chồng mà gia đình nào rồi cũng phải trải qua. Hãy ở bên cạnh người vợ của mình trong lúc sinh nở, hay những lúc khó khăn trong quá trình chăm sóc con cái sau này.

Ngoài ra, người chồng cũng phải biết tạo không khí thật thoải mái trong gia đình khi người vợ mang thai, tránh làm cho vợ bị sốc hay bị stress, căng thẳng về tinh thần – nhưng phụ nữ cũng cần cư xử, hành động tế nhị, đúng mực, đừng lợi dụng lúc này để “ăn hiếp” chồng.

Luôn nhớ để mắt và nhắc nhở vợ mình chú ý khi ngồi, nằm, nhặt hoặc nâng đồ vật, điều chỉnh tư thế đúng khi mang thai để giúp cho cơ lưng và cơ bụng không bị kéo căng quá mức.

Hãy ở bên cạnh vợ của mình trong lúc sinh nở. Các ông bố đã đồng hành với vợ trong suốt những tháng ngày vợ mang thai, chuẩn bị tất cả những kiến thức, tinh thần và vật chất, thì sự có mặt trong giây phút quan trọng này sẽ mang lại cho người vợ cảm giác được yêu thương trọn vẹn. Chỉ cần một nụ hôn nhẹ, một vòng tay ấm áp, một nụ cười biết ơn của chồng, người vợ sẽ quên đi cảm giác đau đớn và mệt mỏi của phút giây “vượt cạn”.

Vai trò của những người thân trong gia đình

Những người thân trong gia đình có vai trò tích cực mà không người giúp việc nào thay thế được. Họ là những người rất cần thiết để san sẻ những lo âu và chia sẻ niềm tự hào của người sắp làm mẹ.

• Chia sẻ kinh nghiệm mang thai và sinh nở.

• Tạo bầu không khí gia đình chan hòa tình thương yêu, cho thai phụ cảm giác được quan tâm, thai nhi được vỗ về.

• Giúp thai phụ làm những việc nặng nhọc.

• Chăm sóc em bé lớn (nếu có).

• Tạo tâm lý tốt cho các bé lớn chào đón đứa em của mình, khuyến khích bé cùng đi mua sắm đồ cho em, giúp bé sớm xây dựng tình thương yêu với em từ khi em còn trong bụng mẹ.

• Cùng tham gia các lớp tiền sản để được các chuyên viên y tế cập nhật thêm kiến thức khoa học mới và bổ ích về mang thai và sinh con.

Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình cần tránh thực hiện các hành vi sau:

• Tránh tranh cãi, la lối với nhau gây bất hòa trong gia đình. Tối kỵ việc la mắng hay cáu gắt, khủng bố tinh thần với thai phụ. Việc thay đổi hormone và những bất đồng quan điểm trong dưỡng thai là những nguyên nhân dễ gây ra các xung đột gia đình. Lúc này, người thân cần hết sức kiềm chế để duy trì hòa khí gia đình.

• Tránh làm cho thai phụ hoang mang vì những quan niệm đã lỗi thời, lạc hậu như là kiêng quan hệ tình dục hoặc kiêng tắm rửa (thật ra thai phụ cần tắm rửa thường xuyên để giữ vệ sinh thân thể, chỉ không nên tắm bồn mà tắm bằng vòi sen, đồng thời phải cẩn thận chú ý an toàn mỗi khi vào nhà tắm trơn trượt).

• Hạn chế những hoạt động gây độ ồn cao như hát karaoke, tiệc tùng, sửa chữa nhà cửa khi trong nhà có người thân đang mang thai.

Tóm lại, những lời nói âu yếm, sự quan tâm chăm sóc của các thành viên trong gia đình là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thai nhi. Bầu không khí yên bình, hòa thuận trong nhà sẽ là môi trường lý tưởng cho sự phát triển hài hòa của bào thai. Bản thân người mẹ khi được sống trong tình yêu thương của mọi người cũng được tiếp thêm nghị lực, niềm tin và niềm vui để hoàn thành tốt giai đoạn đầu tiên trong sứ mệnh làm mẹ cao cả của mình.

Trích sách Thai giáo – Phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng làm 'chiếc chăn nhung' tuyệt hảo cho các bà bầu