Lễ cúng tiễn ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp.

Cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp thế nào cho đúng

31/01/2016, 17:50

Lễ cúng tiễn ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có vị Thần Bếp hay còn gọi là Thần Táo Quân trông nom cuộc sống của họ. Theo quan niệm, Thần Táo quân bao gồm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Đó là hai Táo ông và một Táo bà.

Táo thần là người biết hết mọi chuyện lớn bé, xấu tốt trong nhà gia chủ vì theo nếp sinh hoạt của người Việt, căn bếp là nơi mà các thành viên trong gia đình quây quần, đoàn tụ sau mỗi ngày làm việc. Căn bếp cũng là nơi mà mọi người sưởi ấm, chuyện trò với nhau. Do đó, thần Táo có thể nghe, chứng kiến tất cả những điều đó. Tất cả mọi chuyện sẽ được báo cáo lên Thiên giới.

Vì vậy, mỗi gia đình cần phải chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ để làm lễ cúng tiễn ông táo về trời. Sau khi tiễn ông Táo, mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, cắm hoa ở những nơi trang trọng.

Người Việt Nam thường làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.

Lễ cúng tiễn ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng sớm ngày 23. Nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.

Theo tục cổ truyền thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.

Ở miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" - cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương lưu ý, trong lễ cúng 23 tháng Chạp, lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng.

Ông Công, ông Táo là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà. Vì vậy ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Theo các vị xuất gia, việc cúng này cần thành tâm và tùy theo gia cảnh. Lễ cúng tiễn ông Táo không nên quá câu nệ, có điều kiện thì làm mâm cơm canh, còn không thì thành tâm hoa quả là được. Không nên đốt nhiều vàng mã, quần áo hoặc sắm sanh ngựa, nhà, ô tô... vì vừa lãng phí mà cũng không thể hiện được cái tâm hướng thiện của mình.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Bài cúng khấn Tết ông Táo 23 tháng Chạp theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - (NXB Văn hóa Thông tin)

(23 tháng Chạp)

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Chú ý: Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã. Nếu có cá chép thỉ thả cá ra ao, hồ, sông, suối… để cá đưa ông Táo lên chầu trời.
Tổng hợp từ báo Giao thông/ VTC
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp thế nào cho đúng