Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công một trường hợp viêm phổi do nhiễm liên cầu lợn, biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao.

Cứu sống người đàn ông bị nguy hiểm tính mạng do chăm sóc heo bệnh

Thanh Ngọc | 22/09/2022, 16:52

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công một trường hợp viêm phổi do nhiễm liên cầu lợn, biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao.

Thông tin từ gia đình cho biết, ông T.V.K. (54 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) làm nghề chăn nuôi heo. Khoảng thời gian gần đây, ông K. chăm sóc heo bệnh nhưng không trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân, sau đó ông K. có biểu hiện khó thở, sốt cao liên tục.

hm.jpg
Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: Thanh Ngọc

Người bệnh được điều trị tại y tế địa phương nhưng tình trạng không cải thiện. Ngày 5.9, gia đình xin chuyển ông K. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ). Bệnh nhân vào viện với biểu hiện sốt cao 40 độ C, nổi ban xuất huyết ở ngực, bụng và hai chân, huyết áp 80/50 mmHg.

Sau khi thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp viêm phổi nặng do nhiễm liên cầu lợn, biến chứng choáng nhiễm trùng suy đa tạng, nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân được chỉ định cấp cứu khẩn trương, đặt nội khí quản, thở máy, kháng sinh, vận mạch và lọc máu liên tục. Sau 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân khá lên, hết sốt, tri giác tỉnh táo, giảm liều vận mạch. Khí máu động mạch không còn toan, các mảng ban xuất huyết biến mất. Sau đó bệnh nhân cai máy thở thành công và được rút ống nội khí quản. Dự kiến vài ngày nữa bệnh nhân có thể ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Vi khuẩn Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh liên cầu lợn. Vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh cảnh như viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp.

Những trường hợp bệnh nặng có thể tử vong do biến chứng choáng nhiễm trùng, viêm nội tâm mạc... Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của heo bệnh.

Các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn lây bệnh. Việc chăm sóc heo bệnh nhưng không trang bị khẩu trang, găng tay, quần áo phòng hộ... là yếu tố nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời việc ăn thịt heo chưa nấu chín như nem, tiết canh... cũng tiềm ẩn khả năng nhiễm liên cầu lợn”.

Bác sĩ Nghĩa cũng khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, mang phương tiện phòng hộ khi chăm sóc gia súc, gia cầm nói chung, nhất là khi chúng đang nhiễm bệnh. Đồng thời, mọi người không nên chủ quan, vì ngay cả heo khỏe vẫn có khả năng mang mầm bệnh và lây cho người.

Khi người bệnh có biểu hiện nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn như sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da... nên vào viện sớm để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống người đàn ông bị nguy hiểm tính mạng do chăm sóc heo bệnh