Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) vừa kịp thời cứu sống một tài xế lái xe đường dài bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong cao.
Đó là ông T.V.C. (47 tuổi, ngụ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) là tài xế xe tải đường dài. Công việc hằng ngày của ông C. là lái xe chở hàng từ Hà Nội đi các tỉnh miền Tây và ngược lại.
Ngay 26.10, khi lái xe đến tỉnh Hậu Giang, ông C. thấy nặng ngực nhiều nên vào khám tại y tế địa phương và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, được khẩn cấp chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Tại Khoa Cấp cứu, ông C. đau ngực dữ dội, khó thở ngày càng tăng, điện tim có hình ảnh nhồi máu cơ tim cấp, có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Tuy nhiên do bệnh nhân là tài xế đường dài, quê ở tỉnh Quảng Ngãi nên không có người thân để thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Với phương châm “cứu người như cứu hỏa”, việc cấp cứu và xử trí trong thời gian vàng là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng người bệnh, vì thế Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định đứng ra ký cam đoan thay cho gia đình người bệnh.
Ngay lập tức, ê kíp bác sĩ trực đã đưa ông C. đi chụp mạch vành cấp cứu, kết quả ghi nhận tắc cấp nhánh liên thất trước, được đặt 1 stent để tái thông và sử dụng thuốc trợ tim để hỗ trợ. Hiện sức khỏe của người bệnh đã ổn định, giảm đau ngực, ngưng được thuốc vận mạch, và có thể tự ăn cháo được. Ngày 2.11, bệnh nhân đã được xuất viện.
Sau khi trải qua cơn thập tử nhất sinh, chia sẻ cùng các bác sĩ, ông C. cho biết bản thân lái xe đường dài nên thường xuyên hút thuốc lá để giảm căng thẳng. Đồng thời, phải chạy xe xuyên đêm từ Bắc vào Nam nên việc ngủ đủ giấc và ăn uống đều độ là rất khó. Đây đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.
Theo BS.CKI Nguyễn Tuấn Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: “Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Trường hợp nêu trên, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên, nếu can thiệp chậm trễ có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: hở van 2 lá do đứt dây chằng, rối loạn nhịp tim, thậm chí là rung thất, vỡ tim, ngưng tuần hoàn hô hấp... May mắn là người bệnh được can thiệp kịp thời và sức khỏe hồi phục tốt”.
Bác sĩ Nghĩa cũng khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu đau ngực, khó thở, khó chịu vùng ngực… không được chủ quan mà cần đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, nhồi máu cơ tim thường kèm theo những yếu tố nguy cơ như người bệnh có mỡ máu cao, bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, lớn tuổi… Do đó, người dân nên chủ động thăm khám sức khoẻ định kỳ. Nếu được tầm soát, chẩn đoán sớm, bệnh tim mạch hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị được.