Theo tạp chí Science, các nhà khoa học tại trường Đại học New South Wales (Úc) đã có một phát minh giúp bào chế loại thuốc chặn đứng sự lão hóa, phục hồi ADN và thậm chí mở ra khả năng thực hiện các chuyến bay có người lái lên sao Hỏa.
Cơ thể con người có khả năng sửa chữa hư hỏng ADN vốn xảy ra một cách thường xuyên, ngay cả khi chúng ta đi ra ngoài trời và tiếp xúc với tia cực tím. Tuy nhiên, cùng với tuổi tác, khả năng này bị suy giảm.
Một nhóm các nhà khoa học Úc phát hiện ra rằng một chất chuyển hóa có tên NAD + đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi. Nó hiện diện trong mỗi tế bào của cơ thể và điều khiển sự tương tác giữa các protein - sự tương tác chịu trách nhiệm sửa chữa ADN. Các nhà nghiên cứu đã phát triển loại thuốc NMN dựa trên NAD +, được dùng thử cho những con chuột trong thí nghiệm. Thuốc đã làm tăng khả năng của các tế bào của chuột trong việc phục hồi ADN sau khi bị tổn thương.
Tờ Science Daily trích lời người đứng đầu nhóm nghiên cứu David Sinclair khẳng định: "Không thể nào phân biệt các tế bào của chuột già với các tế bào của chuột trẻ, mặc dù chuột già mới chỉ dùng thuốc một tuần". Các thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được bắt đầu tại Bệnh viện Brigham & Women ở Boston, Mỹ. Nếu thử nghiệm thành công, loại thuốc này sẽ xuất hiện trên thị trường sau 3-5 năm.
Các nhà khoa học cho rằng thuốc sẽ ngăn chặn lão hóa và những ảnh hưởng của bức xạ. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA ngay lập tức chú ý đến loại thuốc mới này khi cho rằng thuốc có thể giúp duy trì sức khỏe của các nhà du hành vũ trụ trong sứ mệnh lâu dài bay lên sao Hỏa và các hành tinh khác.
Ngay cả sau các chuyến bay ngắn ngày, các nhà du hành vũ trụ cũng bị bức xạ vũ trụ ở liều lượng lớn, dẫn đến yếu cơ, sa sút trí nhớ và các triệu chứng khác. Còn khi bay lên sao Hỏa, các nhà du hành vũ trụ sẽ phải ở trong không gian lâu hơn so với bình thường. Nguy cơ ung thư vì vậy gia tăng đến 100% và 5% các tế bào cơ thể sẽ chết.
Các nhà khoa học dự tính loại thuốc mới cũng có thể được sử dụng để khôi phục sức khỏe của các bệnh nhân nhi sau khi điều trị ung thư. Khoảng 96% số trẻ em từng mắc bệnh ung thư sống đến 45 tuổi lại phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả bệnh tiểu đường thể 2, bệnh Alzheimer, tim mạch và thậm chí ung thư tái phát.
Vào tháng 2 năm nay, các nhà khoa học Nga đã bác bỏ giả thuyết rằng tuổi thọ trung bình bị giới hạn bởi các yếu tố sinh học. Nhưng ngay cả trước khi có phát minh của các nhà khoa học Úc, nhiều nhà nghiên cứu đã bắt đầu coi lão hóa như một căn bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị. Ví dụ, để lọc sạch các tế bào lão hóa có thể truyền máu, uống các loại thuốc bổ sung sinh học và biện pháp định lượng telomere (những trình tự lặp lại của ADN ở các đầu mút của nhiễm sắc thể).
Vũ Trung Hương