Ngày 21.6.1893, bác sĩ, nhà vi trùng học, nhà thám hiểm Alexandre Yersin đặt chân đến Lang-Bian trong chuyến thám hiểm vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Đà Lạt, trạm điều dưỡng trên cao nguyên

Theo Nguời Đô Thị | 20/07/2022, 12:29

Ngày 21.6.1893, bác sĩ, nhà vi trùng học, nhà thám hiểm Alexandre Yersin đặt chân đến Lang-Bian trong chuyến thám hiểm vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Chuyến đi nằm trong chương trình tìm kiếm vị trí xây trạm điều dưỡng ở Đông Dương do Toàn quyền Paul Doumer khởi xướng. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong bản khai sinh thành phố Đà Lạt về sau.

Cuốn sách Đỉnh cao Đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp của nhà nghiên cứu Eric T. Jennings (Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2022) là tập tài liệu biên khảo quý giá về sự hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt dưới thời thuộc địa.

dalat1.jpg
Nhà thám hiểm Alexandre Yersin (1863 - 1943) - Ảnh: TL

Yersin, một trong số ít những kiều dân thuộc địa mà cả người Pháp lẫn người Việt dường như đều chung lòng ngưỡng mộ, bởi vì danh tính và hình ảnh của ông vẫn còn nguyên sau bao cuộc thanh lọc thay đổi tên đường và tượng đài ở Việt Nam kể từ năm 1945.

Vào tháng Bảy năm 1897 Toàn quyền Paul Doumer đã chỉ thị các thuộc cấp thu thập thông tin về những địa điểm khả dĩ cho một “viện điều dưỡng miền núi, nơi những viên chức cũng như dân định cư có thể lấy lại sức lực, trong khi hiện nay họ buộc phải quay về Pháp với cái giá nặng nề phải trả đối với ngân sách của chúng ta và công việc của họ”.

Doumer đã biết tiếng tăm ác hiểm của vùng cao nguyên Đông Dương, nhưng ông đã quy nó cho “tình trạng hoang phế do những người bản xứ đã bỏ mặc”. Đồng tình với Kermorgant, Doumer chủ trương “khai quang sơ bộ” địa điểm được chọn, “để chúng ta có thể tìm thấy trên những núi non của xứ sở này luồng sinh khí thường thấy ở những vùng cao khắp thế giới”.

Hầu hết các thống sứ, khâm sứ và những viên chức cấp cao khác đã hưởng ứng bằng danh sách các khu nghỉ mát ở bờ biển có thể thích hợp. Chỉ có ở Trung Kỳ, các nhà chức trách mới đọc chỉ thị của Doumer một cách đủ kỹ lưỡng - hoặc có lẽ chỉ ở đó họ mới dám đương đầu với tiếng tăm khủng khiếp của vùng nội địa - để khảo sát một vài lựa chọn trên cao nguyên, trên khắp Trung Kỳ.

Nhà khoa học kiêm nhà thám hiểm Alexandre Yersin đã hưởng ứng ngay lập tức lời yêu cầu của Doumer tìm hiểu thông tin về một viện điều dưỡng miền núi. Danh tiếng huyền thoại của vị bác sĩ người Thụy Sĩ này chủ yếu bắt nguồn từ việc ông đã khám phá ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch vào năm 1894 - loài vi khuẩn đã vĩnh viễn mang tên Yersinia pestis để tôn vinh ông.

Ông là một môn đồ thuần thành của Pasteur, đã từng làm trợ lý cho Louis Pasteur và Emile Roux vào năm 1886, và về sau đã thành lập một phòng thí nghiệm ở Nha Trang mà rốt cuộc đã trở thành Viện Pasteur vào năm 1905. Được đào tạo ở Thụy Sĩ, Đức, và Pháp bởi những người tên tuổi như Pasteur và Robert Koch, năng lực và những thành tựu khoa học của Yersin đã biến ông thành cái tên cửa miệng của mọi người ở Pháp, Thụy Sĩ, và Việt Nam: nhà sáng lập Trường Y khoa Hà Nội, người du nhập giống cây cao su của Brazil vào Đông Dương, và tất nhiên là người khám phá bí mật của bệnh dịch hạch.

dalat2.jpg
Đà Lạt thập niên 1920 - Ảnh: Raymond Chagneau

Tính hiếu kỳ của Yersin đã chẳng những đưa ông đến với tất cả các lĩnh vực từ thực vật học đến sinh vật học và y học, mà còn đạt được những thành tựu đột phá trong những lĩnh vực đó.

Cho nên chúng ta biết được bao câu chuyện tôn vinh hết sức thuyết phục về Yersin, một trong số ít những kiều dân thuộc địa mà cả người Pháp lẫn người Việt dường như đều chung lòng ngưỡng mộ, bởi vì danh tính và hình ảnh của ông vẫn còn nguyên sau bao cuộc thanh lọc thay đổi tên đường và tượng đài ở Việt Nam kể từ năm 1945.

Ngoài những sổ lộ trình và nhiều sổ ghi chép, Viện Pasteur ở Paris gần đây đã được giao phó một số lượng đồ sộ thư từ trao đổi của ông với mẹ ông ở Thụy Sĩ. Nhờ nguồn tài liệu này, một bức chân dung giàu sắc thái hơn về nhà khoa học nổi bật lên - có lẽ đơn giản là một bức chân dung người hơn.

Nó tiết lộ rằng năm 1893, sau khi đụng độ với những tù chính trị vượt ngục người Việt trên đường từ Lang-Bian xuống bờ biển, Yersin đã tham dự cuộc hành hình thủ lĩnh phiến loạn của họ với sự hiếu kỳ bệnh hoạn. Ông khăng khăng đòi chụp hình người thủ lĩnh bị kết án, tên là Thouk (*) . Về sau, ông đã ghi lại rằng chiếc đầu của kẻ phiến loạn đã chỉ rơi xuống sau nhát chém thứ năm. (...)

Khí hậu và chính trị sắc tộc

Nhà khoa học hiếu kỳ, xuất chúng này đã dành sự quan tâm đáng kể cho dự án của Doumer. Ông đã phúc đáp Toàn quyền vào ngày 19.7.1897 bằng những tư liệu về các cao nguyên Trung Kỳ mà ông đã thu thập trong ba chuyến thám hiểm vào những năm 1892, 1893, và 1894. Những trang nhật ký chứa đựng những gợi ý về một địa điểm lý tưởng cho viện điều dưỡng của Doumer. Thú vị thay, những nhiệm vụ của Yersin từ 1892 đến 1894 thực tế là không nhằm tìm kiếm vị trí phù hợp cho một trạm y tế.

dalat3.jpg
dalat4.jpg
Nam Phương Hoàng hậu và Đường vào Đà Lạt từ ngả đèo Mimosa, năm 1925 - Ảnh: Harlingue - Roger Viollet

Về sau ông nhớ lại, các mục tiêu của ông thật ra là liên quan tới việc “báo cáo về những nguồn tài nguyên [của vùng nội địa], về triển vọng chăn nuôi, nghiên cứu các nguồn tài nguyên rừng, và tìm kiếm những kim loại có thể khai thác trong các vùng núi”. Vậy mà Doumer sau đó đã khai thác những trang nhật ký thám hiểm này để lựa chọn một địa điểm làm trạm an dưỡng. Thực may mắn cho Toàn quyền, Yersin đã ghi lại gần như mọi điều chính mắt ông trông thấy.

“Một cao nguyên mênh mông, cằn cỗi nổi bật với những quả đồi tròn” - Mục nhật ký ngày 21.6.1893 của Yersin viết như vậy. Yersin đã tình cờ đặt chân đến cao nguyên Lang-Bian rộng lớn. Ba ngày trước đó, Yersin đã lần đầu tiên nhìn thấy thật gần ngọn núi Lang-Bian, nhìn xuống vùng cao nguyên mang cùng tên, nơi Đà Lạt sau này mọc lên. Ông đặt bút chì lên trang giấy, vẽ lại thật đúng hình dáng của ngọn núi bên lề văn bản.

Trên chuyến trở lại Lang-Bian vào tháng Hai 1894, Yersin đã ghi nhận nhiều chi tiết hữu ích khác. Với hai ngày đi bộ trên Lang-Bian, ông đã đo được nhiệt độ buổi sáng ở đây là 2 độ C. Chắc chắn những dãy núi hùng vĩ và những số đo nhiệt độ đó đã nhắc Yersin nhớ nhiều về quê nhà Thụy Sĩ của ông hơn là vùng ven biển Việt Nam, nơi ông đã sống từ năm 1891. Trên cao nguyên Lang-Bian, ông đã ngắm nhìn những chú hươu nai đáng yêu thong dong gặm cỏ. Ông đã nhận định rằng chúng là “những vị vua đích thực của xứ sở kỳ lạ này”. Bản đồ mà Yersin vẽ về lộ trình của ông cho thấy ông đã băng qua gần hết cao nguyên Lang-Bian, từ phía Nam tới phía Bắc.

Tại Đan Kia, một ngôi làng nằm ở rìa cao nguyên Lang-Bian, Yersin để ý thấy mình đã đứng trên một đường ranh giới thực tế. Ông nhận xét, vượt qua ranh giới này thì những tộc người thiểu số bản địa không còn phải đóng thuế cho triều đình An Nam. Trên thực tế, vị trưởng làng ở Đan Kia đã thẳng thừng từ chối việc đưa Yersin đi xa hơn nữa; những ngôi làng ở bên kia ranh giới được coi là “độc lập”. Ở đây Yersin đã đụng tới một trong những mục tiêu không được nói ra của ba chuyến hành trình của ông.

“Toàn quyền Lanessan”, ông viết, “đã cho phép tôi đảm bảo với người Mọi Mạ rằng chính phủ bảo hộ sẽ lo cho họ, rằng một ngày nào đó người Pháp sẽ đến bảo vệ họ”. Ông cho rằng chuyến đi thứ hai của mình là một thành công bởi vì “người Mọi giờ đây biết là có chúng tôi, rằng chúng tôi phải bảo vệ họ, và họ sẽ không thấy bất kỳ hờ hững nào từ phía chúng tôi”.

Tại sao lại có việc khăng khăng bảo vệ những sắc tộc thiểu số đa dạng, khác biệt về thổ ngữ của vùng sâu đầy núi non này của Trung Kỳ, những người bị gọi miệt thị là “Mọi” - có nghĩa “man rợ” trong tiếng Việt? Và họ cần được bảo vệ khỏi ai mới được? Hóa ra câu trả lời lại là từ chính những kẻ phụ tá mà Yersin đã đưa đi cùng. Năm 1894, Yersin đã lên đường cùng với 15 lính người Việt và rất nhiều “cu li”. Trong đoàn thám hiểm năm 1892, Yersin đã tuyển dụng khoảng 40 phu khuân vác và hai người hầu Việt Nam. Trong đoàn thám hiểm năm 1894, không dưới 54 phu khuân vác đi cùng với ông.

Yersin tin rằng chính những người dân tộc Việt như các tùy tùng của ông là những người từ lâu đã áp bức các tộc người thiểu số cao nguyên, chỉ trừ một số ít sắc tộc ương ngạnh không lệ thuộc ở phía bên kia Đan Kia. Yersin khẳng định đã nhìn thấy động cơ áp bức này hiện diện trong hàng ngũ những người theo ông trong các cuộc thám hiểm. Ông thuật lại: “Tôi đã chứng kiến những chuyện không thể tin được: Những gã cu li không hơn không kém đã đi lên cao nguyên [Lang-Bian], tự nhận là những chánh tổng [người An Nam] được các quan trên gởi đến. Rồi chúng bắt đầu thu ‘thuế’ thông qua những cây roi”.

Yersin đã nhiều lần quả quyết rằng Lang-Bian nằm bên ngoài nền văn minh Việt Nam.

Sau này, ông nhớ lại: “Giữa những cư dân vùng này và người An Nam không hề có sự giao thiệp nào cả. Một vài người Cambodge, chủ yếu là thợ săn voi và tê giác, đôi khi ghé qua để buôn bán. Nhưng ngay cả những người ấy cũng ít khi đặt chân tới đây. Hầu hết người Mọi thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy một khẩu súng”. Nhiều nguyên tắc đã được đặt ra. Vùng nội địa lắm núi non này nằm ngoài tầm kiểm soát của người Việt, và vì vậy mang đến những lợi thế vô song cho những người thực dân. Dân thiểu số cao nguyên cần được bảo vệ, trong thực tế là cần được giải thoát, và có thể dễ dàng thuyết phục họ ủng hộ sự nghiệp của người Pháp. Đây là một cơ hội về chính trị sắc tộc, bên cạnh cơ hội về khí hậu đã được xác thực. (...)

dalat5.jpg
Đà Lạt những năm 1937 - 1938. Trên cao nhất trong hình là biệt thự nghỉ mát của Thống đốc Nam Kỳ. Trước 1975 là tòa Hành chánh tỉnh Tuyên Đức, nay là UBND tỉnh Lâm Đồng -  Ảnh: Lucienne Delmas

Năm 1897, sau khi đọc tỉ mỉ các nhật ký của nhà khoa học, Doumer hưởng ứng nồng nhiệt, mặc dù Lang-Bian vẫn chỉ là một trong vài địa điểm khả dĩ tại thời điểm này. Ông một lần nữa triệu mời Yersin, giao phó cho một nhiệm vụ trên cao nguyên Lang-Bian. Lúc này, Yersin có một nhiệm vụ duy nhất, rõ ràng: “nghiên cứu địa điểm đặt viện điều dưỡng mà vị Toàn quyền muốn thiết lập trên vùng núi”. Hai tháng sau, Yersin viết thư khoe với mẹ ông rằng ông đã thuyết phục vị Toàn quyền “lập một viện điều dưỡng trên Lang-Bian”. Điều này tất nhiên là chính xác, mặc dù Doumer bảo lưu quyền thiết lập những trạm an dưỡng trên núi khác, và vẫn chưa quyết định nơi nào sẽ làm viện điều dưỡng chính ở Đông Dương.

Trên dãy núi Lang-Bian, Yersin giải thích với mẹ, “có một bình nguyên bao la, hoang vắng rộng chừng 400 kilômét vuông với một ngọn núi mọc lên ở giữa. Độ cao trung bình của bình nguyên là 1.500 mét trên mực nước biển; núi cao hơn 2.000 mét. Con tin rằng địa phương này tốt cho sức khoẻ vì nó hoang vu”. Sau đó, Yersin tiết lộ niềm hy vọng thầm kín của ông: “[Ngài Toàn quyền đã chỉ thị] xây dựng một đường bộ và đường sắt đi trực tiếp lên cao nguyên từ Nha Trang. Tất cả những việc đó sẽ nâng cao tầm quan trọng của Nha Trang!”.

Điều được tiết lộ ở đây không chỉ là những lý thuyết về chướng khí của Yersin (trong mô hình này, vật chất hữu cơ bị thối rữa đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bệnh sốt rét, và vì vậy một địa phương càng hoang vu thì càng tốt), mà còn là một ý đồ được che giấu: Thành phố Nha Trang yêu dấu của nhà khoa học, nơi đặt phòng thí nghiệm của ông, sẽ ngày một phát triển nhờ viện điều dưỡng Lang-Bian tương lai.

Eric T. Jennings

Phần biên khảo nói về vai trò Alexandre Yersin trong việc sáng lập Đà Lạt được đăng tải trên báo Người Đô Thị với sự cho phép của Phanbook - nơi giữ bản quyền công trình này.

Bài liên quan
Lên lịch nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương cùng 'Đà Lạt Fresh Night Marathon'
Lịch nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2024 bạn đã có kế hoạch gì chưa? Bật mí cho bạn, “Đà Lạt Fresh Night Marathon” đã lên kế hoạch về một kỳ nghỉ đáng nhớ và ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Lạt, trạm điều dưỡng trên cao nguyên