Mặc dù bão số 6 (bão Trà Mi) còn cách xa đất liền nhưng chính quyền và cơ quan chức năng cùng người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đang rất hối hả, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão vào đất liền.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão số 6 (bão Trà Mi) ở vào khoảng 17,1 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 510km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14, di chuyển theo hướng tây tây nam, tốc độ khoảng 20km/giờ.
Dự báo đến 10 giờ ngày 27.10, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 15-20km/giờ, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14. Khu vực chịu ảnh hưởng phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 10 giờ ngày 28.10, bão di chuyển theo hướng tây nam, sau chuyển hướng đông với tốc độ 5-10km/giờ, trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Khu vực chịu ảnh hưởng phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía tây Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Để kịp thời ứng phó, phòng tránh thiệt hại do bão số 6 gây ra, từ hai ngày qua, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp sẵn sàng đón bão; hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa, cắt tỉa cây cối, đưa tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn.
Trước đó, ngày 25.10, UBND TP.Đà Nẵng ban hành công điện về việc ứng phó bão số 6, giao chủ tịch UBND các quận, huyện là tổng chỉ huy trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về ông tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ; huy động các nguồn lực của địa phương để ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành 2 công điện về ứng phó với bão số 6. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển.
Tỉnh Quảng Nam đã lên kịch bản sơ tán dân khi bão đổ bộ. Cụ thể, nếu bão mạnh sẽ di dời khoảng 212.000 người ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Nếu bão mạnh lên thành siêu bão, cả tỉnh sẽ di dời 400.000 người ở 18 huyện, thị xã, thành phố. Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã tổ chức ứng trực 24/24, theo dõi sát tình hình trên địa bàn.
Theo Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành chỉ đạo các địa phương các vùng xung yếu nhất đó là Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang và Nam Giang nhanh chóng xác định các nơi có nguy cơ sạt lở đất để di dời người dân đến nơi ở an toàn.
Đối với 6 huyện ven biển, Bộ CHQS đã phối hợp và chỉ đạo các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đồng thời phát huy lực lượng xung kích tại chỗ cấp xã để chằng néo nhà cửa, sẵn sàng đón bão.