Nếu được hỏi sa mạc Sahara làm chúng ta liên tưởng tới điều gì thì chắc chắn nhiều người sẽ nói là sự nóng bức nhưng họ không biết tại sao lại xảy ra điều này.
Tuy nhiên, theo một công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã làm sáng tỏ được rằng chính sự giá lạnh xảy ra khoảng 5.000 năm trước đây đã biến Sahara thành sa mạc như những gì chúng ta chứng kiến hiện nay.
Các chuyên gia đã nghiên cứu dấu vết của bụi cát bị gió thổi từ Sahara vượt qua một phần lục địa châu Phi và Đại Tây Dương tới Bắc Mỹ và các đảo Bahamas. Kết quả là, các nhà khoa học đã thấy sự thay đổi số lượng bụi trong vòng 23.000 năm.
Hóa ra trong khoảng thời gian bắt đầu từ 11.000 năm trước và kết thúc 5.000 năm trước, lượng bụi đó nhỏ hơn so với hiện nay khoảng hai lần. Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn đó, Sahara là vùng đất xanh tươi hơn nhiều so với hiện nay và nước ở đó cũng nhiều hơn hẳn. Điều này được chứng minh qua một số phát hiện khảo cổ, nơi trước đây đã từng tìm thấy các lưỡi câu cổ đại ở một số nơi trong sa mạc Sahara mà ngày nay con người không sống nổi.
Các nhà khoa học đã tìm cách lý giải tại sao Sahara lại trở thành sa mạc. Theo họ, cát của sa mạc Sahara phản chiếu ánh sáng Mặt trời, làm cho bề mặt biển gần đó lạnh đi 0,15 độ C. Điều này ngăn chặn mưa và khiến lốc xoáy bỏ qua sa mạc. Đồng thời, trong thời gian lạnh xảy ra 5.000 năm trước, quá trình trên diễn ra một cách tự nhiên, dẫn đến sự hình thành sa mạc, còn bụi cát mà các chuyên gia đã nghiên cứu, không hề đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sa mạc hóa.
Vũ Trung Hương