ĐBQH Bùi Văn Nghiêm cho rằng việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm: Cần làm rõ nguyên nhân 5/22 chỉ tiêu không hoàn thành

Lam Thanh | 30/10/2021, 17:44

ĐBQH Bùi Văn Nghiêm cho rằng việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Làm rõ nguyên nhân 5/22 mục tiêu không hoàn thành

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội, Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long) cho biết có 5/22 mục tiêu không hoàn thành.

“Việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan. Lý do, đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động”, ông Nghiêm nói.

bvn.jpg
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long) phát biểu

Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc không hoàn thành các mục tiêu này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và việc xác định các mục tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Một số đại biểu phân tích, giai đoạn 2016-2020 vừa qua, cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

Ngoài ra, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao; một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm….

Các đại biểu cũng nêu rằng động lực của tăng trưởng là xuất khẩu hàng hóa nhưng còn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn.

Đầu tư mạnh vào kinh tế số

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), để phát triển bứt phát trong thời gian tới thì điều kiện quan trọng nhất là Việt Nam cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số.

Theo ông Hiếu, ước vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số không chỉ của mỗi mình Việt Nam. Điển hình như Estonia đã có sự phát triển rất mạnh mẽ về công nghệ thông tin, đứng đầu rất nhiều chỉ số về phát triển chính phủ số, kinh tế số.

“Tính chất của nền công nghệ thông tin là cạnh tranh rất khốc liệt, và một trong những nguyên tắc quan trọng là "người thắng" sẽ lấy đi tất cả. Doanh nghiệp nào đi trước sẽ có ưu thế vượt trội do họ có những thuật toán độc quyền, có nguồn dữ liệu lớn và các doanh nghiệp đi sau sẽ rất khó có thể cạnh tranh được”, ông Hiếu nêu.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, thực trạng hiện nay về phát triển kinh tế số của Việt Nam là rất hạn chế, thậm chí là có xu hướng đi xuống. Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam do Ngân hàng thế giới công bố đã giảm 2 năm liên tiếp cho dù điểm tăng lên. Điều đó cho thấy các nước cũng đang đi rất nhanh và đi nhanh hơn chúng ta. Vì vậỵ, cần phải tập trung hơn nữa vào các giải pháp để khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cụ thể, ông Hiếu cho rằng cần xây dựng một cơ chế điều phối quốc gia về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn. Hiện chúng ta đã có Ban chỉ đạo quốc gia, có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng cơ chế vận hành đang tồn tại nhiều vấn đề.

Ví dụ đơn giản nhất là sự liên thông trong dữ liệu, được thể hiện rõ trong đợt phòng chống COVID-19 vừa qua. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, một số nước thì có cơ chế cao hơn các bộ như ở Singapore, một số nước thì giao cho Bộ chức năng nhưng có những thẩm quyền rất lớn bởi vì các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thậm chí, theo ông Hiếu, một số nước đã thành lập Bộ về chuyển đổi số như Ukraina; như Bộ về Kinh tế số và Xã hội số như Thái Lan...

Tăng niềm tin của dân trong bảo mật dữ liệu

Ông Hiếu đề nghị tập trung xây dựng thể chế để phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Trong Đề án về định hướng lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 có đề cập nhưng cần phải tập trung xây dựng một cách quyết liệt hơn. Trong đó, cần phải có cái nhìn cởi mở hơn đối với những cái mới, thúc đẩy cái mới phát triển.

bvn-2.png
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp

Đại biểu Hiếu cũng cho rằng cần tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó cần lưu ý xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin.

“Không thể phát triển được kinh tế số, xã hội số khi mà hạ tầng thông tin còn rất kém phát triển. Một trong những ví dụ rõ ràng là trong đợt học trực tuyến vừa qua, nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước rất khó khăn trong việc thực hiện do không có sóng điện thoại, không có mạng băng thông rộng”, ông Hiếu nêu.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng cần đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì con người luôn là yếu tố là cơ bản nhất.

Bài học ở Estonia cho thấy, để đạt được thành công trong chuyển đổi số như hiện nay thì vào năm 1995, họ đã có thay đổi cơ bản về giáo dục để đào tạo nên một thế hệ sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Hoặc gần đây, Singapore có chiến lược để nâng cao kiến thức về kỹ năng số cho toàn dân. Thậm chí họ có cả chương trình “một kèm một” để giúp cho những người có khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số.

Đặc biệt, đại biểu Hiếu nêu rằng phải tạo lập niềm tin cho người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số. Đó là niềm tin về việc bảo vệ dữ liệu, niềm tin vào việc sử dụng dữ liệu của người dân cho mục đích công cộng và niềm tin về việc được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sử dụng.

Theo đó, cần tránh tình trạng người dân còn có những nghi ngại trong việc cài đặt các ứng dụng để triển khai sử dụng trên diện rộng. Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung yêu cầu cần phải có những đánh giá tác động cụ thể đối với các ứng dụng cung cấp dịch vụ công kỹ thuật số cho người dân. Trong đó có những tiêu chí cụ thể về mức độ bảo vệ dữ liệu, sự thuận tiện trong sử dụng, chi phí triển khai thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm: Cần làm rõ nguyên nhân 5/22 chỉ tiêu không hoàn thành