Ngày 11.12, ngày họp thứ 3 của Kỳ họp thứ 18 HĐND TP.Cần Thơ, các đại biểu bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đồng thời bày tỏ lo ngại về một số dự án “treo” gây lãng phí ngân sách.
Đại biểu HĐND TP Nguyễn Văn Dũng (đơn vị quận Cái Răng) nêu vấn đề rằng, hàng năm thành phố đều đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, được xem như "xương sống"; còn giải pháp thực hiện như mạch máu của sự phát triển. Theo ông Dũng, TP.Cần Thơ có 12 dự án công trình chậm trễ kéo dài, trong đó có dự án Bệnh viện ung bướu Cần Thơ.
"Nhiều năm qua, 'xương sống' của chúng ta có bị thoái hóa chỗ nào không, 'mạch máu' có bị tắc nghẽn không? Tại sao kinh tế của chúng ta phát triển chậm, chưa tương xứng với vị trí của vùng. Giải pháp nào khơi thông để thành phố phát triển xứng tầm?", ông Dũng nêu.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cho hay, hằng năm và 5 năm, thành phố đều xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để làm căn cứ triển khai chi tiết. Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ thừa nhận, quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch có một số nguyên nhân không thể lường trước, như bất ổn chính trị trên thế giới, dịch COVID-19... Các yếu tố bất lợi xảy ra ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch ban đầu của thành phố.
Cùng với đó, theo ông Tâm, quá trình triển khai kế hoạch chưa sát thực tiễn; chưa kịp thời phát hiện, điều chỉnh hợp lý, hiệu quả; xử lý các phát sinh vướng mắc chưa kịp thời. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách thời gian qua chưa đạt kỳ vọng, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn có vai trò dẫn dắt, khai thác đúng mức tiềm năng của thành phố...
Trả lời chất vấn của đại biểu về tiến độ dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Trong 2 năm qua, thành phố đã nhiều lần làm việc với các bộ ngành và Chính phủ về dự án. Ngày 15.7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang có kế hoạch cho chủ trương thực hiện tiếp dự án Bệnh viện Ung bướu theo hợp đồng EPC (tổng thầu) với giá trị không thay đổi. Sau chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP.Cần Thơ, Sở Y tế đã làm việc với các nhà thầu, thống nhất các danh mục trang thiết bị y tế để thực hiện tiếp".
Ngày 8.11 vừa qua, UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất 4 nội dung điều chỉnh: gia hạn thời gian hoàn thành dự án bệnh viện tới cuối năm 2027; thay vốn ODA bằng vốn trong nước (do trung ương hỗ trợ); điều chỉnh các danh mục, thiết bị y tế và vật liệu xây dựng; điều chỉnh khối lượng phát sinh.
“Hiện Văn phòng Chính phủ đang trình Phó thủ tướng có chỉ đạo, chủ yếu về nguồn vốn để thực hiện tiếp dự án. Sở Y tế đã tham mưu Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố và Hội đồng thẩm định để điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp vốn, chúng tôi sẽ triển khai lại dự án bệnh viện trong thời gian sớm nhất”, ông Cường nói.