Trước thái độ ngọt ngào của người Mông Cổ thì ta cũng đáp lại lịch sự khi cử sứ sang Vân Nam thông hiếu, và cũng là để tìm hiểu thêm tình hình của đối phương. Thấy ta và Mông Cổ cứ sứ giả thăm viếng nhau thì triều đình nhà Tống kinh hãi.
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống
Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất
Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất
Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện
Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông
Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng
Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều
Thời điểm thế kỷ 13 là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt. Trong lúc nhà Trần mới lên thay nhà Lý lãnh đạo Đại Việt thì quân Nguyên Mông tấn công xuống phía nam, uy hiếp cả nhà Nam Tống lẫn Đại Việt.
Tại biên giới phía Bắc, chúng ta giáp với 2 cường quốc mạnh nhất châu lục (nếu không muốn nói là mạnh nhất thế giới) khi đó về quân lực. Cả hai đang trong thế nước lửa đối đầu nên đường lối ngoại giao khi ấy đòi hỏi cực kỳ khéo léo để giữ được chủ quyền.
Quan điểm ngoại giao nhà Trần khi đó là gắng hòa hiếu với cả hai để Tọa sơn quan hổ đấu trong cuộc chiến Nguyên - Tống. Nhưng khi bất kỳ nước nào dù là Nguyên, Tống hay Chiêm Thành có hành vi đe dọa chủ quyền lãnh thổ thì đều nhà Trần sẵn sàng trừng phạt. Việc nhà Trần sẵn sàng 4 lần trói sứ, động binh với quân Mông trong cuộc chiến kháng Nguyên 1257 đã cho thấy rõ tinh thần đó. Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, Tống - Nguyên phải nhìn Đại Việt với con mắt khác, thái độ ngoại giao của hai nước đối với chính quyền Thăng Long hoàn toàn thay đổi.
Đầu năm 1261, triều đình Mông Cổ chính thức quan hệ với ta. Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Thế Tổ nước Mông Cổ (tức Hốt Tất Liệt) mới lên ngôi, lại sai Lễ bộ lang trung là Mạnh Giáp, Viên ngoại lang là Lý Văn Tuấn sang dụ rằng: "Quan lại, sĩ thứ nước An Nam, phàm áo mũ lễ nghi đều được theo chế độ cũ nước mình. Trung Triều đã hạ lệnh răn bảo quan lại ở ngoài biên giới không được thiện tiện đem quân xâm nhiễu, vậy hai bên đều nên giữ việc trị an như cũ". Khi bọn Mạnh Giáp đã đến nơi, nhà vua ban yến ở cung Thánh Từ. Sau nhà vua sai viên Thông thị đại phu là Trần Phụng Công, viên ký ban các vệ là Nguyễn Thám và Viên ngoại lang là Nguyễn Diễn sang Mông Cổ đáp lễ, vua Mông Cổ ban sách phong và cho ba súc gấm tây cẩm, sáu súc gấm vàng".
Tại sao Hốt Tất Liệt lại thay đổi thái độ trong lần trao thư này? Từ chỗ hung hăng đòi Đại Việt phải làm thuộc quốc thì nay lại dùng lời ngon ngọt. Đặc biệt, Hốt Tất Liệt còn tỏ thành ý là "ta đã cấm các biên tướng ở Vân Nam không được thiện tiện đưa binh lấn cướp biên giới, quấy nhiễu nhân dân nước khanh" và mong "Các quan liêu sĩ thứ nước khanh cứ yên ổn làm ăn như trước...". Thực sự thì diều hâu không thể dễ dàng hóa thành bồ câu mà đó chỉ là chiêu trò của Nguyên Mông.
Sau khi thất bại trong cuộc xâm lược Đại Việt lần 1 thì nội bộ Mông Cổ xảy ra đại loạn. Vua Mông Kha chết trận năm 1259 khiến cho triều đình Mông Cổ xoáy vào cuộc tranh giành quyền lực. Hốt Tất Liệt phải quay về phương Bắc lo đoạt ngai vàng nên không thể để tâm sức vào cuộc chiến phương Nam. Điều Hốt Tất Liệt muốn là tạm thời giữ lãnh địa ở phương Nam được yên ổn trong lúc tập trung ổn định vững chắc ngai vàng. Hốt Tất Liệt rất sợ quân Trần đánh lên hay liên minh với nhà Tống đánh vào Vân Nam.
Trước thái độ ngọt ngào của người Mông Cổ thì ta cũng đáp lại lịch sự khi cử sứ sang Vân Nam thông hiếu, và cũng là để tìm hiểu thêm tình hình của đối phương. Thấy ta và Mông Cổ cứ sứ giả thăm viếng nhau thì triều đình nhà Tống kinh hãi. Giữa 1262, nhà Tống lật đật cử sứ sang ta để phong quốc vương. Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: Nhà Tống thấy nhà vua (tức Trần Thánh Tông) đã được Thượng hoàng truyền ngôi cho rồi, nên hạ chiếu cho tập phong làm An Nam quốc vương và gia phong vua Thái Tông làm Đại vương.
Các triều đình phương Bắc rất khó tính trong việc phong vua nước ta là quốc vương vì điều đó đồng nghĩa với việc công nhận tính chính danh của triều đình cũng như cương thổ nước ta. Một khi đã công nhận tính chính danh đó thì không thể vô cớ cất quân xâm lược được. Thời nhà Lý, dù sau khi Lý Thường Kiệt đại phá quân Tống nhưng vua Tống cũng không chịu công nhận nước ta mà vẫn coi nhà Lý là một thế lực nổi loạn. Phải mãi thời Lý Anh Tông, khi nhà Tống bị Kim uy hiếp mới cầu thân với Đại Việt năm 1164. Theo Nguyên sử loại biên, An Nam, trước đây, gọi là Giao Chỉ; Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên gọi là An Nam bắt đầu từ đấy. Tống Hiếu Tông phong Thiên Tộ là An Nam quốc vương, An Nam gọi là "nước" bắt đầu từ đó. Thực ra, vua Lý hay vua Trần cũng chẳng ham gì cái tước vương của phương Bắc. Tuy nhiên, xét vào bối cảnh khi đó thì cần cái tước vương đó để phương Bắc không có cớ mang quân xâm lược nước ta.
Ban đầu nhà Trần lên thay nhà Lý cũng sang thông hiếu với Tống năm 1229 nhưng nhà Tống không công nhận tính chính danh của nhà Trần. Vậy mà thời điểm 1262, không cần cầu phong gì cả mà vua Tống vội sai người sang phong Trần Thánh Tông làm quốc vương ngay. Điều nhà Tống mong muốn khi đó là được một đồng minh mạnh như Đại Việt, không lo bị Đại Việt tấn công hay bị Đại Việt cho quân Nguyên Mông mượn đường đánh lên.
Sợ Việt - Tống kết thân, nên chỉ vài tháng sau khi nhà Tống phong vương cho vua Trần, đến tháng 10.1262, Hốt Tất Liệt cho một sứ bộ sang ta, đem sắc phong vua Trần làm An Nam Quốc vương. Những chiêu lấy lòng của cả Tống hay Nguyên Mông đều chỉ là chiêu bài chính trị chứ không thực lòng hòa hiếu. Khi có cơ hội, họ sẵn sàng tìm cách xâm lược nước ta.
A.T