Việc tăng sản lượng sản xuất hay nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung thế giới bị đứt gãy đang đặt ra những thách thức rất lớn với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chính sách kịp thời và sát thực tế từ cơ quan quản lý nhà nước.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu: Chính sách cần bám sát khó khăn của doanh nghiệp

NP | 08/11/2022, 15:30

Việc tăng sản lượng sản xuất hay nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung thế giới bị đứt gãy đang đặt ra những thách thức rất lớn với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chính sách kịp thời và sát thực tế từ cơ quan quản lý nhà nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn nhất tại Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng hay số lượng nhập khẩu trong bối cảnh nguồn cung thế giới bị đứt gãy như hiện nay đặt ra những thách thức rất lớn với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ chính sách kịp thời và sát thực tế từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

db1.jpg
Khu bồn chứa sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Nỗi lo đầu vào để tăng công suất chế biến

Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương cho biết, từ đêm 4 đến rạng sáng 5.11, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước.

"Với kinh nghiệm hơn 12 năm vận hành, việc nâng 12% công suất thiết kế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, việc nâng công suất để tăng sản lượng xăng dầu đang đặt ra thách thức mới về nguồn nguyên liệu đầu vào với BSR, nhất là tại thời điểm nguồn cung dầu thô thế giới bị đứt gãy và giá cả biến động khôn lường như hiện nay", ông Dương chia sẻ.

Trên thực tế, việc tính toán mua dầu thô nguyên liệu đều phụ thuộc vào kế hoạch sản lượng đã được tính toán từ đầu năm, và thông thường BSR chỉ mua dự phòng thêm 5% để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Hiện BSR mua khoảng 70% dầu thô từ các mỏ trong nước, bao gồm từ 2 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro - VSP), Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và một phần dầu thô mua từ các chủ mỏ nước ngoài tại Việt Nam thông qua cơ chế đấu thầu quốc tế như các nhà thầu nước ngoài khác.

Phần nguyên liệu đầu vào 30% còn lại được BSR chủ yếu mua từ nguồn dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ và của một số nước Tây Phi. Với nguồn dầu thô mua từ các nước cách xa Việt Nam như vậy, BSR thường phải ký hợp đồng trước từ 2 - 3 tháng để đối tác nước ngoài có thể chuẩn bị cũng như có thời gian vận chuyển về Việt Nam.

Với việc tăng công suất theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, BSR đang tập trung đàm phán với các chủ mỏ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để tăng sản lượng khai thác, bổ sung nguồn dầu thô tháng 11 và 12.2022 cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nếu các đàm phán thành công, đây sẽ là nguồn nguyên liệu bổ sung nhanh nhất và BSR đã chuẩn bị sẵn sàng các đội tàu vận chuyển cập nhanh vào mỏ để tiếp nhận dầu thô. Bên cạnh đó, BSR đã đẩy mạnh mua các sản phẩm trung gian từ các nhà máy lọc dầu của Singapore và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) để chế biến sản phẩm xăng dầu, và phần "nguyên liệu" đầu vào hiện chiếm khoảng 5% đầu vào của BSR.

db2.jpg
Nhập khẩu dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tuy nhiên, với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, việc tăng sản lượng dầu thô và các sản phẩm trung gian để đáp ứng yêu cầu tăng công suất sẽ buộc BSR phải chấp nhận giá cao hơn nhiều so với giá hợp đồng đã ký từ sớm. Cùng đó, tiền thuê tàu vận chuyển nhanh hiện nay không hề dễ và cước vận chuyển đã cao gấp đôi so với thời điểm trước dịch COVID-19. Đặc biệt, với tỷ giá biến động mạnh như hiện nay, cộng thêm lãi suất ngân hàng tăng nhanh, việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về để tăng công suất Nhà máy Dung Quất có thể khiến BSR bị lỗ, ông Dương cho biết.

Phụ phí vẫn "làm khó" nhập khẩu

Là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương phân giao cho PVOIL đảm bảo sản lượng tạo nguồn là 3 triệu mét khối/tấn xăng dầu. Tuy nhiên đến hết tháng 10 vừa qua, sản lượng tạo nguồn xăng dầu của PVOIL đã vượt con số Bộ Công Thương phân giao cả năm. Dự kiến đến tháng 12 tới đây, sản lượng tạo nguồn của PVOIL sẽ đạt 3,6 triệu mét khối/tấn, đáp ứng nhu cầu xăng dầu tăng cao trong nước.

Tại khu vực TP.HCM, riêng trong tháng 10 vừa qua, sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường của PVOIL đã tăng hơn 40% so với mức bình thường do nhiều cây xăng tư nhân thiếu xăng dầu hoặc tạm đóng cửa, khiến khách hàng đổ dồn về các cây xăng của doanh nghiệp nhà nước như PVOIL.

db3.jpg
Cửa hàng xăng dầu của PVOIL tại 194 Thái Thịnh, Q.Đống Đa, Hà Nội

Theo ông Cao Hoài Dương, trong bối cảnh nguồn cung thế giới bị đứt gãy và thị trường xăng dầu thế giới đang là thị trường do người bán định giá như hiện nay, việc đưa xăng dầu về Việt Nam là rất khó khăn do phụ phí tăng cao. Cụ thể, phụ phí đưa xăng dầu từ Singapore về Việt Nam trong các chuyến hàng đầu tháng 11 của PVOIL lên tới 8 - 10 USD/thùng. Còn với lô hàng thời điểm tháng 8 và 9 trước đó, mức phụ phí này bình quân từ 10 - 12 USD/thùng. Đây là mức phụ phí rất cao nếu so với mức phụ phí dưới 4 USD/thùng trước khi chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra.

Một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác cho biết, ngoài vấn đề phụ phí chưa tính đúng tính đủ theo thực tế, một khó khăn khác mà doanh nghiệp đầu mối đang gặp phải là tỷ giá USD/VNĐ tăng cao. Thêm vào đó, việc lo đủ ngoại tệ để nhập khẩu cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp, nhất là khi có sự chênh lệch tỷ giá "chợ đen" và tỷ giá bán ra của của ngân hàng thương mại. Vì vậy, để có đủ nguồn ngoại tệ nhập khẩu, trong một số trường hợp, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm một số loại phí khiến giá thành đưa xăng dầu về Việt Nam cũng theo đó mà bị đội lên. Ngoài ra, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng bị điều chỉnh tăng trong thời gian qua cũng khiến cho nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để tăng nhập khẩu xăng dầu.

Doanh nghiệp nỗ lực, nhà nước đồng hành

"Để đảm bảo nguồn dầu thô đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất, bên cạnh chính sách hỗ trợ về nguồn cung ngoại tệ phục vụ nhập khẩu hay lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, việc ưu tiên nguồn dầu thô khai thác tại Việt Nam cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất chế biến xăng dầu phục vụ thị trường trong nước là rất quan trọng, nhất là tại các mỏ mà Việt Nam sở hữu toàn bộ như Hồng Ngọc (mỏ Ruby)", Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương đề xuất.

Thực tế là, mỏ Hồng Ngọc đã thuộc sở hữu toàn bộ của phía Việt Nam từ ngày 9.9.2017 (sau khi hợp đồng phân chia sản phẩm giữa đối tác Malaysia và Petrovietnam hết hiệu lực), được Chính phủ giao cho Petrovietnam quản lý và Petrovietnam thuê PVEP làm nhà điều hành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, với quy định hiện hành, toàn bộ sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Hồng Ngọc cũng phải đấu thầu quốc tế và Petrovietnam không có thẩm quyền "ưu tiên" cho BSR mua dầu thô dù BSR là đơn vị thành viên của Petrovietnam.

Về vấn đề này, tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong bối cảnh nguồn cung thế giới đứt gãy như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có quyết sách tính toán mức giá hợp lý và dành ưu tiên nguồn dầu thô khai thác tại đây cho nhà máy Dung Quất tăng công suất chế biến để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu, ông Thịnh chỉ rõ, mặc dù mức phụ phí đưa xăng dầu về Việt Nam gần đây đã được điều chỉnh tăng lên 4,5 USD/thùng nhưng trên thực tế tháp hơn nhiều so với mức phụ phí thực tế mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải trả để đưa xăng dầu về Việt Nam. Vì vậy, việc sớm điều chỉnh phụ phí bám sát thực tế là rất quan trọng để giúp các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ nguồn lực nhập khẩu xăng dầu.

db4.jpg
Kho chứa xăng dầu của PVOIL

Cùng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp đầu mối cũng đề xuất, việc điều chỉnh phụ phí đưa xăng dầu về Việt Nam nên thực hiện hằng tháng để có công thức tính giá cơ sở sát thực hơn, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu biến động nhanh như hiện nay. Việc điều chỉnh phụ phí như vậy sẽ giúp tất cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể tăng nhập khẩu, từ đó hạn chế việc bán hàng nhỏ giọt hay tạm đóng cửa của nhiều cây xăng tư nhân như thời gian vừa qua.

Về phía thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất tại thị trường trong nước, đại diện Petrolimex cho biết, trong bối cảnh một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ khiến người dân khó mua xăng dầu, các cửa hàng xăng dầu trực thuộc Petrolimex nghiêm túc duy trì bán xăng dầu 24/7, đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay Petrolimex có gần 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc trên cả nước, từ vùng núi xa xôi đến các khu vực đông dân cư như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Tập đoàn đang cung cấp xăng dầu cho khoảng 1.800 thương nhân nhượng quyền. Với các thương nhân nhượng quyền này, đơn vị luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng theo đúng cam kết về sản lượng và tiến độ trong hợp đồng. Tuy nhiên, ở một số thời điểm, trước tình trạng thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng, Petrolimex cũng gặp áp lực lớn do lượng khách đổ dồn về các cây xăng Petrolimex dẫn tới quá tải.

Trong 9 tháng năm 2022, Petrolimex đã nhập mua 7.347.000 m3/tấn, đạt 126% tiến độ tổng nguồn phân giao tối thiểu đầu năm 2022 của Bộ Công Thương. Đặc biệt trong quý 4 này, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa dự kiến khoảng 2.985.000 m3/tấn tương ứng khoảng 140% so với phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6733/BCT-TTTN ngày 28.10.2022.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định về dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp thiết thực hơn hỗ trợ các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Đặc biệt, việc thực hiện tiến độ tổng nguồn quý 4 của tất cả các thương nhân đầu mối theo kế hoạch Bộ Công Thương phân giao cần được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra chặt chẽ hơn, đại diện Petrolimex đề xuất.

db5.png
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Về phía đơn vị sản xuất xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn nguồn cung cho thị trường trong nước, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ổn định với 103% công suất đã cam kết với Bộ Công Thương nhờ ưu thế có nguồn dầu thô đầu vào được nhập khẩu dài hạn và bảo đảm từ phía Kuwait.

Đại diện NSRP cho biết, trong quý 3 vừa qua, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành ổn định và cung cấp ra thị trường gần 1,7 triệu tấn xăng dầu, hoàn thành 100% sản lượng cam kết với Bộ Công Thương và bên bao tiêu sản phẩm là Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB). Trong tháng 10 vừa qua, nhà máy đã vận hành với công suất trung bình 103,5% và đưa ra thị trường hơn 656.000 tấn xăng dầu các loại. Tháng 11 và 12, nhà máy tiếp tục duy trì vận hành 100% công suất theo thiết kế để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Dự kiến trong quý 4 này, sản lượng xăng dầu của NSRP sẽ đạt hơn 1,9 triệu tấn.

Để đảm bảo cho nhà máy có đủ nguồn dầu thô dự trữ hoạt động 100% công suất, NSPP đã lên kế hoạch nhập 9 chuyến dầu thô trong quý 4. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua đã nhập 3 chuyến dầu thô với tổng khối lượng 840.000 tấn. Trong tháng 11 và 12, NSRP tiếp tục nhập 6 chuyến với tổng số 1,68 triệu tấn, đảm bảo nguồn nguyên liệu để thực hiện đúng cam kết sản lượng với Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, NSRP tiếp tục tạo thuận lợi trong cung cấp sản phẩm xăng dầu ra thị trường theo yêu cầu của bên bao tiêu thông qua việc xuất hàng bằng cả đường biển và đường bộ, đại diện NSRP cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu: Chính sách cần bám sát khó khăn của doanh nghiệp