Trước Hà Nội, nhiều địa phương khác đã quy định người dân không được tự ý ghi âm, ghi hình, chụp ảnh nơi trụ sở tiếp dân. Nhưng vì sao chưa có tranh cãi?

Dân được phép ghi âm, ghi hình: Cải cách để bảo vệ quyền con người

Quang Thi | 10/01/2019, 07:30

Trước Hà Nội, nhiều địa phương khác đã quy định người dân không được tự ý ghi âm, ghi hình, chụp ảnh nơi trụ sở tiếp dân. Nhưng vì sao chưa có tranh cãi?

Giải thích về nội dung “công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân” trong nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố được Hà Nội ban hành ngày 3.1 đang gây tranh cãi, báo Pháp luật TP.HCM ngày 9.1 thuật lại lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung rằng Hà Nội không cấm công dân ghi âm, chụp ảnh khi làm việc tại trụ sở tiếp dân.

Tuy nhiên, khi đến mỗi cơ quan làm việc, công dân phải tuân thủ nội quy của cơ quan đó. “Điều này giống như bạn đến nhà người khác làm khách thì cũng phải xin phép chủ nhà. Ở đây, trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai, minh bạch” - ông Chung nhận định.

Cũng theo ông Chung, việc TP Hà Nội đưa quy định trên nhằm tránh tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Quan điểm này của UBND Hà Nội thu hút nhiều quan điểm đồng tình lẫn cực lực phản đối.

Cơ sở nào cho “lệnh cấm” dân quay phim, chụp hình, ghi âm cán bộ?

Trao đổi trên báo Thanh Niên ngày 9.1, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng những “ồn ào” này giống như quy định cảnh sát giao thông cấm quay phim chụp ảnh chiến sĩ khi đang làm nhiệm vụ, gây ồn ào trước đây, hiện đã bị bãi bỏ.

TS Lê Hồng Sơn cực lực bác bỏ quan điểm rằng hạn chế quay phim, chụp ảnh, ghi âm cán bộ ở trụ sở tiếp dân là để bảo vệ quyền cá nhân của cán bộ. “Tôi đồng ý ngoài trụ sở tiếp dân, ngoài khi thi hành công vụ thì cán bộ là người bình thường, cũng có quyền riêng tư. Tuy nhiên, khi ngồi ở vị trí tiếp dân thì không thể gọi là quyền riêng tư được”, TS Sơn nói.

Theo TS Sơn, việc một số ý kiến cho rằng, nếu để công dân ghi âm, ghi hình tự do rồi tung lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, kích động, là một lối suy diễn quá đà.

"Ở đây là 2 việc khác nhau. Người ta ghi âm, quay phim, chụp ảnh khi đang được tiếp nhận kiến nghị phản ánh là việc bình thường. Một bên trong quan hệ này là người có quyền ghi lại. Đây là một chứng cứ, một cái cơ sở người ta sử dụng. Còn việc thứ 2, người ta sử dụng như thế nào hoặc suy diễn là người ta tung lên mạng để xúi giục thì lại là chuyện khác. Anh không thể đẩy quá đà, suy diễn như vậy để giải thích việc đưa ra quy định như vậy. Ai vụ khống, ai bôi nhọ sẽ có pháp luật xử lý, còn việc quay phim là quyền của người dân”, ông Sơn phân tích.

Bàn về mặt pháp lý, TS Sơn cũng cho rằng chủ tịch UBND TP Hà Nội không có thẩm quyền ban hành những văn bản như vậy. Quyền ghi âm, ghi hình, chụp ảnh của công dân là do Quốc hội quyết định. Ông nói: “Tôi cho rằng, quy định như trong văn bản là sai thẩm quyên và sai tính chất của văn bản, vì đây là văn bản hành chính cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Thứ 2 nữa là nói về thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố, thì quyền quyết định vấn đề này - tức người dân được ghi âm, ghi hình hay không, là do Quốc hội quyết. Nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định việc ghi âm, ghi hình, quay phim trong luật, chứ không thuộc thẩm quyền của cá nhân chủ tịch”

Tuy nhiên, báo Pháp luật TP.HCM ngày 9.1 dẫn Luật tiếp công dân và Nghị định hướng dẫn số 64/2014 của Chính phủ để xác định rằng Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền ban hành những văn bản nội quy như vậy. Tờ báo này phân tích, đầu tiên, về thẩm quyền ban hành nội quy thì phải khẳng định UBND TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đã làm đúng quyền hạn. Bởi lẽ, bên cạnh việc nghiêm cấm các hành vi cụ thể (như xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân...), khoản 8 Điều 6 Luật Tiếp công dân còn nghiêm cấm “vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân”. Cùng với đó, luật này cho phép người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân.

Đây là cải cách của hệ thống

Báo Pháp luật TP.HCM còn dẫn ra nhiều địa phương đã ban hành quy định này trước đó, nên UBND TP Hà Nội ngày 3.1 vừa qua mới ban hành là việc làm khá trễ!

Ví dụ, nội quy tiếp công dân tại các cơ quan trên địa bàn do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành vào tháng 5.2015 yêu cầu: “Việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự đồng ý của người chủ trì tiếp công dân”.

Ở Đồng Nai, nội quy tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh do UBND tỉnh ban hành vào tháng 10.2015 lưu ý: “Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo ban tiếp công dân tỉnh, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh”. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có lưu ý tương tự trong nội quy ban hành vào cùng thời điểm.

Ở TP.HCM, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP do UBND TP ban hành vào tháng 9.2016 cũng quy định: “Không được tự ý sử dụng phương tiện quay phim, ghi âm, chụp ảnh khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, như báo điện tử Một Thế Giới đã đưa tin, trong hội nghị triển khai công tác nghành tư pháp ngày 8.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”.

Như vậy, câu hỏi tại sao các địa phương trước đây quy định không bị phản ứng, nhưng giờ đến Hà Nội quy định người dân không được tự ý ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thì bị phản ứng đã có câu trả lời dựa trên tinh thần phát biểu của Thủ tướng: Đây là cải cách của hệ thống, nhằm bảo vệ quyền con người. Những quy định về việc hỏi cung, lấy lời khai phải được ghi âm, ghi hình cũng vừa có hiệu lực khoảng một năm trước đây, đầu năm 2018.

P.V
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân được phép ghi âm, ghi hình: Cải cách để bảo vệ quyền con người