Những cây cổ thụ đầu tiên đã bị đốn hạ, và mai mốt đây, người dân TP.HCM chỉ còn biết ngậm ngùi vĩnh biệt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng.

Dân Sài Gòn ngậm ngùi vĩnh biệt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng

Một Thế Giới | 23/11/2014, 18:33

Những cây cổ thụ đầu tiên đã bị đốn hạ, và mai mốt đây, người dân TP.HCM chỉ còn biết ngậm ngùi vĩnh biệt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng.

“Như bị mất bạn”

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, theo kế hoạch sẽ có 84 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng bị đốn hạ và 37 cây được di dời, thời gian thực hiện trong vòng 3 năm.

Nghĩa là không lâu nữa, hàng cây rợp bóng mát, xanh thăm thẳm trên con đường này sẽ biến mất, nhường chỗ cho dự án cầu Thủ Thiêm 2 với tổng vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng.

Đường Tôn Đức Thắng là một trong những mảng xanh hiếm hoi của thành phố “bê tông cốt thép”. Đây là con đường rộng lớn nhất, xưa nhất và thuộc diện đẹp nhất thành phố.

Hàng cây có tuổi thọ gần 100 năm tại đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đi qua biết bao thăng trầm của đất Sài Gòn. Vì thế, khi nghe tin con đường này sẽ không còn hàng cây rợp bóng, nhiều người dân thành phố đã không khỏi ngậm ngùi, tiếc thương.

Ông Nguyễn Hữu Quang, 56 tuổi, nhà giáo về hưu, sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng đứng lặng nhìn cảnh công nhân đốn hạ 4 cây sọ khỉ đầu tiên. Ông Quang là người chứng kiến biết bao lần con đường này thay tên, nhưng hàng cây rợp mát thì vẫn đó.

Theo lời ông Quang thì đường Tôn Đức Thắng xưa kia là đường Cường Để và bến Bạch Đằng. Khoảng năm 80, UBND TP.HCM nhập bến Bạch Đằng và đường Cường Để lại với nhau, đổi tên là đường Tôn Đức Thắng.

Ông Quang chia sẻ: “Tuổi thơ tôi gắn liền với từng cái cây ngọn cỏ, dòng sông bến nước của thành phố này. Tôi biết, để phát triển hạ tầng đòi hỏi phải có sự đánh đổi. Nhưng cây xanh là vốn quý giá, ở nơi đông dân và ô nhiễm như các thành phố lớn thì cây xanh trở thành vô giá. Chưa kể, nó còn là một phần ký ức, tinh thần của một vùng đất. Hay vì người ta nghĩ, cái thành phố này chỉ mới tồn tại khoảng trăm năm nên không có di sản, không có hồn phố”.

Ngồi lặng lẽ tại một góc rợp mát trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Văn Thới, 65 tuổi, thường gọi là ông Tư Thới không giấu được nỗi buồn khi nhắc về hàng cây sắp bị chặt bỏ. Bởi hơn 7 năm nay, ông Tư Thới mưu sinh dựa vào nghề hái me và bán me trên con đường này.
hang cay tren duong Ton Duc Thang
 Ông Tư Thới đã hái me và bán me trên đường Tôn Đức Thắng được 7 năm. Ảnh: Ngọc Sang
Ông Tư Thới ngậm ngùi: “Mấy hôm trước thấy người ta chặt cây, tôi chạy lại hỏi tại sao lại chặt. Người ta nói chặt để làm cầu, làm đường, mai mốt là chặt hết, chặt cả trăm cây lận, chứ không phải chỉ vài cây thôi đâu. Tôi nghe mà buồn lắm, mọi người thấy đó, ngoài trời thì nắng chang chang mà ở đây mát rượi. Chặt đi sao mà uổng quá”.

Có thể nói, hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng đã nuôi sống ông Tư, nên mai mốt đây khi hàng cây không còn nữa, chính bản thân ông Tư cũng không biết phải đi về đâu.

Anh Ngô Thành Chí, làm nghề sửa xe trên đường Tôn Đức Thắng đã lâu, nghe hỏi về hàng cây sắp bị chặt, anh cười hiền khô: “Mấy ngày nay người ta tới đây chụp hình kỷ niệm cũng nhiều. Chắc sợ sắp tới không còn nữa. Tui cũng buồn lắm, tui buồn thiệt luôn vì chặt rồi thì không thể ngồi đây sửa xe được nữa, nắng lắm. tui hành nghề ở đây được là nhờ bóng mát, người ta tới sửa xe, ngồi dưới bóng cây uống ly nước cũng hợp lý”.
hang cay tren duong Ton Duc Thang
 Anh Ngô Thành Chí với chỗ sửa xe nhỏ trên con đường rợp mát bóng cây. Ảnh: Ngọc Sang
Lại hỏi anh Chí vậy chặt hàng cây rồi chỗ sửa xe của anh biết làm sao, anh Chí lại cười: “Thì kiếm chỗ khác mà chuyển đi chứ sao. Mà nói thiệt, tui làm ở đây cũng lâu, thấy người ta cưa cây tui thấy xót gì đâu. Như bị mất bạn”.

Nỗi buồn … cây xanh

“Nỗi buồn cây xanh” bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường đẹp nhất, rực rỡ nhất trung tâm thành phố giờ trơ trọi với bê tông, cốt thép. Và trước Nhà hát lớn, không còn đài phun nước mà xung quanh là hàng liễu rũ thơ mộng, càng không còn hàng cây cổ thụ bao năm gắn bó với người dân yêu mến thành phố này.

Rồi bây giờ đến lượt cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Mai mốt là cây xanh khu vực gần công viên 23 – 9, tiếp theo là 215 cây xanh trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 cũng bị khai tử.
hang cay tren duong Ton Duc Thang
 Hàng cây xanh mát trên đường Tôn Đức Thắng sẽ không còn nữa? Ảnh: Ngọc Sang
Và với hy vọng được giữ lại những hàng cây xanh mát tại TP.HCM, một diễn đàn với chủ đề “Hãy giữ màu xanh thành phố” (happytreeinsaigon.com) được lập ra nhằm kêu gọi người dân ký tên ủng hộ việc bảo vệ những hàng cây trăm tuổi.

Anh Huỳnh Thanh Tạo, một người đã ký tên trên diễn đàn bày tỏ: “Tuy vô tri vô giác, nhưng những hàng cây quen thuộc trên các con đường ở trung tâm thành phố từ lâu đã trở thành thân thuộc với người dân. Chưa kể những giá trị vô giá về môi trường sống mà cây xanh mang lại.

Phát triển hạ tầng là tất yếu, nhưng xây dựng thì dễ, trồng cây mới khó. Mất vài chục năm, thậm chí cả trăm năm mới có được những bóng cây rợp mát như ngày hôm nay. Đâu phải nói chặt là chặt, trên thế giới người ta đã chứng minh rằng phát triển là quan trọng nhưng môi trường còn quan trọng hơn gấp mấy lần, sao mình lại đi ngược lại”.
hang cay tren duong Ton Duc Thang
Thanh niên Sài Gòn căng khẩu hiệu bảo vệ cây xanh hôm 16.11. Ảnh: STB
Trên thực tế, một số chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có thể thi công công trình song song với việc bảo vệ cây xanh. Chị Nguyễn Phương Thảo, một trong những người thành lập diễn đàn nêu trên cho biết, hiện tại đã có một số kiến trúc sư và các tổ chức phi chính phủ đồng ý tư vấn và thực hiện một bản quy hoạch đô thị gắn liền với cây xanh. Sau khi xong, bản quy hoạch này sẽ được gửi cho UBND TP.HCM.

Cây xanh và môi trường sống là cái giá quá đắt để đánh đổi lấy sự phát triển. Hy vọng với những nỗ lực nói trên, người dân thành phố sẽ không còn phải ngậm ngùi vĩnh biệt những hàng cây xanh mát.

Hồ Ngọc Giàu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân Sài Gòn ngậm ngùi vĩnh biệt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng