Viết một bài về tướng Nguyễn Hồng Sơn, một người anh, một vị tướng và trên hết là một vị bác sĩ là điều mà tôi luôn ấp ủ.

Đầu xuân gặp vị Hổ tướng - áo trắng chống dịch

Song Bùi | 01/02/2022, 10:20

Viết một bài về tướng Nguyễn Hồng Sơn, một người anh, một vị tướng và trên hết là một vị bác sĩ là điều mà tôi luôn ấp ủ.

Trong suốt năm 2021, dịch giã hoành hành tại Sài Gòn nên mấy lần muốn ghé thăm anh nhưng lại ngại vì anh có quá nhiều công việc phải lo lắng thì mình không nên quấy rầy.

Nhưng rồi đến dịp Tết, khi báo cần viết về chân dung một nhân vật nổi bật tuổi Hổ trong công cuộc chống dịch tại TP.HCM thì tôi hạ quyết tâm phải gặp bằng được anh - người sinh năm Giáp Dần 1962. Thực ra có nhiều cách để gọi tướng Sơn vì anh là Thiếu tướng, là Thầy thuốc nhân dân, là Phó giáo sư - Tiến sĩ, là Giám đốc Bệnh viện Quân y 175… nhưng tôi thích gọi bằng anh Sơn hay tướng Sơn cho thân mật và cũng dễ gọi.  

Chuyện một bài hát động viên lòng người

Tưởng cuối năm bận rộn sẽ khó lòng gặp được tướng Sơn nhưng anh vẫn dành cho chúng tôi một buổi hẹn. Từ tòa soạn đến bệnh viện 175 là một quãng đường dài nườm nượp xe cộ cuối năm 2021. Thật khó tưởng tượng rằng chỉ vài tháng trước, cung đường đó không mấy bóng người khi toàn thành phố thực hiện giãn cách. Để có cuộc sống lại nhộn nhịp và sinh khí như vậy, chúng ta phải cảm ơn những con người chống dịch hiệu quả, những con người bằng nỗ lực phi thường để kiểm soát dịch bệnh. Và hôm đó, chúng tôi đã gặp một con người phi thường như vậy.

Bước vào căn phòng của tướng Sơn, chúng tôi thấy trên bàn làm việc chất đầy giấy tờ, tài liệu bên chiếc máy tính. Đó chính là núi công việc mà anh phải xử lý. Khi thấy chúng tôi ngồi xuống nhìn ái ngại thì anh mở lời trước: “Cứ tự nhiên nghe nhạc, chờ tớ giải quyết xong việc rồi chúng mình nói chuyện”.

Và bài hát đầu tiên anh cho chúng tôi nghe là “Thương nhớ Sài Gòn” được tướng Sơn phổ nhạc dựa trên bài thơ của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Bắt đầu bằng ký ức về về một Sài Gòn với tiếng rao đêm, góc phố, ánh đèn và những con đường lá me trải thảm…, tác giả gợi nhắc những năm tháng hào hùng của thành phố hoa lệ. Và, những khoảnh khắc lịch sử ấy sẽ là niềm tin, động lực trong cuộc chiến chống đại dịch lần này.

Thương nhớ Sài Gòn do ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện được giới thiệu với người dân trên khắp đất nước hồi hạ tuần tháng 7. Chúng ta đã nghe ca sĩ Vũ Thắng Lợi nói về hoàn cảnh ra mắt MV chứ mấy ai biết chuyện về hoàn cảnh sáng tác ca khúc.

Theo tướng Sơn, việc sáng tác ca khúc này hết sức ngẫu hứng. Vào giữa tháng 7, khi tình hình bệnh dịch tại TP.HCM bắt đầu tăng nhanh thì Bệnh viện Quân y 175 được giao thành lập trung tâm hồi sức với hàng trăm giường trong một thời gian khá ngắn. Đó là nhiệm vụ cấp bách nhưng điều mà tướng Sơn suy nghĩ nhiều hơn là làm sao để mọi người cảm thấy vững tâm yên lòng chống dịch. Thời xưa, trong chiến tranh gian lao chống giặc thì đã có bao ca khúc được sáng tác để khích lệ tinh thần quân dân thì trong chống dịch vốn cũng như chống giặc cũng cần những ca khúc động viên hùng hồn. Là người lính, người thầy thuốc nhưng tướng Sơn còn là một nghệ sĩ, một nhạc sĩ tài hoa.

Trong đêm hôm đó, tướng Sơn chỉ mất 30 phút để phổ nhạc xong một bài thơ mà anh rất tâm đắc của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Có nhiều người nghĩ tướng Sơn muốn làm “bác Bình” vui nên sáng tác ca khúc nhưng anh nói là sáng tác ca khúc đó là muốn cả nước cùng phấn chấn. Chuyện ít biết là sau khi sáng tác rồi được cả nước biết, anh cũng phải giải thích với tác giả bài thơ về việc sao có một số câu không được vào bài hát. Bài thơ thì rất ý nghĩa rồi nhưng khi phổ nhạc thì cần phải chỉnh lại câu từ cho đúng giai điệu, đúng điểm nhấn, những thứ là kỹ thuật và sáng tạo của một nhạc sĩ.

Sửa thơ của Phó thủ tướng để phổ nhạc không hẳn là ai cũng muốn làm nhưng tướng Sơn thì chẳng ngại. Anh luôn tâm niệm trong cuộc sống thì phải có tinh thần dám nghĩ dám làm. Việc sửa thơ để phổ nhạc sĩ giúp cho thông điệp của “Thương nhớ Sài Gòn” càng thêm lắng đọng và truyền cảm tới nhân dân mà thôi. Việc tốt như vậy, tại sao lại không làm?

tuong-son.jpg

Và không chỉ có dám nghĩ dám làm trong lời thơ tiếng hát, vị tướng cầm tinh con hổ còn dũng cảm trong việc quyết đoán chính xác trong công việc, trong việc chỉ đạo hoạt động hiệu quả Bệnh viện Quân y 175 trong thời kỳ chống dịch.

Thành công nhờ tinh thần của người làm tướng

Một điều phải thừa nhận, trong thời gian COVID-19 như từng cơn sóng dữ làm chao đảo Sài Gòn suốt từ tháng 7 đến tháng 9 thì nhiều bệnh viện tại TPHCM rơi vào cảnh tê liệt vì các ca mắc COVID-19 khiến họ bị phong tỏa. Thế nhưng, riêng bệnh viện 175 dù là nơi đầu tiên tại TP lập trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID lại vẫn hoạt động xuyên suốt.

Thành công này không phải từ trên trời rơi xuống mà nó là sự lựa chọn của tinh thần dám nghĩ, dám làm dựa trên cơ sở khoa học. Khi các bệnh viện khác còn chưa nghĩ việc xét nghiệm người vào viện thì Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện điều này. Khi chúng tôi hỏi sao ngày đó Bệnh viện có được các kit xét nghiệm sớm thế thì tướng Sơn kể: Trong quá trình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ta đối ngoại rất tốt. Khi nước bạn bị COVID trước, ta ủng hộ họ nhiều thứ như khẩu trang và sau này, khi ta gặp khó thì nước bạn ủng hộ nhiều kit xét nghiệm.

tuong-son-5.jpg

Nói đến lần tham gia lực lượng Mũ nồi xanh thì ánh mắt tướng Sơn rất tự hào. Anh kể khi ta sang giúp người dân Nam Sudan, khi đi đến đâu giới thiệu là lính Việt Nam thì người ta lại giơ ngón tay cái để tỏ ý khâm phục. Hiếm quân đội nước nào mà lại được người dân địa phương yêu quý đến vậy.

Theo tướng Sơn, người lính Việt Nam – bộ đội cụ Hồ luôn giữ được phẩm chất đi dân nhớ, ở dân thương. Trong đợt đại dịch vừa qua ở Sài Gòn, điều anh tự hào nhất chính là người lính đã xuất hiện giúp TP vượt qua khó khăn nhất. Đó là bước chân của người lính khi giúp dân đi chợ, khi đến phát thực phẩm từng nhà và cả khi thực hiện hành động thiêng liêng trao cốt cho người dân. Họ làm với cái tâm người lính, không chút vụ lợi và không để lại bất kỳ điều tiếng gì. Thời điểm đó, bối cảnh đó, hành động đó, vô cùng ý nghĩa.

Bản thân những người lính mặc áo bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 cũng lăn xả trong lúc đại dịch. Bệnh viện đã điều 2 phân đội chi viện cho Thủ Đức và Gò Vấp, điều xuống các tổ cơ động ở cơ sở 150 người. Để đảm bảo cho việc tập trung cứu người một cách an toàn, tất cả đều bị cấm trại 100%. Có những điều mà ít người biết vì chưa lên báo là trong quá trình chăm sóc chi viện đó thì 300 nhân viên của Bệnh viện nhiễm vi rút. Ngoài ra, 300 thân nhân của các em cũng dương tính và 7 người không qua khỏi. Nhưng vì nhiệm vụ, các em không thể rời trại về nhà chịu tang, sự hy sinh này khác gì trong thời chiến đâu.

tuong-son-1.jpg

Trong cuộc chiến dịch, không gì sánh bằng nỗi đau nhìn thấy từng người bệnh gục ngã vĩnh viễn nhưng tướng Sơn tin rằng sự chu đáo, tận tâm của người trong Bệnh viện Quân y 175 an ủi được cả người sống và người đã khuất. Một điều mà tướng Sơn vẫn chưa thể lý giải được là trong thời gian đó, đội vận chuyển xác dù khối lượng công việc lớn, nguy cơ bị lây nhiễm cao nhưng không ai trong số họ bị dương tính. Đó có thể nhờ áp dụng các quy tắc khoa học của bệnh viện và phải chăng họ cũng được trời thương khi làm việc thiện.

Và trong cuộc chiến với COVID thì không chỉ có buồn đau. Cũng có lúc đội ngũ y bác sĩ tại đây vỡ òa với niềm vui khi cứu được những bệnh nhân khỏi tay tử thần. Việc dám nghĩ, dám làm, đi trước một bước khi tham mưu cho Bộ quốc phòng và TPHCM thành lập Trung tâm hồi sức đã giúp cứu được rất nhiều bệnh nhân. Từ đây những cải tiến kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện Việt Nam xuất hiện như phương pháp điều trị Đông y, cải thiện dinh dưỡng, rèn luyện tinh thần… Đặc biệt, cải tiến tách đôi máy thở ECMO là sáng kiến thể hiện rõ tinh thần vượt qua nghịch cảnh của Việt Nam giống như thời chiến, quân đội ta có sáng kiến dùng nước dừa để tiếp dược rất hiệu quả cho thương binh. Nhờ sáng kiến ECMO chia đôi, 6 sản phụ phải thở máy đều có cơ hội sống sót. Giờ thì các ca này đều mẹ tròn con vuông cả và tướng Sơn rất vui khi biết các bé sau khi ra đời đều đặt tên theo những người bác sĩ đã cứu mẹ con họ. Sang năm, anh dự định sẽ tổ chức buổi hội ngộ đặc biệt cho họ khi tình hình bình thường trở lại.

tuong-son-2.jpg

Nhắc tới chuyện năm mới, chúng tôi hỏi tướng Sơn có tâm nguyện gì cho năm mới? Anh nói bản thân không có tâm nguyện gì cho mình mà chỉ mong mọi người chung tay đoàn kết vượt qua đại dịch. Tướng Sơn nói mình không nên ước nguyện gì cao xa khó thành mà chỉ muốn bà con chấp hành các quy định trong phòng chống dịch của nhà nước, tích cực tiêm vắc xin để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và xã hội.

Rời phòng tướng Sơn sau buổi nói chuyện, đi ngoài hành lang bệnh viện mà ngoài đường tiếng còi xe giờ tan tầm vang lên mang đầy ắp năng lượng, sôi động. TP.HCM đã năng động trở lại và đâu đó vang lên những bài hát đón xuân sớm.  TP đã trở lại với sự huyên náo thân thương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu xuân gặp vị Hổ tướng - áo trắng chống dịch