Edward Hopper (1882 - 1967) - danh họa người Mỹ chuyên khắc họa cuộc sống nơi thành thị đượm vẻ buồn vắng, chưa bao giờ tranh ông tạo được sự đồng cảm như... lúc này.
Với những cảnh thành phố hoang vắng, những con người thường xuất hiện trong bối cảnh đơn độc, họa sĩ Edward Hopper được cho là bậc thầy hội họa trong việc khắc họa vẻ đẹp nỗi buồn nơi phố thị, sự cô đơn, quạnh vắng của những con người trong đời sống hiện đại.
Nhưng giờ đây, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên khắp thế giới, người ta nhìn ngắm những tác phẩm của ông với góc nhìn mới hơn và thấy nó “hợp cảnh, hợp tình” hơn bao giờ hết.
Trên khắp thế giới hiện nay, chúng ta được khuyến khích nên ở trong nhà nhiều nhất có thể, nếu cần ra đường, phải giữ khoảng cách với những người xung quanh tối thiểu 2 mét.
Cùng đương đầu với bệnh dịch, chúng ta buộc phải giữ khoảng cách với nhau, hạn chế giao tiếp với nhau, nhưng tất cả điều này được thực hiện với một sự đồng lòng, hiệp lực, bởi mong muốn cuộc sống bình yên, nhịp sống bình thường sẽ trở lại trên khắp thế giới trong thời gian sớm nhất có thể.
Những ngày này, khi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, chúng ta tìm tới nghệ thuật, sách giấy đang bán chạy hơn, những ca khúc xưa cũ bỗng gây sốt trở lại, những phim truyền hình, điện ảnh trở thành nguồn giải trí không thể thiếu đối với công chúng. Hội họa cũng không nằm ngoài “sự cứu rỗi tinh thần” đó.
Hội họa cũng đang được nhắc tới nhiều hơn trên mạng xã hội. Người ta bắt đầu nói nhiều hơn về tranh của Edward Hopper, nhiều người cảm thấy rằng họ như đang sống trong bầu không khí nghệ thuật của Edward Hopper.
Hình ảnh những con người ngồi một mình bên khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thấy đường phố vắng lặng. Đó là cảnh đã từng được đặc tả trong bức “Morning Sun” (Mặt trời buổi sáng) hay bức “Cape Cod Morning” (Buổi sáng ở Cape Cod) của Edward Hopper, nhưng miêu tả ấy cũng có thể dành cho bất cứ ai trong chúng ta vào một buổi sáng thức dậy không cần ra khỏi nhà.
Trên mạng xã hội, những người am hiểu hội họa đang chia sẻ những bức tranh của Edward Hopper với nhận định rằng chúng ta đang “sống trong tranh” của vị danh họa. Điều này cũng đúng, lại có phần thú vị, hài hước đầy chất nghệ thuật trước hoàn cảnh mà chúng ta đang cùng đối diện.
Nhưng cũng có chút nào đó “tội nghiệp” cho mỗi chúng ta, bởi suy cho cùng, con người đều có nhu cầu giao tiếp xã hội, và khi mỗi người đều cần ý thức “cách ly, hạn chế, giữ khoảng cách với các giao tiếp xã hội”, đó quả là tình cảnh khó khăn, bất thường.
Họa sĩ Edward Hopper đã biến sự cô đơn, quạnh vắng trở thành tâm điểm trong những tác phẩm hội họa của ông. Một đề tài thực sự không dễ để khắc họa và tưởng như rất khó để truyền cảm hứng cho người xem tranh.
Hồi thập niên 1920, khi những bữa tiệc phóng túng được mô tả đậm đặc trong văn chương đương thời của Mỹ, còn đời sống xã hội khi ấy cũng rất đề cao những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, coi đó như không thể thiếu, thì Edward Hopper lại đi ngược với hiện thực, để chỉ khắc họa những con người tưởng như chẳng bao giờ được mời tới dự một bữa tiệc vui vẻ nào trong đời sống của họ.
Cuộc sống hiện đại dường như không hề tạo cảm hứng dễ chịu cho Hopper và ông phản ánh cảm nhận đó vào trong tranh. Chẳng có yếu tố nào đương thời khiến những nhân vật của ông phải tự “cách ly” mình với đời sống xã hội như thế.
Những cửa sổ kính trong suốt lạnh lùng, những tòa nhà nơi mỗi người sống trong một căn hộ tách biệt, những trạm xăng nằm ở nơi hoang vắng ít người lại qua... Chất liệu cho cảnh quan và cuộc sống hiện đại trong tranh của Hopper chỉ là công cụ để lột tả nỗi cô đơn.
Ngay cả các nhân vật trong tranh dường như cũng chẳng biết phải làm gì với chính mình, thường là họ... cứ ngồi không vậy thôi.
Trong hội họa, việc ở một mình cũng có khi được khắc họa như niềm vui thanh cao khó đạt tới. Như trong bức khắc họa “Thánh Jerome cặm cụi nghiên cứu” (1514) của danh họa Albrecht Dürer, nhân vật chính được khắc họa là một học giả ẩn dật đang đắm mình trong phòng làm việc yên tĩnh.
Hay trong bức “Kẻ lãng du trên biển sương mù” (1818) của họa sĩ Caspar David Friedrich, nhân vật chủ động tìm kiếm sự tĩnh lặng trong cuộc hành trình đơn độc, để có thể nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên mà không bị quấy rầy. Nhìn tư thế nhân vật có thể cảm nhận được sự đĩnh đạc, tự chủ và viên mãn với chính mình.
Cũng khắc họa nỗi cô đơn nhưng là ngay giữa một đám đông, danh họa Edvard Munch từng thực hiện bức vẽ như thể được tạo ra từ một giấc mơ ám ảnh - bức “Buổi tối trên phố Karl Johan” - khắc họa một đám đông nhưng “không hề vui”, mà mỗi người trong đó đều lạc lõng.
Nhìn chung, cảm nhận về bản thân khi ở một mình, hay cảm nhận về bản thân khi ở giữa đám đông - những đề tài tưởng như mang đậm chất tâm lý và chỉ có thể dễ dàng biểu đạt thông qua phim ảnh, âm nhạc, văn chương - hóa ra cũng được đặc tả đầy sinh động và ấn tượng trong hội họa, giúp người xem có cái nhìn... nghệ thuật hơn về bản thân mình trong thời điểm này.
Theo Bích Ngọc/Dân Trí