Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ và giải pháp Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Quốc hội ban hành.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, quản lý quỹ BHYT

tuyetnhung | 26/11/2018, 16:10

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ và giải pháp Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Quốc hội ban hành.

Nghị quyết của Quốc hội xác định, mục tiêu tổng quát trong năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, Nghị quyết xác định chỉ tiêu: GDP tăng 6,6 - 6,8%; CPI khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7- 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 -34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi, động viên bệnh nhân

Trước những mục tiêu được xác định ở trên, Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, có yêu cầu đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả Quỹ BHYT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân.Xây dựng cơ chế tài chính y tế theo hướng tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm dần mức chi của người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình BHYT toàn dân.Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển, tiến tới bao phủ BHYT, chăm sóc sức khỏe toàn dân.Tăng cường và ưu tiên y tế dự phòng, y tế cơ sở, giảm quá tải cho tuyến trên.

Ứng dụng CNTT trong quản lý, giám định, thanh toán chi phí BHYT

Hiện nay, việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT đang phát huy hiệu quả tích cực, là tiền đề mở ra một giai đoạn mới trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT có chất lượng, hiệu quả và minh bạch.

Có thể thấy, bước chuyển lớn trong việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã ứng dụng CNTT trong quản lý, giám định, thanh toán chi phí BHYT. Đến nay, đã có hơn 97% số cơ sở y tế kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh với BHXH Việt Nam. Việc liên thông dữ liệu cho phép đánh giá tình hình sử dụng dịch vụ y tế trên toàn quốc và kiểm soát việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh, bảo đảm quỹ của người tham gia BHYT được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ hoạt động khám chữa bệnhvà thanh toán BHYT dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý khám chữa bệnhvà thanh toán BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BHYT.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT.

Hiện nay, mô hình hệ thống thông tin khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc được xây dựng với 2 cấu phần song song do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế quản lý. Hai hệ thống này được thiết kế để thực hiện liên thông kết nối với nhau thông qua 3 chủ thể thực hiện chính: Cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Theo đó, BHXH Việt Nam vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT (bao gồm Cổng thông tin tiếp nhận dữ liệu, phần mềm giám định); Bộ Y tế xây dựng Cổng tích hợp dữ liệu khám chữa bệnh BHYT (bao gồm Hệ thống thu nhận dữ liệu và thanh toán BHYT; hệ thống kết xuất thông tin, phân tích báo cáo thống kê; hệ thống quản lý danh mục dùng chung).

Thuận tiện trong việc cấp mã số BHXH định danh

Chia sẻ về kết quả ứng dụng CNTT trong BHYT, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) Nguyễn Hoàng Phương cho biết để thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Bảo đảm chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định...

Đồng thời, bà Phương cho biết thêm BHXH Việt Nam cũng cung cấp cho người dân tiện ích tra cứu trực tuyến các thông tin về: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; quá trình tham gia; giá trị sử dụng thẻ; đơn vị tham gia BHXH; các điểm thu, đại lý thu trên. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp. Hệ thống dữ liệu này sẽ được BHXH Việt Nam tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia của mỗi cá nhân, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.

Có thể thấy việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH, mà còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH, thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.

Theo báo cáo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31.10 vừa qua, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,19 triệu người; BHXH tự nguyện là 251 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 12,13 triệu người; BHYT là 82,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số.

Toàn ngành đã giải quyết 11.084 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 70.690 người hưởng trợ cấp 1 lần; 838.483 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 10 tháng đầu năm đã giải quyết 101.766 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 676.605 người hưởng trợ cấp 1 lần; 8.025.482 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, quản lý quỹ BHYT