Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi chúng ta đặt ra vấn đề cấm dạy thêm, học thêm thì cần có cái nhìn thực tiễn và ứng xử khoa học thì mới được, chứ không thể không quản lý được thì cấm. Bác biện pháp quản lý nhà nước đòi hỏi phải tạo được sự đồng thuận và có sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Dạy thêm, học thêm: Không thể không quản lý được thì cấm

Phan Diệu | 05/08/2016, 06:25

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi chúng ta đặt ra vấn đề cấm dạy thêm, học thêm thì cần có cái nhìn thực tiễn và ứng xử khoa học thì mới được, chứ không thể không quản lý được thì cấm. Bác biện pháp quản lý nhà nước đòi hỏi phải tạo được sự đồng thuận và có sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Chiều 4.8, trong phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã lần lượt đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề nóng cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Sở Giáo dục – Đào tạo.

Điều chỉnh thiết kế đường Kinh Dương Vương

Trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải, các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi về các vấn về nóng như tình tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động công khai, tỷ lệ người đi xe buýt giảm hay việc hàng loạt công trình giao thông trên địa bàn thành phố chậm tiến độ…

Đáng chú ý, câu chuyện nâng đường Kinh Dương Dương (quận Bình Tân) được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nói rằng mục đích nâng mặt đường đường Kinh Dương Vương của thành phố là nhằm chống ngập, thế nhưng nhà dân lại thấp hơn mặt đường nên bị nước tràn vào, gây nhiều khó khăn cho người dân. Vậy, khi triển khaidự án, các đơn vịcó tính đến việc nhà dân bị ảnh hưởng chưa ? Cơ sở nào để đề xuất cao độ đường là 2m và phương án xử lý hiện nay là thế nào?

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biếtmục đích khi duyệt dự án là chống ngập cho đường Kinh Dương Vương và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết bài toán ngập trong khu vực này. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế lại gây nhiều bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.

Giám đốc Sở GTVT cũng thừa nhận công tác tham vấn, lấy ý kiến người dân từ khi lập dự án cho đến triển khai thiết kế kỹ thuật chưa thực hiện đúng. Vì vậy, sau đó đơn vị thi công đã triển khai lại.

Kết quả thăm dò có 39,75% ý kiến đồng ý giữ nguyên phương án thiết kế, 19,75% ý kiến hạ xuống 35cm, có 16,79% ý kiến yêu cầu hạ vỉa hè xuống 60cm, ý kiến hạ cao độ mặt đường là 11,61% và không chọn phương án chiếm 12,1%.

Từ kết quả này, Sở GTVT cùng với Trung tâm chống ngập thống nhất phương án là điều chỉnh cao độ thiết kế đường Kinh Dương Vương. Đối với những đoạn đã thi công sẽ tiếp tục triển khai và giảm cao độ vỉa hè 10cm. Đối với những đoạn chưa thi công và điều chỉnh thì hạ cao độ mặt đường xuống 25cm so với thiết kế, điều chỉnh độ dốc vỉa hè là 10 cm.

“Nóng” vấn đề dạy thêm, học thêm

Trong khi đó, ở phần chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung hỏi rằng việc thực hiện chỉ đạo không dạy thêm, học thêm của Sở GD&ĐT đã chỉ đạo như thế nào, nhất là năm học mới cận kề ?

Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn cho biết bắt đầu từ năm học 2016-2017, TP.HCM sẽ chấm dứt việc dạy thêm trong nhà trường ở tất cả đơn vị giáo dục. Việc này là theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố. Do đó, hiện tại giáo viên chỉ được phép dạy thêm ở các trung tâm bên ngoài.

Không hài lòng với câu trả lời của ông Sơn, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh hỏi cơ sở nào để thành phố cấm học thêm, dạy thêm ở nhà trường trong khi nhu cầu học thêm là có thật ? Một số đại biểu cũng lo sợ sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm khi “lệnh cấm” được thực thi.

Ông Sơn trả lời việc cấm học thêm, dạy thêm trong nhà trường là thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, ông Sơn cũng phân vân khi TP.HCM cấm học thêm, dạy thêm nhưng Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT lại cho phép.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, sở này đang định hướng giáo viên phải có cách dạy phù hợp để giảm tải chương trình học cho học sinh. Đồng thời, vị này cũng thừa nhận các trung tâm dạy thêm sẽ nở rộ, thế nhưng cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và chỉ những trung tâm đủ điều kiện mới cho cấp phép.

Trước vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét rằng học thêm, dạy thêm tràn lan mang yếu tố tiêu cực thì cả phụ huynh, học sinh lẫn các đại biểu đều không ai ủng hộ. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt ra vấn đề này cần có cái nhìn thực tiễn và ứng xử khoa học thì mới được, chứ không thể không quản lý được thì cấm. Biện pháp quản lý nhà nước đòi hỏi phải tạo được sự đồng thuận và có sự tuyên truyền, đồng bộ trong quá trình thực hiện.

“Không khéo cấm dạy thêm, học thêm trong trường học nó lại nở ra bên ngoài nhưng chúng ta không thể quản lý được. Điều đó còn tai hại hơn để cho các trường tổ chức mà chúng ta quản lý được. Vấn đề HĐND không đặt ra với UBND TP và Sở GD&ĐT là chúng ta dạy ở đâu, học như thế nào. Điều chỉnh dạy thêm, học thêm phải trên cơ sở đồng thuận của xã hội và quản lý chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích”, bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, HĐND sẽ còn nghe lại vấn đề này nữa vào kỳ họp cuối năm. Bởi lẽ, một vấn đề lớn như vậy khi đi vào thực tiễn mới đánh gia được. Vì vậy, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP thăm dò, nắm ý kiến từ phụ huynh, học sinh, giáo viên để đưa ra biện pháp phù hợp.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy thêm, học thêm: Không thể không quản lý được thì cấm