Nhân việc xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị tổng giám sát bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước.

ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị tổng rà soát bằng tiến sĩ của cán bộ trung cấp, cao cấp

Hoài Lam | 29/10/2022, 06:00

Nhân việc xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị tổng giám sát bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị cần thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế.

"Lý do vì chúng ta đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết căn bản, trong khi đó thể chế là nền tảng của kiến tạo và phát triển trong quản trị quốc gia", ông Vân nêu.

Nếu thành lập ban chỉ đạo này, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị tập trung vào ba nhóm thể chế:

Thứ nhất là thể chế nhà nước tập trung vào phân công, kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, hướng tới một Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Thứ hai, nhân việc cơ quan Đảng, các cấp xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần có tổng giám sát bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước để sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm cho quản lý, điều hành của cả hệ thống.

Thứ ba, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế ở trên 4 phương diện: độc lập, tự chủ về mô hình và phương thức hoạt động; độc lập về nhân sự, tự chủ về nhân sự; tự chủ về ngân sách và tài chính; tự chủ về đầu tư, thẩm quyền đầu tư.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, có như vậy thì mới có đột phá về chất lượng nhân sự và chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. “Còn chúng ta trao quyền nửa vời, khó có thể phát huy được tính năng động, sáng tạo và đặc biệt vấn đề cấp bách hiện nay là phải có các cái giải pháp thích ứng”, ông Vân nêu.

le-thanh-van.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Theo ông Lê Thanh Vân, vừa qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đúng đắn, mặc dù còn chậm nhưng vẫn kịp thời để làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế và khôi phục niềm tin đối với nhà đầu tư.

Về an ninh năng lượng, Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát lại cách tính giá điện mua vào, đồng thời với việc điều chỉnh thích hợp với giá điện đối với điện, năng lượng tái tạo và điện giá phù hợp với yêu cầu cạnh tranh giá trong điều kiện kinh tế thị trường.

Ngoài ra, cần phải khẩn trương có những biện pháp thích hợp về mặt tài chính để hỗ trợ bù giá cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết 42 của Quốc hội để tăng cường năng lực sản xuất xăng dầu cung ứng cho xã hội tiêu thụ năng lượng một cách chủ động, không có tình thế biến động như vừa qua.

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, theo Báo cáo 336 ngày 14.10.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 có nêu Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận 2.524 kiến nghị và đã trả lời 2.482 kiến nghị, đạt 98,3%.

Theo đại biểu, trong một kỳ họp nhận được số lượng kiến nghị như vậy là nhiều, do đó cần nghiên cứu có giải pháp làm giảm kiến nghị.

“Có thể thấy, việc trả lời kiến nghị của cử tri 98,3% là việc làm hết sức trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính phủ. Tuy nhiên, theo báo cáo, từ Quốc hội khóa 14 đến nay vẫn còn 614 kiến nghị chưa có kết quả giải quyết; các kiến nghị về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa minh bạch, chưa cụ thể, chưa rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện”, bà Hương nêu.

Đại biểu nêu rõ kiến nghị khá lâu nhưng chậm tháo gỡ nên rất cần được Chính phủ, các bộ, ngành sớm rà soát, tháo gỡ, khơi thông sự tắc nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư cho sự phát triển.

Đồng thời, theo bà Hương, các cơ quan của Quốc hội còn tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành các văn bản dưới luật, kịp thời có ý kiến nếu có việc ban hành văn bản không đúng với tinh thần của luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị tổng rà soát bằng tiến sĩ của cán bộ trung cấp, cao cấp