“Tại đặc khu, ưu đãi bằng việc miễn tiền sử dụng đất 30 năm hoàn toàn khác so với ưu đãi thuế, bởi vì chúng ta đã mang một nguồn tài nguyên rất quý, hiếm và thậm chí rất hữu hạn để giao không cho những nhà đầu tư trong một thời gian dài”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

ĐBQH lo lắng khi luật đặc khu đi ngược cung cầu về đất đai

Trí Lâm | 28/05/2018, 21:38

“Tại đặc khu, ưu đãi bằng việc miễn tiền sử dụng đất 30 năm hoàn toàn khác so với ưu đãi thuế, bởi vì chúng ta đã mang một nguồn tài nguyên rất quý, hiếm và thậm chí rất hữu hạn để giao không cho những nhà đầu tư trong một thời gian dài”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đề xuất chính sách miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 10 năm đến 30 năm là đi ngược lại cung cầu về đất đai.

“Tôi ngại rằng chính sách này không thu hút tốt các nhà đầu tư cạnh tranh và làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh của các đặc khu”, ông Cường nói.

Không đồng ý với ông Cường, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằnghiện nay trong dự thảo quy định 2 trường hợp được miễn tiền thuê đất tới 30 năm.

Một là, với dự án thuộc danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Đây là lĩnh vực nằm trong danh mục cần thu hút đầu tư, vừa giải quyết mục tiêu về lĩnh vực xã hội đồng thời là những dự án đầu tư ít mang lại hiệu quả kinh tế.

Hai là miễn tiền thuê đất tối đa 30 năm nhưng không quá nửa thời gian đầu tư của dự án của nhà đầu tư chiến lược và phải đảm bảo được các điều kiện cam kết như dự thảo luật đã nêu.

Ví dụ phải đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu; phải có quy mô sản xuất kinh doanh lớn, có nguồn vốn đầu tư tương ứng từ 6.000 tỉ cho đến 45.000 tỉ là mức tối thiểu; cam kết để giải ngân trong thời gian quy định là 3 năm cho đến 8 năm; cam kết chuyển giao được công nghệ và gắn bó lâu dài với đặc khu.

“Do vậy, chúng tôi nghĩ dự thảo luật quy định đối với việc miễn tiền thuê đất không quá thời gian 30 năm không phải là chưa xem xét đến hiệu quả đầu tư, mà đã xem xét đến hiệu quả sử dụng đất, tài sản của nhà nước đối với các dự án đầu tư vào đặc khu”, bà Lan nói.

Cũng theo đại biểu này, so với các quy định hiện hành đang ưu đãi đối với các khu công nghiệp thì dự thảo luật lần này đã thu hẹp hơn, đồng thời có xem xét đến hiệu quả.

Nói thêm về điều này, đại biểu Cường cho rằng ưu đãi thuế không phải là nhà nước cho các doanh nghiệp mà thực ra ưu đãi thuế là việc doanh nghiệp nào vào đầu tư tốt, làm ăn tốt, đóng góp nhiều thì doanh nghiệp đó sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, không đầu tư thì sẽ không được hưởng lợi từ thuế đó.

“Tuy nhiên, đối với việc chúng ta ưu đãi bằng việc miễn tiền sử dụng đất 30 năm lại hoàn toàn khác so với ưu đãi thuế, bởi vì ở đây chúng ta đã mang một nguồn tài nguyên rất quý, hiếm và thậm chí rất hữu hạn ở những đặc khu để chúng ta giao không cho những nhà đầu tư trong một thời gian dài”, ông Cường nói.

Theo đại biểu này: “Chúng ta mong muốn khi hình thành đặc khu phải thu hút được nhiều nhà đầu tư đến, và khi đó tất yếu là mất cân đối cung cầu về đất đai. Như vậy, phải sử dụng công cụ đất đai để lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất, chứ không phải những nhà đầu tư nào nhanh chân nhất”.

Như vậy, ông Cường cho rằng có thể ngày hôm nay nhà đầu tư này là chiến lược, nhưng 10 năm sau, 20 năm sau nhà đầu tư chiến lược khác sẽ thay thế nhà đầu tư này, nếu sử dụng đất đai, những cơ hội đó không hiệu quả.

Nêu ví dụ, ông Cường cho hay, nếu một nhà đầu tư đầu tư xây dựng một khách sạn 5 sao và sẽ được miễn tiền thuê đất trong vòng 15 năm. Theo đó, không cần phải đầu tư khai thác về khách sạn, cứ để không đấy, 10 năm sau nhà đầu tư đó sẽ được hưởng giá trị gấp 5 - 10 lần. Việc này đã nhìn thấy ngay trong thời gian vừa qua khi chưa hình thành đặc khu.

Chính vì vậy, nhiều đặc khu trên thế giới đã phải sử dụng các chính sách về đánh thuế đất, điển hình như Thẩm Quyến của Trung Quốc đến năm 1985 đã phải thay đổi bằng việc áp dụng thuế đất, cứ 3 năm thay đổi 1 lần. Do vậy, Việt Nam chỉ miễn trong thời gian xây dựng cơ bản.

Liên quan đến việc sử dụng cơ chế giao đất cho các nhà đầu tư theo cơ chế BT được áp dụng trong khoản 3, 4 Điều 33, ông Cường đánh giá điều này không khác gì những điều mà Kiểm toán nhà nước vừa mới nêu ra những tồn tại của BT hiện nay. Nếu lại đưa vào trong luật này và gần như là hợp pháp hóa cho việc sai phạm đó.

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cũng cho rằng miễn tiền thuê đất trong 30 năm là quá dài. Lý do là trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong nuôi trồng thủy sản chẳng hạn thì thời gian 10 năm đủ để doanh nghiệp đó đầu tư triển khai.

“Nếu chu kỳ sản xuất kinh doanh là 7, 8 lần thì doanh nghiệp đó cũng có thể thu lại lãi. Hoặc nếu giả sử doanh nghiệp đó phá sản thì thời gian 30 năm miễn là như thế nào?”, ông Nhường nêu.

Đại biểu này đề nghị bổ sung tổng số nhà, đất người nước ngoài sở hữu hoặc đầu tư cho các dự án liên quan đến đất đai không quá 40% tổng dự án đất đai. Ở Điều 35, quyền sở hữu căn hộ, khách sạn, biệt thự tại khu nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp với lưu trú thì tối đa cũng không quá 40%.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
33 phút trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH lo lắng khi luật đặc khu đi ngược cung cầu về đất đai