ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền đề nghị “đừng xem trách nhiệm là trái bóng” và Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền gửi gắm hai vấn đề tới Chính phủ nhiệm kỳ tới

Lam Thanh | 29/03/2021, 09:56

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền đề nghị “đừng xem trách nhiệm là trái bóng” và Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia.

Hôm nay (29.3), Quốc hội thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

quoc-hoi.jpeg
Quốc hội thảo luận sáng 29.3 - Ảnh: VGP

Đừng xem trách nhiệm là trái bóng

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ mà Thủ tướng trình bày. Đại biểu Hiền gửi gắm hai vấn đề tới Chính phủ nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất là mong Chính phủ nhiệm kỳ tới dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài bởi vấn đề con người có ý nghĩa quyết định đến năng lực của bộ máy.

Theo đại biểu Hiền, bộ máy của chúng ta có hai nhóm chuyên gia: nhóm chuyên gia thông thái và nhóm chuyên gia thông minh. Trong đó, nhóm chuyên gia thông minh nắm bắt tốt lĩnh vực của mình nhưng khi có trở ngại hoặc vướng mắc, họ chỉ muốn giữ “an toàn” trong lĩnh vực quen thuộc của mình.

Do đó, khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn thì khả năng sáng tạo sẽ không còn. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong muốn Chính phủ kiên quyết xóa bỏ lối mòn tư duy, khuyến khích năng lực sáng tạo, đổi mới của từng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy.

Vấn đề thứ hai đại biểu Hiền quan tâm là công tác giáo dục. Theo đại biểu Hiền, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa thời gian vừa qua “là bài học cay đắng, bài học xương máu cho các nhà quản lý giáo dục”.

“Điều đáng nói là khi xã hội đã thấy rõ những hậu quả mà nhiều học sinh và gia đình đang phải đối mặt thì vấn đề cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm này lại chưa rõ ràng. Do đó, đề nghị “đừng xem trách nhiệm là trái bóng” và Quốc hội, Chính phủ cần có những cơ chế tăng thêm kỷ cương quốc gia”, bà Hiền nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết bà ấn tượng với nhưng kết quả mà Chính phủ đạt được trong 5 năm qua.

“Chúng tôi rất ấn tượng với những chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi lắng nghe ý kiến nhân dân, như kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020. Đó là sức mạnh của niềm tin, của lòng tự hào dân tộc”, bà Hoa nói.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Hoa nêu rõ sự chuyển động chưa đều, vẫn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cơ chế xin cho… Khi một cỗ máy vận hành thì chỉ một chi tiết nhỏ lỡ nhịp thì sẽ ảnh hưởng tới cả cỗ máy. Đại biểu Hoa cũng nêu nhiều kiến nghị về nội dung trong nhiệm kỳ tới, “hiểu điều dân muốn, làm điều dân cần”, khắc phục bệnh hình thức trong đánh giá.

Khi xây dựng luật cần lấy ý kiến rộng rãi hơn

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng trong xây dựng pháp luật, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh mà hầu hết là do Chính phủ trình. Qua đó có thể thấy Chính phủ đã rất sâu sát, kịp thời nắm bắt nhu cầu pháp lý của xã hội, đã chủ động trình Quốc hội ban hành các văn ban quy định pháp luật.

Đại biểu Mỹ Dung mong muốn khi Chính phủ trong thời gian tới khi xây dựng dự án luật cần lấy ý kiến rộng rãi hơn, cầu thị hơn trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, bởi vì thời gian qua cho thấy các ý kiến của đại biểu khi thảo luận đối với dự án luật trình lần đầu thì phần lớn ý kiến này đều đã có phân tích của các ủy ban, Bộ Tư pháp đóng góp. Nếu những ý kiến của các ủy ban và Bộ Tư pháp được lắng nghe từ đầu thì Quốc hội sẽ không mất thêm thời gian cho các dự án luật chưa chín muồi, chưa chuẩn.

“Thậm chí có đại biểu bức xúc, hờn nhẹ Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng phải chăng có sự nể nang đối với những dự án luật chưa chín muồi vào Quốc hội”, bà Dung nêu.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chia sẻ về việc thực hiện phân cấp trong đầu tư công. Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm phát huy tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, thực tế, không ít địa phương đưa vào danh sách nhiều dự án chưa phù hợp trong khi nguồn lực có hạn, tạo gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến những dự án trọng điểm khác.

Do đó, đại biểu Lưu Mai đề nghị chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công, nếu cần thì Quốc hội nhiệm kỳ mới xem xét sửa đổi. Theo đó, Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ KH-ĐT phân bổ chi tiết, tránh tình trạng giàn trải, manh mún.

Về mối quan hệ công tác Quốc hội-Chính phủ, đại biểu Mai bày tỏ đồng ý với nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng mối quan hệ công tác này thời gian qua là rất tốt dù có những giai đoạn giữa hai bên có ý kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn. “Điều đó là bình thường”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh và bày tỏ tin tưởng một Chính phủ chân chính và một Quốc hội vì dân tất yếu sẽ sẽ gặp nhau vì một ngày mai tươi sáng của quốc gia, dân tộc.

Cần duy trì mãnh mẽ kỷ cương

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh nhiệm kỳ này Chủ tịch nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt việc Chủ tịch nước kêu gọi cả nước đoàn kết trước đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất cao; đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo công tác cải cách tư pháp.

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có một số thành công rất quan trọng: Thứ nhất, thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ; thứ hai, bắt tay khắc phục các khó khăn, tồn tại từ các nhiệm kỳ trước; thứ ba, ứng phó với các tình huống thiên tai, bất lợi; thứ tư, đặt nền móng tiếp theo cho nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, tình trạng khiếu nại tố cáo còn nhiều; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế… 

Về nhiệm kỳ tới, đại biểu Nhưỡng đề nghị cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương triển khai Đề án trồng mới 1 tỉ cây xanh; có cơ chế thu hút, "quần tụ nhân tài"; xây dựng cơ chế ứng phó với các tình huống bất ngờ...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền gửi gắm hai vấn đề tới Chính phủ nhiệm kỳ tới