Tôi nhớ như in những năm 1972-1974 các anh em bạn chúng tôi ở miền Nam khi tiễn nhau du học đều chung một câu hẹn: đi 4 năm (hay 7 năm) rồi về xây dựng quê hương.
Quê hương lúc đó đang đạn cày bom xới… Tôi nghe nói lại thì lúc đó các bạn thanh niên miền Bắc cũng có cùng nhiệt huyết như thế. Du học sinh chưa chắc là nhân tài, nhưng là nguồn bổ sung nhân tài quan trọng của đất nước. Hôm nay, hơn bốn mươi năm sau, câu hỏi đất nước cần làm gì để “thu hút du học sinh” về nước phục vụ lại được đặt ra! Thật ra câu hỏi không chỉ gói hẹp trong vòng “thu hút du học sinh” mà nên rộng hơn là “thu hút nhân tài”.
Người Việt ta, nhất là trong hoàn cảnh đất nước khó khăn trăm bề như hiện nay, đang có rất nhiều người mong muốn góp sức, trong số đó nhiều người có thực tài. Trong giai đoạn này, thu hút được nhân tài, nhất là nhân tài trí thức, để xây dựng đất nước chính là cứu nước! Những tấm gương cầu tài, cầu hiền xưa nay không hiếm. Nhân tài là những người tiến bộ nhất so với thời đại. Do đó, trong khi nhu cầu đối với hiền tài vẫn như trước, các phương pháp thu hút và mời gọi nhân tài phải phù hợp với xã hội văn minh. Dưới đây là tổng hợp những gì người viết đã bàn luận với các người quan tâm về những việc chính quyền cần làm để có được sự cộng tác của nhân tài.
Thứ nhất: Cần thực lòng mong muốn nhân tài xuất hiện. Đây là điều cần nhất. Mong muốn sự góp sức của nhân tài vì trọng năng lực và tấm lòng đóng góp của họ, chứ không phải vì cần họ như một món hàng trang sức. Cũng không phải ngoài mặt thì tỏ vẻ ân cần mà bên trong lo sợ hay ghen ghét.
Thứ hai: Tôn trọng ý muốn phục vụ và chỉ phục vụ Tổ quốc và dân tộc của nhân tài. Thông thường nhân tài có chí khí cao rộng, có tấm lòng trong sáng mong muốn góp sức phục vụ dân tộc và Tổ quốc. Dân tộc và Tổ quốc là những đối tượng thiêng liêng nhất mà nhân tài hướng tới, và đối với họ không có gì đứng trước hay trên dân tộc và Tổ quốc. Bắt họ phải phục vụ một cái gì khác tức là tước đoạt của họ cái quyền phục vụ Tổ quốc, và tước đoạt của dân tộc cái quyền được hưởng những thành quả phục vụ từ những người con ưu tú nhất.
Thứ ba: Tạo điều kiện thực sự cho nhân tài làm việc. Nhân tài thường không ham muốn và thậm chí tránh né hư danh, nhưng nhân tài hết lòng hoàn thành trách nhiệm và muốn được xã hội công nhận thành quả thực sự của họ.
Nhân tài không thích khoa trương mà cần cái thực chất. Do đó họ có thể dửng dưng với những tấm thảm đỏ rình rang tiếp đón nhưng rất cần điều kiện thực để làm việc. Người chịu trách nhiệm phải là người có thẩm quyền tương ứng. Không thể sử dụng nhân tài theo kiểu trao họ một chức vụ hữu danh vô thực và các quyết định nằm trong phạm vi trách nhiệm thì do người khác quyết định!
Thứ tư: Tạo môi trường sống và làm việc phù hợp với đạo đức sống và nghề nghiệp. Nhân tài có tri thức và lòng tự trọng cao để có được sự cộng tác của nhân tài khiến họ nhìn vấn đề ở mức độ sâu sắc và cũng tìm ra những giải pháp ở mức độ rất căn bản. Với họ, “cái căn bản nhất của một xã hội chính là các giá trị đạo đức của nó chứ không phải là địa vị hay tiền của”.
Bởi vì đạo đức chính là cái gốc của sự phát triển bền vững của đất nước, “do đó, họ rất gắn bó với các giá trị cốt lõi truyền thống của dân tộc và các giá trị cốt lõi của xã hội văn minh đương đại” (TBKTSG). Tôi cho rằng nhân tài rất gắn bó với những giá trị cốt lõi phổ quát trên thế giới như các tính cách trung thực, liêm khiết, bình đẳng, công bình, tôn trọng con người, tuân thủ luật pháp…
Thứ năm: Thiết lập một xã hội bình đẳng, vốn là điều kiện tối cần thiết cho tính khai phóng của xã hội. Nhân tài không cần những biệt đãi, và cũng không thể phát triển được trong một môi trường biệt đãi dựa trên nền của chủ nghĩa lý lịch và nhân thân, hay nói cách khác, trên nền của chủ nghĩa con ông cháu cha. Chính quyền cần hợp tác với dân chúng xây dựng môi trường tôn trọng và trọng dụng tài năng và đạo đức. Không thể có những kỳ thi tuyển mà số điểm cộng thêm lớn tới mức loại trừ người có thực tài.
Mọi cơ hội nghề nghiệp trong ngành dịch vụ công phải được mở ra công khai và công bình cho công chúng. Mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau để mưu cầu sự phát triển cá nhân và thi thố tài năng phục vụ xã hội. Người viết nghĩ rằng chính quyền còn cần phải làm những việc khác nữa để có sự cộng tác của nhân tài. Tuy nhiên, năm điều trên là những điều người viết tin là cốt lõi, và chỉ một trong năm điều đó không được tiến hành thì nhân tài thực sự và có lòng tự trọng sẽ lánh xa.
Xin các độc giả thử xét xem trong các điều trên có điều nào không đáp ứng các yêu cầu hay tính chất thiết yếu của nhân tài? Xã hội Việt Nam được xây dựng như vậy sẽ là lực hút rất lớn đối với nhân tài, bởi vì họ thấy trước rằng đất nước sẽ là nơi đáng sống cho tất cả, no ấm cho tất cả. Nhiều người Việt đang làm việc bên ngoài sẽ trở về, nhiều du học sinh sẽ có chương trình trở về sau khi tốt nghiệp, thậm chí nhiều người nước khác cũng sẽ đến lập nghiệp lâu dài trên đất Việt. Ngoài ra, nhân tài trong nước sẽ xuất đầu lộ diện. Đây mới là nguồn nhân tài quan trọng và dồi dào, vừa có tầm tri thức năm châu bốn biển, vừa gắn bó, hiểu biết, thông thạo tâm lý, thói quen sống của xã hội tại chỗ… thực là một nguồn nhân tài vô biên để xây dựng Tổ quốc no ấm, mạnh giàu và tự chủ.
Lê Học Lãnh Vân