Mục tiêu tối thượng của pháp luật để bảo vệ con người khỏi những bất công, giúp tất cả mọi người có được cuộc sống tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi khi sự vô tình của pháp luật, hay của người làm luật, làm nhiều người trở nên vô hình hoặc chịu đựng những đau khổ không đáng có. Một trong những nạn nhân của sự vô tình này là người chuyển giới.

Để pháp luật không còn vô tình với người chuyển giới

Một Thế Giới | 30/06/2014, 04:59

Mục tiêu tối thượng của pháp luật để bảo vệ con người khỏi những bất công, giúp tất cả mọi người có được cuộc sống tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi khi sự vô tình của pháp luật, hay của người làm luật, làm nhiều người trở nên vô hình hoặc chịu đựng những đau khổ không đáng có. Một trong những nạn nhân của sự vô tình này là người chuyển giới.

Người chuyển giới, sinh ra trong cơ thể đàn ông nhưng biết họ là đàn bà hay ngược lại. Sự tự nhiên này bị nhìn nhận là phi tự nhiên vì nhiều người quan niệm “nam phải ra nam, nữ phải ra nữ”. Ai không theo khuôn mẫu nhị phân này (thể giới chỉ có hai giới) thì trở thành bất bình thường. Với họ, thay vì thừa nhận sự đa dạng của tự nhiên, họ lại bắt người chuyển giới “nắn mình” để phù hợp với “tự nhiên” trong con mắt họ. Đây chính là lý do pháp luật Việt Nam chưa cho phép khoảng 100,000 người chuyển giới được là chính mình. 
De phap luat khong con vo tinh voi nguoi chuyen gioi
 Jessica - một người chuyển giới nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh
Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính không cho phép các cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính với người “có bộ phận sinh dục hoàn chỉnh”. Điều này có nghĩa, để trở lại là chính mình người chuyển giới phải tự tiêm hóc môn, bơm silicon hoặc qua Thái Lan phẫu thuật. Đây chính là nguồn gốc của nhiều bi kịch xảy ra với người chuyển giới.
Do các cơ sở bị cấm hỗ trợ cho việc chuyển giới nên người chuyển giới phải tự tiêm hóc môn và các loại thuốc dẫn đến nguy hại về sức khỏe, thậm chí mạng sống của họ. Hầu như người chuyển giới nào cũng biết một ai đó bị sốc thuốc và chết. Gần đây nhất, một người chuyển giới nổi tiếng trong TP. Hồ Chí Minh là Bảo Hân đã qua đời khi tự tiêm silicon cho mình. Những câu chuyện đau lòng này ít người biết vì sự vô hình của người chuyển giới trong pháp luật. 
Nhiều người chuyển giới tích cóp tiền qua Thái Lan thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Việc này đắt hơn từ 5-8 lần nếu thực hiện ở Việt Nam. Điều nghiêm trọng là người chuyển giới thường phải đi một mình, ai may mắn thì có người nhà hoặc bạn bè đi theo giúp đỡ. Do không có nhiều tiền nên họ thường phải trở về Việt Nam ngay sau phẫu thuật, dẫn đến tổn hại sức khỏe do không được chăm sóc hậu phẫu. Đây chính là lý do làm cho sức khỏe của họ yếu, dẫn đến tổn thọ 10-15 năm như nhiều người chuyển giới hay nói. 
Ngoài nguy cơ sức khỏe và mạng sống do pháp luật chưa cho các cơ sở hỗ trợ việc chuyển đổi giới tính, việc pháp luật chưa cho phép người chuyển giới đổi tên trên giấy tờ tùy thân cũng gây nhiều khó dễ cho họ. Việc này không những tạo rào cản trong việc đi lại, mà còn gây khó khăn trong các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu tài sản, kiểm tra an ninh, tạm trú, hoặc các hợp đồng dân sự khác. Đây chính là nỗi bất an thường trực trong người chuyển giới, vì với họ lúc nào mình cũng sống như người phạm pháp, không được thừa nhận. 
Ngoài ra, việc không được thay đổi tên họ cũng ngăn cản người chuyển giới có công ăn việc làm ổn định. Nhiều nhà tuyển dụng không chấp nhận người chuyển giới, một phần vì kỳ thị, nhưng một phần vì giấy tờ tùy thân và con người họ “không trùng nhau” về giới tính sinh học. Theo điều tra của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), đa số người chuyển giới nữ không có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người phải đi làm mại dâm, hát đám ma hoặc các công việc không mong muốn vì đó là lựa chọn duy nhất họ có. 
Như vậy, việc pháp luật đang coi người chuyển giới là vô hình đã vô hình gây đau khổ và bất công cho rất nhiều công dân Việt Nam. Nó cũng làm chậm lại quá trình xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới. Theo TS. Phạm Quỳnh Phương, chính kỳ thị và phân biệt đối xử đã làm người chuyển giới phải bỏ học nên không có bằng cấp, không có việc làm ổn định nên phải làm những việc bị xã hội dè bỉu, điều này khiến họ càng bị kỳ thị và sống trong đói nghèo. 
Để phá vỡ vòng xoáy bất công với người chuyển giới, Việt Nam nên sửa đổi Luật dân sự cho phép người chuyển giới phẫu thuật và thay đổi giấy tờ tùy thân như mong muốn của họ ở Việt Nam. Thay đổi này sẽ cứu nhiều người chuyển giới khỏi mất mạng, xóa bỏ kỳ thị, góp phần giúp người chuyển giới học tập tốt hơn, có những công việc tốt hơn, và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng tốt hơn. Nó cũng giúp ngành y học Việt Nam phát triển, và giữ lại dòng ngoại tệ đang chảy sang các nước khác chỉ vì các cơ sở y tế ở Việt Nam đang bị cấm thực hiện công việc này. 
Theo Diễn Ngôn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học nhân ngày Khoa học công nghệ Việt Nam
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TP.Hà Nội hôm nay đã tổ chức cuộc gặp gỡ, tôn vinh các chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ Việt Nam (18.5).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để pháp luật không còn vô tình với người chuyển giới