Về trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương cho rằng nếu có bảo hiểm đầu tư, đánh giá rủi và bán rủi ro… thì nhà đầu tư sẽ tín nhiệm và xuống tiền.

Đề xuất 'bảo hiểm đầu tư trái phiếu' để nhà đầu tư tín nhiệm, xuống tiền

Hoài Lam | 17/03/2023, 15:05

Về trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương cho rằng nếu có bảo hiểm đầu tư, đánh giá rủi và bán rủi ro… thì nhà đầu tư sẽ tín nhiệm và xuống tiền.

Trái phiếu đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định

Tại tọa đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17.3, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cần lưu ý 2 vấn đề quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm để thị trường vốn phát triển.

Tổng quy mô phát hành TPDN năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỉ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong 2 tháng đầu năm, mới có 2.600 tỉ đồng TPDN mới được phát hành, chỉ bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022.

toa-dam.jpg
Tọa đàm Giải pháp khơi thông thị trường vốn

“Điều này cho thấy thị trường TPDN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng TPDN đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới…”, ông Lực nói.

TS Cấn Văn Lực cho rằng Nghị định 08 (năm 2023) mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn.

Cụ thể, ông Lực cho rằng cần chỉ đạo quyết liệt, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường TPDN phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn.

Giải pháp tiếp theo là nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp; khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN).

Cũng theo ông Lực, thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

luc.jpg
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Ngoài ra, ông Lực cũng nhấn mạnh việc cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản. Theo đó, việc nâng cao hiệu quả phối hợp kết hợp giữa các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cùng với việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, với việc tăng tính độc lập, năng lực cho cơ quan thanh tra - giám sát cũng như vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Cùng với đó cũng cần có đề án để sớm nâng hạng thị trường.

Bảo hiểm đầu tư trái phiếu?

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương cho rằng muốn phát triển bền vững phải củng cố niềm tin và cốt lõi của thị trường hiện nay là niềm tin.

Theo ông Tú Anh, niềm tin xuất phát từ 2 phần: Một là ở thị trường, vĩ mô ổn định. Thứ hai là trên các khoản đầu tư của nhà đầu tư được bảo vệ, luật là công bằng với các bên.

“Trên thị trường TPDN đang giai đoạn phát triển như Việt Nam, để củng cổ niềm tin là xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì doanh nghiệp Việt Nam không bao giờ qua được xếp hạng quốc gia và hiện nay xếp hạng quốc gia của Việt Nam là chưa phải mức khuyến cáo đầu tư nên thị trường sẽ đưa thông điệp rất khác với thị trường trong nước”, ông Tú Anh nói.

tu-anh.jpg
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương phát biểu

Theo đó, đại diện Ban Kinh tế trung ương cho rằng cùng quá trình phát triển thị trường, cần có xếp hạng tín nhiệm vẫn theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn phải khuyến khích đầu tư.

“Trong bối cảnh, bản thân các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước cũng đang xây dựng tín nhiệm, chúng ta quên mất vai trò của bảo hiểm. Nếu có bảo hiểm đầu tư, đánh giá rủi và bán rủi ro (công ty bảo hiểm), khi có rủi ro thì nhà đầu tư đã có bảo hiểm thì nhà đầu tư sẽ tín nhiệm, tin và xuống tiền”, ông Nguyễn Tú Anh nêu.

Bình luận về đề xuất khá mới này, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho rằng câu chuyện bảo hiểm của tổ chức kinh doanh chứng khoán được đặt ra từ lúc xây dựng thị trường. “Hơn 20 năm, chúng ta bàn về vấn đề công ty chứng khoán có mua bảo hiểm khi đầu tư chứng khoán hay không? Ở đây thì gói gọn lại là mua bảo hiểm cho khoản đầu tư trái phiếu”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, cần phân biệt giữa TPDN công và TPDN riêng lẻ. Hiểu nôm na, trái phiếu phát hành riêng lẻ ra công chúng thì được quản lý chặt chẽ, phát hành cho người ít hiểu biết cho thị trường. Chào bán riêng lẻ là cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hiểu là sự dàn xếp tài chính giữa trái chủ và các tổ chức phát hành.

“Vậy cần bảo hiểm hay không? Nếu có thì đưa vào giá vốn phát hành. Một doanh nghiệp phát hành TPDN sẽ phát hành 10 - 12%, nhưng giá vốn lên đến 15%, cần thiết mua thì có thôi, nhưng giá mua vốn đội lên. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có cần thiết không? Cái đó thì thị trường sẽ giải quyết”, ông Sơn nói.

binh.jpg
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán nhà nước phát biểu

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chia sẻ, dưới góc độ cá nhân, thị trường chứng khoán Mỹ có định chế được thành lập từ năm 1970 để bảo hiểm cho khoản đầu tư nhằm bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư trên tài khoản đó không bị mất vì những lý do trái pháp luật trên thị trường như bị ăn cắp tiền trên tài khoản hoặc sử dụng trái phép chứng khoán của nhà đầu tư, thông qua cơ chế yêu cầu công ty chứng khoán phải nộp khoản tiền nhất định.

Do đó, bà Bình cho rằng cần suy nghĩ về tính khả thi của việc bảo hiểm giá trị của khoản trái phiếu đó, nó phụ thuộc vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành.

TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: “Không có bảo hiểm nào cho bảo hiểm trái phiếu. Ở Mỹ không có công ty nào dám bảo hiểm bởi chi phí bảo hiểm rất cao. Thành ra các trái phiếu chỉ có bảo lãnh thì chỉ có một ngân hàng nào đó đứng ra bảo lãnh trái phiếu đó. Mô hình bảo hiểm trái phiếu không thể áp dụng và không khả thi”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất 'bảo hiểm đầu tư trái phiếu' để nhà đầu tư tín nhiệm, xuống tiền