Lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bỏ các Văn phòng 2 tại TP.HCM để tận dụng quỹ đất tạo nguồn lực cho các Bộ Ngành và tạo điều kiện cho TP.HCM giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Chiều nay, 23.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM để bàn giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Báo cáo với Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết trong năm 2016, trên địa bàn có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông.
Các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông thuộc các khu vực như: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (các tuyến Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm); cảng Cát Lái (Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Xa Lộ Hà Nội); khu vực trung tâm Thành phố như các tuyến Pasteur, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ,...
"Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, gây bức xúc cho người dân", ông Khoa cho biết.
Gần hai mươi năm trước, Chính phủ từng có chủ trương xây dựng cao ốc tại trung tâm TP.HCM để di dời các Văn phòng 2 về một địa điểm, thu hồi các khu đất vàng đấu giá, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển nhưng vì nhiều lý do, chủ trương này đã không thực hiện được. Toà nhà sau đó đã giao cho một đơn vị khai thác.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP.HCM và nhiều Bộ Ngành đã kiến nghị Thủ tướng thực hiện hàng loạt giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc. Lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bỏ văn phòng 2 của các Bộ, Ngành tại TP.HCM (chỉ giữ lại văn phòng 2 của một số Bộ quan trọng) theo hình thức xã hội hóa.
Quỹ đất thu hồi sẽ là nguồn lực rất lớn cho các Bộ và TP.HCM, tạo điều kiện cho địa phương đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh việc triển khai dự án xây dựng các nút giao thông, TP.HCM cần nghiên cứu, xây các khu đô thị vệ tinh và cần quan tâm đến tác động của triều cường, ngập lụt đến ùn tắc giao thông.
Theo ông Hà, trước kia, khi quy hoạch phát triển đô thị, nhiều địa phương chưa chú ý đến việc dành đất làm hồ điều hòakhi xảy ra mưa lớn. Trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, thành phố cần phải gắn với việc chỉnh trang đô thị và giãn dân ra các khu đô thị vệ tinh.
Quỹ đất thu được từ các dự án chỉnh trang sẽ làm nguồn lực rất lớn để TP.HCM thực hiện các dự án giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình: Phải nghiên cứu giải pháp đô thị vệ tinh. Không có đô thị vệ tinh, phát triển đô thị đến mấy cũng không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông.
Đối với đề xuất “xóa” văn phòng 2 các bộ ngành, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, lập đề án trình Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Huy Thịnh/Tiền Phong