Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đề xuất nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.
Theo dòng thời sự

Đề xuất cho phép văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân

Lam Thanh 25/06/2024 12:25

Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đề xuất nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.

Sáng 25.6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Kế thừa quy định của luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 của dự thảo luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Theo đó, văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Hiện đang có nhiều quan điểm trái chiều về quy định này.

Quan tâm về mô hình văn phòng công chứng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu: Mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định dự thảo luật cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư.

0-ha-1.jpeg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)

Theo đại biểu, dự thảo luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cũng đề nghị cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong hành nghề công chứng.

Ông Tuấn đồng tình việc cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ. Điều này nhằm bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên.

Đại biểu Tuấn cho rằng không nên vì những bất cập trong việc tổ chức văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân theo Luật Công chứng năm 2006 (như khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng…) mà loại bỏ mô hình này. Theo đó, nên nhìn nhận đây là vấn đề về quản lý, tổ chức thực hiện cần được giải quyết, khắc phục thông qua sửa đổi luật lần này.

0-tuan-2.jpg
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)

Ông Tuấn cũng nêu, việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, nhằm đối phó với quy định của luật, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.

Ông dẫn ví dụ có văn phòng công chứng trên danh nghĩa có hai công chứng viên, nhưng thực tế chỉ có một công chứng viên hoạt động thường xuyên.

Quan trọng hơn, theo đại biểu này, nếu cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao (nhưng không thể thiếu).

“Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của người dân (không phải đi xa hàng chục, hàng trăm km mới có thể tiếp cận được các dịch vụ công chứng), vừa khuyến khích, tạo thuận lợi cho công chứng viên hành nghề công chứng, đầu tư thành lập các văn phòng công chứng ở những nơi không có nhiều người đủ điều kiện hành nghề, hoặc có đủ điều kiện nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư vào ngành nghề công chứng ở những nơi khó khăn”, ông Tuấn nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng tại các địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa chưa phát sinh nhiều hợp đồng kinh tế, dân sự… nên việc văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên không khả thi mà chỉ cần một công chứng viên là đủ.

Ông Mai cũng đề nghị có nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của quy định này tại các vùng có tính đặc thù về dân cư, mức độ phát triển để bổ sung cho phù hợp.

0-mai-1.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng nhận thấy rằng ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là phù hợp.

“Một mặt là vừa là góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này”, ông Thông nói.

Ngoài ra, theo ông Thông, hiện nay, đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể là gây lãng phí nguồn lực công chứng viên và nguồn thu để đảm bảo hoặc là duy trì hoạt động của tổ chức thành người công chứng với hai công chứng viên là rất là khó.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bên cạnh loại hình là công ty hợp danh thì ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ là một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Toàn bộ dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) còn thiếu một định nghĩa rất quan trọng là: Công chứng là một dịch vụ công. Vì các giao dịch dân sự của nhân dân, của doanh nghiệp rất nhiều nhưng họ cần sự xác nhận có thực của cơ quan nhà nước, và công chứng ra đời với ý nghĩa đó. Ở nhiều quốc gia khác (như Anh, Mỹ…) cũng xác nhận công chứng là một dịch vụ công.

Vì vậy, dịch vụ công này có thể được thực hiện bởi cơ quan nhà nước và nhiều quốc gia cũng lập phòng công chứng, trao cho các công chứng viên Nhà nước. Nhưng để giảm bớt gánh nặng và tinh giản biên chế, nhiều quốc gia cho phép các công chứng viên tư nhân làm việc này với tư cách được ủy quyền thực hiện các dịch vụ công, khác với dịch vụ pháp lý của luật sư. Luật sư hoàn toàn là dịch vụ tư như các dịch vụ tư nhân khác.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất cho phép văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân