Phản hồi trước đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài chính công bố, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh mỗi lít xăng hiện phải "cõng" rất nhiều loại thuế phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay. Cụ thể, khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.
Dầu diezel từ mức thuế hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít dự kiến bị tăng lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.
Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700 - 7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10.
Mặc dù vừa mới được công bố, song đề xuất này của Bộ Tài chính đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Để làm rõ những câu hỏi xoay quanh vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính).
- Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu dự kiến tăng từ 3.000 - 8.000 đồng/lít. Theo ông, mức tăng này có hợp lý trong bối cảnh thị trường hiện nay?
- PGS.TS Ngô Trí Long: Hiện nay, mỗi lít xăng đã phải "cõng" rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là nước phát triển như Mỹ, mức thuế hiện giờ của nước ta là quá cao, cao gấp rưỡi Mỹ.
Hơn nữa, vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường. Trên thế giới, không phải nước nào cũng đánh loại thuế này, chỉ có một số ít nước áp dụng, trong đó có Việt Nam. Việt Nam không chỉ áp loại thuế này mà còn áp ở mức ngày càng cao, theo kiểu tận thu. Điều này thực sự là không hợp lý.
- Nếu thuế bảo vệ môi trường đội lên mức ở trên, phải chăng giá xăng sẽ tăng lên rất cao? Khi đó khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ ra sao, thưa ông?
- Mức thuế bảo vệ môi trường của nước ta hiện nay là 1.000-4.000 đồng, cộng thêm các loại thuế khác đã đẩy giá xăng lên cao rồi. Nếu tăng lên 8.000 đồng nữa thì không biết giá xăng sẽ cao như thế nào. Chắc chắn sẽ gây một sự ngỡ ngàng cho công chúng.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu đánh thuế bảo vệ môi trường cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân. Vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ rất là yếu.
Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp nhất của thế giới. Nếu đánh thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp thì là điều không nên. Đây mới là dự thảo đưa ra, tôi chắc chắn rằng dự thảo này sẽ vấp phải sự phản đối là điều tất nhiên.
- Ông đánh giá thế nào về quan điểm tăng thu thuế phí để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngân sách nhà nước?
- Thuế là một công cụ rất quan trọng, đó là kích thích hoặc hạn chế sản xuất. Nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế.
Theo đó, Bộ Tài chính phải cải cách việc thu ngân sách, giữ kỷ cương ngân sách. Đừng nên để tiền thuế của dân ra đi mãi, có nghĩa là trong đầu tư công quản lý kém chặt chẽ, bao gồm cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, thu ngân sách nhà nước thất thoát, lãng phí rất lớn. Chúng ta liên tục làm mất cân đối về ngân sách rất cao. Theo đó, quan điểm của tôi là Bộ Tài chính phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có nguồn thu, chứ đừng nên vắt kiệt nguồn thu.
Còn trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là một sự khiên cưỡng, không nên.
Tuyết Nhung (Thực hiện)