Đêm, giữa miền tuyết trắng mênh mông, phía xa kia là Bắc cực quang rực rỡ, tôi nằm thu mình trong túi ngủ giữa căn phòng băng  lộng lẫy. Hiện thực cứ như là mơ

Đêm trong lâu đài băng

Một Thế Giới | 07/10/2013, 11:49

Đêm, giữa miền tuyết trắng mênh mông, phía xa kia là Bắc cực quang rực rỡ, tôi nằm thu mình trong túi ngủ giữa căn phòng băng  lộng lẫy. Hiện thực cứ như là mơ

           

ben ngoai ks_resize_resize

Gần hai mươi tiếng đi tàu lửa từ Stockholm (Thụy Điển) ngược lên phía Bắc cực. Hành  trình dài nhưng không  khiến  tôi meat mỏi, bởi phòng  ốc trên  tàu tiện  nghi, bên  ngoài  cảnh  sắc cứ như là truyện cổ tích. Những  túp lều gỗ màu  đỏ thẫm thấp thoáng giữa rừng thông.  Tuyết mênh  mông ngút tầm mắt. Xa xa giữa bãi tuyết trắng, những  chú tuần lộc tung tăng. Chỉ thiếu  cảnh ông già Tuyết cưỡi xe tuần lộc phóng  vù vù nữa  là tôi  thực  sự lạc vào cảnh thần tiên.
Mênh mông băng tuyết
Khởi hành ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào cuối buổi chiều  ngày hôm  trước,  tầm  trưa hôm sau,  chúng  tôi vượt qua vành đai  Bắc cực,  rồi sau đó vài tiếng, thị trấn Kiruna nhỏ bé hiện  ra. Thị trấn  vùng mỏ này sắp tới sẽ trở thành  dĩ vãng, khi một  kế hoạch di dời lớn được  thực  hiện  để nhường đất cho hoạt động khai  thác quặng  sắt. Nhưng  trước khi tan biến vào quá khứ như những tảng băng tan chảy vào mùa  hè, Kiruna vẫn  cứ là một điểm đến hấp dẫn, không chỉ bởi cái dáng  vóc be bé, xinh xinh,  không chỉ bởi khu mỏ hiện  đại  kế bên  hông.  Nơi  này còn thu hút khách thập phương bởi khách  sạn băng mới ra đời nhưng đã kịp trở thành  huyền  thoại.
Từ ga Kiruna, xe buýt chạy chừng 20 phút là tới  làng   Jukkasjarvi bên  bờ sông  Torne. Nói  là sông để dễ hình dung, chứ nếu bạn tới nơi này  vào mùa   sông   sẽ chẳng thấy một con  sông nào. Sông Torne là một dòng băng  trắng  xóa, dùng  làm đường  cho  xe tải, mô tô tuyết và xe chó kéo. Giữa lúc khách  phương xa bắt đầu chập  chờn  trôi vào giấc ngủ theo nhịp  lắc lư của xe, tiếng người hướng dẫn bỗng vang  lên: “Đến nơi rồi. Chào mừng  các bạn  đến với Khách sạn băng!”. Tôi giụi mắt nhìn qua cửa kính. Ồ, trước  mặt  tôi là một  tổ hợp kiến trúc bằng băng tuyết trắng muốt, rộng mênh mông. Chính giữa là một tòa nhà, vây xung quanh là tường thành  được  kết bằng các khối băng  lớn. Vòng ngoài là dãy nhà  gỗ với mái  bị tuyết phủ dày cả nửa mét. Đấy chính là khách sạn băng Icehotel.

Những căn phòng lung linh
“Nào, mời các bạn  tham quan Khách sạn băng”, anh chàng hướng dẫn viên Robert vui vẻ. “Điểm đầu tiên là sảnh chính, nơi đây lung linh như một cung điện”. Theo chân Robert, chúng  tôi bước  vào sảnh tòa nhà bằng băng. Những cột nước  đá trong suốt, những  bức tường  băng được  phủ tuyết bên ngoài, với đường nét chạm  trổ khá tinh vi, khiến tôi cứ ngỡ đây là một công trình bằng pha lê. Sảnh chính còn  có những  bức tượng, những khối trang trí tuyệt đẹp, tất cả đều bằng băng. Sự kết hợp giữa băng, tuyết và ánh sáng đèn điện khiến cho gian chính cứ lung linh, huyền ảo. Mọi người bước đi trên nền tuyết, tiếng tuyết lao  xao  dưới chân thật là vui tai. Từ sảnh  chính, chúng  tôi sang nhà thờ nằm bên hông. Tượng  chúa Jesus, những  hàng ghế, bục hành lễ, tất  cả đều là băng trong suốt.

sanh chinh lung linh_resize_resize

Sảnh chính lung linh

Tiếp theo, Robert dẫn chúng tôi tới thăm một căn phòng đặc trưng, và cũng nhân  tiện hướng  dẫn cách thức ngủ qua đêm trên chiếc giường băng trải da tuần  lộc. Phòng  ở đây  có nhiều diện tích, cách thiết kế cũng  khác  nhau và tất nhiên giá cả cũng cách nhau một  trời một  vực.  Mức giá thấp nhất cho mỗi đêm ngủ ở đây là 4.600 krona (hơn 15.000.000  đồng); còn phòng  hạng  sang (deluxe) có giá tới 14.000 (hơn 46.000.000  đồng). Bên ngoài mỗi phòng là bảng ghi loại phòng,  tên các nghệ  nhân  thiết  kế, xây dựng. Tất nhiên,  những  tấm biển này đều được  làm bằng băng. Bước vào bên trong, bạn sẽ bắt  gặp  một  thế  giới lung linh. Những bức tượng chú gấu Bắc cực, tranh được tạo nên bởi sự phối  hợp giữa băng tuyết và bột màu, những bộ bàn ghế trong suốt. Dưới ánh đèn màu huyền  ảo, cả căn phòng cứ như một cung điện  cổ tích.

ben ngoai ks bang_resize_resize

Cửa vào một phòng của khách sạn băng Icehote

Giữa mỗi phòng là một  bộ giường  lớn. Phòng  băng  có giường làm bằng băng; phòng tuyết có giường  làm bằng gỗ. Bên trên  là những mảng da tuần  lộc còn nguyên lông dùng làm nệm. Công tắc đèn được  gắn vào bên dưới giường,  rất tiện.  Để ngủ trong “thùng nước đá” này, những tấm da tuần  lộc làm sao đủ ấm. Bạn phải  có túi ngủ  đặc  biệt.  Và khi đã chui vào túi ngủ rồi, nửa đêm đột nhiên cần đi vệ sinh, thì đó quả thực là một bài toán  hóc búa, nhất là đối  với những người đến từ xứ sở nhiệt  đới quanh năm nắng nóng như tôi. Tất nhiên  khách  sạn không  chỉ đơn thuần là nơi để ngủ. Bạn cũng cần các dịch  vụ giải trí, ăn nhậu  chứ. Có ngay!  Quán ba bằng băng (Icebar) mang tên absolute – mở cửa hằng  đêm để khách ghé tới nhâm nhi hoặc nhảy nhót cho  quên đi cái lạnh  giá của mùa đông bên ngoài.

quan bar absolute_resize_resize

Quán bar Absolute

nha tho o ks bang_resize_resize

Nhà thờ cho khách du lịch cững được làm bằng băng

Sự kết hợp  giữa băng và tuyết
Robert cho biết khách  sạn được  làm từ các khối băng có tổng trọng lượng hơn 1.000 tấn, trên một diện tích rộng chừng 6.000 m2. Băng dùng  để xây dựng được khai thác ở sông Torne, mà theo Robert là con  sông sạch “nhất thế giới”. Không sạch sao  được, ở quầy tiếp tân, có một  vòi nước uống, với lời giới thiệu là nước  lấy trực tiếp từ sông  Torne, sạch gấp 10 lần nước đóng chai! Để có vật  liệu  xây khách sạn, người ta chọn một khu  vực nơi nước chảy không  quá xiết để quy hoạch làm khu  khai  thác băng. “Nước chảy xiết quá thì băng khó đông. Còn nước không  chảy thì băng  không  sạch,  không  chắc.  Thế nên chúng  tôi chọn nơi nước chảy vừa phải”, Robert giải thích. Chất  liệu xây dựng khách sạn băng là một sự kết hợp  tài tình giữa tuyết (snow) và băng (ice), mà Robert gọi  là “snice”. Băng tạo nên sự chắc chắn, còn tuyết tạo độ kết dính và bảo  vệ băng khỏi sự đốt nóng của tác nhân bên ngoài.

khai thac bang tren song torne_resize_resize

Khai thác băng trên sông Torne

Chàng Hư Trúc sống sót
Robert dặn chúng  tôi rất nhiều thứ liên quan tới chuyện  ngủ nghỉ. Thứ nhất,  không  được  tắm rửa trước khi ngủ. “Nước sẽ làm  trôi  đi lớp nhờn  bảo vệ da, khiến không khí lạnh  dễ thẩm  thấu  vào người”,  anh chàng  giải thích. Và khác  với niềm tin bấy lâu của tôi, rằng  cứ mặc càng nhiều đồ càng  ấm, anh chàng  nói: “Khi chui vào túi ngủ, bạn  mặc  trên  mình  càng ít áo quần  càng tốt”. Có nghĩa là chỉ cần một  bộ đồ ngủ thông thường là được. Nhưng  lỡ nửa đêm “buồn buồn” phải đi nhà  vệ sinh thì sao? “Câu hỏi hay!”,  anh chàng cười. “Bạn cho một  bộ đồ ấm vào trong túi ngủ, khi  cần đi vệ sinh thì bạn  khoác  vào, sau đó chui ra khỏi túi để đi”.  Nhà  vệ sinh  không có sẵn  trong phòng, và cũng không ở trong khu nhà băng, mà nằm ở khu  nhà gạch kế bên. Cho  nên  cái sự “đi”  này cũng  rất chi là nhiêu khê.

phong ngu trong ks bang_resize_resize

Tác giả trong phòng khách sạn bãng Icehotel

Ban ngày, các phòng  là chốn tham quan cho tất  cả mọi người. Khách  tới thuê  phòng  phải gửi đồ trong hộc tủ gần quầy tiếp tân ở khu nhà bê tông,  chứ không  mang đồ vào phòng  như khách sạn thông thường. Bắt đầu  từ 18 giờ đến  sáng  hôm  sau, phòng mới trở thành  chốn riêng tư của khách trọ.
Cảm giác bước  vào giấc ngủ trong “tủ đá”có chút gì đó hồi hộp,  y như bắt đầu một cuộc  thám  hiểm  vậy. Khoảng  nửa đêm,  tôi chui vào túi ngủ. Sau vài phút  lạnh  lẽo ban đầu, bên trong túi bắt đầu ấm dần, cũng không  đến nỗi buốt giá như ta tưởng. Ngặt moat nỗi  là khi ngủ phải chừa mặt ra ngoài để thở, thế nên khuôn mặt phải chịu trận suốt đêm.
Sau một  ngày  mệt  mỏi  với những  trò chơi như cưỡi mô tô tuyết, đi xe chó kéo trên  mặt  sông băng,  tôi trôi nhanh vào giấc ngủ. Nhưng đôi khi  chợt  thức giấc, lấy tay sờ lên  mặt   thấy   da lạnh ngắt. Tôi cứ mường tượng mình như là anh chàng Hư  Trúc trong truyện Kim Dung. Một ngày nọ, chàng sư khờ khạo  bị bắt tới giam trong nhà kho  nước  đá bên ngoài hoàng cung vương quốc Tây Hạ. Chính trong chốn lạnh lẽo đó, lần đầu  tiên  trong đời, chàng được thưởng thức hơi thở ngọt  ngào của Mộng Cô. Ơi, ở một nơi  lạnh ngắt như thế, không biết Hư  Trúc làm sao có thể xoay trở trong cuộc chung đụng thịt da. Tôi thì chịu,  chỉ nằm thu mình trong túi  ngủ  là coi như công phu thượng thừa  lắm rồi. Còn sức hơi đâu mà mơ tới cảnh  xuất chiêu động thủ.
Một đêm lạnh pha trộn giữa hồi hộp và thích thú thế rồi cũng qua. Tôi trở ra phòng gửi đồ, chợt thấy ở đó một  số người bạn đang  nằm la liệt. Thì  ra mấy  gã chết nhát  này chịu  không  nổi cảm giác mạnh của căn phòng nước đá nên  đã mò ra đây từ đêm hôm  trước.  Tới lúc làm thủ tục  rời khách sạn, mỗi người nhận được  một tấm chứng  chỉ chứng  nhận  đã sống  sót sau một đêm ngủ ở khách  sạn  băng.  Tôi cười, nhìn qua mấy  gã kia, họ cũng nói cười  rôm  rả. Ha ha, trong số mấy học viên nhận bằng ở đây, có không ít người “dỏm” nhá.
Lúc ra ga Kiruna để trở về Stockholm, tôi thấy ở đấy người ta cũng bán những  tấm chứng  chỉ, nhưng không  phải để công nhận chuyện sống sót sau một đêm ngủ ở khách sạn băng. Chứng chỉ ở đây công nhận  bạn đã vượt qua vành đai  Bắc cực.

Theo Duyên Dáng Việt Nam – Bài & Ảnh: Châu Minh Linh

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đêm trong lâu đài băng