Tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, có một ngôi chùa cổ nổi tiếng được biết đến với tên gọi chùa Dơi, nơi cư ngụ của một quần thể dơi quạ.
Khám phá ngôi chùa cổ kính hơn 200 năm tuổi
Vào một buổi sáng se lạnh trong những ngày cận Tết Ất Tỵ, tôi cùng một người bạn di chuyển bằng xe máy qua phà Trà Ôn (phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên). Đến chợ Trà Mơn (xã Mỹ Hòa Hưng), chúng tôi hỏi đường đến chùa Dơi và được người dân địa phương nhiệt tình chỉ dẫn. Từ chợ Trà Mơn, chúng tôi đi dọc theo một con rạch nhỏ, trên con đường nông thôn rợp bóng cây xanh, qua vài cây cầu là đến chùa.
Chùa Dơi có tên là Hưng Long Tự, tọa lạc tại ấp Mỹ An 1, xã Mỹ Hòa Hưng. Ngôi chùa mang vẻ đẹp bình dị giữa vùng quê. Bên cạnh nét cổ kính, chùa còn lưu giữ nhiều bức tượng có niên đại hàng trăm năm. Điều đặc biệt là xung quanh chùa có hàng trăm con dơi quạ trú ngụ theo mùa, vì vậy người dân địa phương quen gọi là chùa Dơi.
Ban quản tự chùa Hưng Long Tự cho biết chùa được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Trải qua nhiều đời trụ trì, chùa đã được trùng tu và nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
Để minh chứng cho sự “đất lành chim đậu” của chùa Dơi, ông Bảy, tổ trưởng tổ từ thiện cất nhà xã Mỹ Hòa Hưng, dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên. Bên ngoài khuôn viên là những hàng cây sao, cây dầu cao vút với lớp vỏ sần sùi, có tuổi đời hàng trăm năm. Cạnh chánh điện là nơi làm việc của tổ từ thiện, một nét đặc biệt thu hút sự tò mò của du khách.
Ông Bảy chia sẻ: “Hàng chục năm nay, rất nhiều dơi quạ trú ngụ trên những cây cổ thụ quanh chùa. Không ai biết chúng từ đâu đến và đi về đâu. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, hàng trăm con dơi tụ tập ở đây, rồi đến gần cuối năm chúng lại rời đi. Vài năm trước, người dân chia nhau đếm thử, số lượng dơi lên đến hàng ngàn con. Tuy nhiên, vài năm gần đây, đàn dơi đã ít dần. Mặc dù vậy, năm nào chúng cũng di trú, đến và đi khỏi chùa như một quy luật. Xung quanh khu vực dơi sinh sống, người dân trồng khá nhiều cây ăn trái, nhưng chúng không hề phá hoại mà chỉ ăn trái gáo tự nhiên”.
Người dân địa phương cho biết đàn dơi đã quen với cuộc sống ở chùa. Dù có tiếng động hay tiếng ồn, chúng vẫn bám mình trên cành cây cao. Dơi ở đây đã quen với con người và con người cũng không xâm phạm đến chúng.
Chiêm ngưỡng loài dơi quạ
Đứng dưới gốc cây cổ thụ, ngước nhìn những con dơi treo mình trên cành cây, ông Bảy không khỏi tiếc nuối khi nhận thấy số lượng dơi ngày càng giảm. Cách đây khoảng chục năm, dơi đậu kín các cành cây trong vườn chùa, tràn ra cả ngoài cổng, thậm chí trên nóc chánh điện cũng có những khối đen treo lủng lẳng.
Ông Hai No (73 tuổi, người làm thiện nguyện xây nhà tại xã Mỹ Hòa Hưng) tiếp lời: “Chùa có diện tích hơn 1 hecta với rất nhiều cây cổ thụ nên thu hút đàn dơi quạ này. Tôi đã thấy chúng từ khi còn nhỏ. Mỗi khi đàn dơi bay về, chúng tạo thành những đám mây kéo dài rất lâu. Cây xanh sum suê là thế nhưng khi đàn dơi tụ tập về thì chỉ thấy một màu đen kịt của dơi”.
Ông Hai No cho biết thêm, đàn dơi quạ tập trung đông nhất từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Sau đó, nhiều con bay về núi, rừng để sinh sản, chỉ còn lại vài trăm con. Số lượng dơi quạ bay về đậu trên cây cao ngày càng ít dần. Hiện nay, đàn dơi được người dân yêu mến và bảo vệ.
“Tiếng kêu của bầy dơi nghe rất vui tai. Buổi sáng, đàn dơi bay rợp trời đón nắng rất đẹp. Chiều tối, chúng bay đi kiếm ăn. Thức ăn của loài dơi này chủ yếu là trái gáo trắng trên đồng”, ông Hai No nói.
Một điều kỳ lạ là dù vườn nhà dân có nhiều cây ăn trái xum xuê nhưng dơi lại không bao giờ đậu ở đó mà chỉ đậu ở khuôn viên chùa. Vào những buổi trưa nóng nực, chúng vỗ cánh náo động cả khu chùa. Khách tham quan chùa Dơi phần lớn cũng vì sự kỳ lạ này.
Anh Thanh Sang (ngụ tại Cần Thơ), một người am hiểu về loài dơi, cho biết dơi ở chùa là dơi quạ, một loài dơi cực kỳ hiếm, và việc bảo vệ chúng là vô cùng cần thiết.
“Dơi quạ là loài dơi lớn nhất ở Việt Nam. Dơi mới sinh đã có sải cánh dài 50cm. Dơi trưởng thành có sải cánh khoảng 1,5m, nặng 1kg. Một số con dơi chúa rất lớn, nặng tới 1,5kg và sải cánh lên đến 1,7m. Những con dơi chúa bay lượn trên trời vào lúc chạng vạng trông như những bóng ma. Loài dơi này không có chân mà chỉ có móng ở cánh để bám vào thân cây. Mỗi năm chúng chỉ đẻ một lứa và duy nhất một con vào mùa mưa tháng Sáu. Chúng không làm tổ mà ôm con suốt ngày đêm trong 3-4 tháng cho đến khi con non biết bay và tự đi kiếm ăn”, anh Sang phân tích.
Dơi quạ có tên khoa học là Acerodon jubatus. Đây là loài động vật có vú quý hiếm trong danh mục cần được bảo vệ của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Quốc tế (CITES). Mặc dù dơi quạ có thể phát triển tới khối lượng 1,6kg và sải cánh dài 1,7 mét (cổ màu cam, thân màu đen tuyền bóng mượt) nhưng chúng không phải là những sinh vật ì ạch và chậm chạp. Thức ăn của loài dơi quạ là trái cây. Khi đậu trên cành cao, dơi treo ngược đầu xuống đất, 2 cánh ôm choàng toàn thân để tránh mưa, nắng.