Đó là thông tin phát đi từ Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021 được tổ chức tại TP.Cần Thơ từ ngày 14 - 16.4.
Trong năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy lĩnh vực sản xuất thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngành tôm được xác định là một trong những ngành hàng phát triển mang tính chiến lược của nền kinh tế.
Năm 2018, Thủ tướng đã ký ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”. Mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành sản xuất công nghiệp lớn, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.
Theo các chuyên gia, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy hiện cả nước có hơn 200.000 hec-ta nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh ĐBSCL là Bạc Liêu và Sóc Trăng với khoảng 186.000 hec-ta.
Hai địa phương này được doanh nghiệp nước ngoài tập trung nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, toàn ngành đạt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 hec-ta, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỉ USD.
Với tốc độ tăng trưởng 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính tới năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất, chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỉ USD vào năm 2045.