Gạo, cà phê, thanh long, tôm... đã có những lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA mà không mất một đồng tiền thuế.
Loạt mặt hàng đã được hưởng thuế 0%
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã có hiệu lực thực thi từ ngày 1.8 vừa qua. Theo đó, việc thuế ưu đãi xuất khẩu về 0% đang được cho là mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản Việt chinh phục thị trường quy mô GDP 18.000 tỉ USD/năm.
Với mặt hàng tôm, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU như tôm nguyên liệu đông lạnh sẽgiảm từ mức 12 - 20% xuống 0%. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành tôm Việt Nam để phục hồi sau COVID-19. Một nhà máy chế biến tôm ở Ninh Thuận đã có lô tôm đầu tiên xuất khẩu sang EU.Tôm xuất khẩu là lô tôm thẻ chân trắng, làm theo tiêu chuẩn ASC (là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm), xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Anh với tổng trọng lượng 60 tấn. Bắt đầu từ hôm nay, mỗi thángnhà máy này sẽ xuất khoảng 700 tấn tôm sang EU.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đơn hàng tôm tháng 8 của Việt Nam đã tăng 10%, xuất khẩu tăng 20%. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành tôm đang có cơ hội bứt phá ngoạn mục nhờ EVFTA. Dự báo cho thấy Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỉ USD trong năm nay.
Dự kiến vào ngày 16 và 17.9, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như: cà phê, chanh leo, thanh long... sẽ xuất khẩu những lô đầu tiên vào thị trường EU. Với cà phê, EU sẽ xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 - 11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ giảm 9 - 12% xuống 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1.8.
Trước đó vào cuối tháng 8, Việt Nam cũng đã có lô gạo đầu tiên sang EU với khối lượng khoảng 150 tấn gạo được hưởng thuế suất 0% với giá bán từ hơn 600 USD/tấn đến trên 1.000 USD/tấn. Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn với thuế suất 0% gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm. Riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau 3-5 năm.
Trong khi đó, các mặt hàng rau và quả tươi của Việt Nam cũng được đánh giá đang khá rộng cửa vào thị trường EU kể từ ngày 1.8, khi mà thị trường này cam kết gần như xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế cho rau quả và các chế phẩm từ rau quả của Việt Nam. Trong tháng 8 vừa qua, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU cũng ước tính đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
EVFTA - "đường cao tốc" không mất phí
Hiệp định EVFTA được xem là "đường cao tốc" giúp các mặt hàng của Việt Nam vào châu Âu không phải mất một đồng tiền thuế. Tuy nhiên, là một đối tác lớn khi phải dỡ bỏ những quy định ngặt nghèo về thuế thì phía EU cũng có những đòi hỏi tương xứng về chất lượng sản phẩm để được lưu thông tại thị trường này.
Đương nhiên, điều đầu tiên phía EU quan tâm đó là việc phát triển bền vững, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cần phải đảm bảo tính bền vững về mặt môi trường, về mặt lao động. Thứ hai là vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm (SPS). Do vây, khi hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng thủy sản xuất khẩu vào EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sinh học, hóa học...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị cao. Quan hệ thương mại giữa EU và Việt có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp. EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới mà thị trường EU cần.
"Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu được năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Tất cả điều đó nghe có vẻ khó nhưng khi đáp ứng được thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn không chỉ ở thị trường EU mà còn thành công ở các thị trường khác", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cho biết một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.
Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Trong khi đó, Bộ NN-PTNT cũng đánh giá sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8 vừa qua là 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7.