Giá trị của kiến trúc Pháp tại Việt Nam đã được khẳng định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một.
Cụ thể là nhiều công trình bị thay tên đổi chủ, chưa kịp thời được xếp hạng để đưa vào danh mục bảo tồn nên bị phá dỡ không thương tiếc. Nhiều người lo ngại chỉ trong vài chục năm nữa di sản kiến trúc thời Pháp sẽ phai màu không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều TP khác.
Ứng xử với di sản chưa có danh hiệu
Ở Hà Nội, rất nhiều công trình hơn trăm năm tuổi, tuy chưa được kiểm kê, đưa vào danh mục Di tích lịch sử - Danh thắng ở các địa phương, nhưng rõ ràng giá trị lịch sử, kiến trúc là không thể phủ nhận. Ví dụ như cây cầu Long Biên có tuổi đời hơn 100 năm nối hai bờ sông Hồng: Cầu Long Biên được hãng Daydé & Pillé thiết kế giống với kiểu dáng của cây cầu Tolbiac (cây cầu bắc qua sông Seine, Paris). Cầu dài 2.290 m qua sông và phần cầu dẫn dài 896m với 19 nhịp dầm đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m và phần đường đi xây bằng đá.
Cầu Long Biên là một trong những di sản đặc trưng thời Pháp để lại. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử Thủ đô suốt hơn 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh của người dân Thủ đô.
Thế nhưng, đã có một thời kỳ (cách đây hơn chục năm), câu chuyện di dời cây cầu được đặt ra với tư duy của những người chỉ coi cây cầu đơn thuần là một công trình giao thông. Thời điểm ấy, nếu không có sự lên tiếng của dư luận, các nhà nghiên cứu và người yêu di sản, số phận cây cầu lịch sử không biết đi về đâu.
Không chỉ có cầu Long Biên từng đứng trước nguy cơ mấp mé bị tháo bỏ, ở nhiều TP khác như TP.HCM, Quảng Ninh, Nam Định… đều đã từng rơi vào cảnh dự định xóa bỏ công trình di sản Pháp vì: Các công trình này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao nên không đưa vào bảo tồn.
Ví như câu chuyện dỡ bỏ Nhà máy kẽm Quảng Yên (Quảng Ninh) năm 2017 cũng khiến dư luận bức xúc. Nhà máy kẽm Quảng Yên do người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Công trình ống khói được đánh giá là công trình kiến trúc kỳ vĩ. Thế nhưng, di sản này nằm trên “đất vàng” nên câu chuyện dỡ bỏ để nhường cho các công trình hiện đại cũng được đặt ra.
May mắn thay, cũng nhờ tiếng nói của dư luận và các nhà khoa học với mong mỏi “giữ nhà máy kẽm Quảng Yên như một di sản”. Hay năm 2020 dư luận cũng từng nóng lên với sự vụ “xóa sổ” công trình kiến trúc cổ hơn 150 năm tuổi mà người dân TP.HCM quen gọi là Dinh Thượng Thơ.
Công trình số 59 - 61 Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) gần 130 tuổi từng là Dinh Thượng Thơ vốn được sử dụng làm trụ sở của Sở TT&TT và Sở Công Thương TP.HCM được đề xuất đập bỏ để nhường chỗ cho công trình mới. Khi vấp phải ý kiến không đồng thuận của dư luận, một lãnh đạo Sở QH-KT TP.HCM cho rằng vì công trình chưa được đưa vào danh mục di sản nên chưa cần thiết phải bảo tồn.
Tuy nhiên, sau sự lên tiếng của công luận, UBND TP.HCM đã lấy ý kiến Nhân dân và đồng thuận phương án bảo tồn, cải tạo Dinh Thượng Thơ thành nhà truyền thống UBND TP.HCM.
Thế mới thấy câu chuyện xung đột giữa bảo tồn và phát triển ở các công trình di sản thường xuyên xảy ra như cơm bữa. Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề khó khăn trong bối cảnh đô thị hóa ở mọi quốc gia và ứng xử như thế nào với những di sản chưa có danh hiệu này là bài toán không dễ giải.
Bảo tồn chưa theo kịp phát triển
Đánh giá về công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp ở nước ta, TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng) cho rằng “chưa hoàn chỉnh”. Bởi, có rất nhiều công trình thuộc sở hữu bởi nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức, tư nhân… khác nhau. Và những chủ sở hữu này chưa hiểu hết về những giá trị của di sản.
Ngoài ra, có rất nhiều công trình kiến trúc chưa được xếp hạng. Nên theo thời gian dài sử dụng, sang tên đổi chủ… hầu hết các công trình đều bị biển đổi, thay đổi so với ban đầu, thậm chí có những công trình đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.
Có thể thấy, công tác bảo tồn hiện nay chưa theo kịp được cái sự phát triển đô thị của xã hội. Dù Hà Nội đã có một danh sách các công trình trước năm 1954 là công trình công cộng để đưa vào kế hoạch bảo tồn, tôn tạo. Đồng thời cũng có danh sách các biệt thự được chấm điểm, xếp hạng để bảo vệ, duy tu. Tuy vậy, hiệu lực quản lý thì còn yếu kém, chưa tốt. Hơn hết, khó khăn lớn nhất mà chúng ta gặp phải là sự rà soát, kiểm tra còn chưa được sát sao.
Dẫn đến việc quản lý các công trình, di sản… chưa thực sự thống nhất. Cuối năm 2021, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội, Việt Nam) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Paris (PRX - Cộng hòa Pháp) tổ chức trưng bày dự án bảo tồn biệt thự cổ số 49 phố Trần Hưng Đạo. Dự án bảo tồn căn biệt thự cổ này hiện đang được Hà Nội và vùng Ile de France lên phương án cải tạo. Tuy nhiên, các dự án này còn chưa được thực hiện nhiều.
Theo KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Việc bắt đầu hiểu và bảo vệ các di sản Pháp dù muộn màng nhưng thực sự cần thiết. Để di sản kiến trúc thời Pháp không bị mai một, vấn đề cấp thiết đề ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá hủy, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị.
Giữ được những giá trị vật thể và phi vật thể của di sản kiến trúc thuộc địa Pháp trong thời gian lâu dài. Phát huy giá trị di sản kiến trúc thuộc địa Pháp về các mặt xã hội, kinh tế và môi trường, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững.
Giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản.
Việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng trong quá trình bảo tồn, sẽ tạo sự minh bạch về thông tin và lòng tin trong quá trình xây dựng chính sách, quy chế bảo tồn, các dự án bảo tồn. Người dân và tổ chức gắn với khu vực di sản cũng như các tổ chức và chuyên gia bảo tồn cần được tham vấn trong toàn bộ quá trình bảo tồn.
"Đối với thiên nhiên, khí hậu của ta, trình độ xây dựng và vật liệu xây dựng xưa kia không giống bây giờ, vì vậy, công tác bảo tồn các công trình dù cách chúng ta mới hơn 100 năm cũng phải được chú trọng và do những người có chuyên môn sâu thực hiện để bảo tồn đúng giá trị của nó. Về mặt con người, chúng ta phải có môi trường giáo dục để tăng cường nhận thức của người dân để cùng nhau bảo tồn những giá trị về mặt kiến trúc của TP."
Bùi Trí Luyện - Giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
"Việc chính quyền TP Hà Nội phối kết hợp với các tổ chức nước ngoài để duy tu, cải tạo các công trình cổ vẫn được diễn ra thường xuyên. Nhưng sự tài trợ từ nước ngoài và kinh phí có hạn, do đó trong vòng 10 năm qua, số lượng các công trình được bảo tồn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, điển hình như tại quận Hoàn Kiếm - nơi có Ban Quản lý phố cổ, trong suốt thời gian qua đã tu bổ, gìn giữ được một số công trình hết sức trân quý như phố Tạ Hiện, Hội quán Quảng Đông, đình Kim Ngân, Trung tâm văn hóa Đào Duy Từ…"
TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng)