Ngày 26.9, tại phiên họp thường trực của UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở VH-TT thừa nhận: Khu biệt thự cổ lầu Bảo Ðại đến nay vẫn chưa được lập hồ sơ di tích, dù từ năm 1995, nơi đây đã được công nhận là “Danh lam thắng cảnh biệt thự Cầu Ðá” của tỉnh.
Ông Hà cho biết, di tích này được giao cho 4 đơn vị quản lý cơi nới, sửa chữa từ năm 1975 đến 2010. Hồ sơ gốc khi triển khai xây dựng từ thập niên 20 của thế kỷ 20 thì Sở Xây dựng lại không lưu trữ. Đồng thời hiện nay cũng đang triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại do Tổng Công ty Khánh Việt và Tập đoàn Hà Đô đồng chủ đầu tư. Do đó, tiến độ lập hồ sơ di tích gặp nhiều khó khăn và cần thời gian để đảm bảo thủ tục của Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch.
Từ năm 2017 đến nay, Sở VH-TT cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan lập hồ sơ theo Thông tư 9 của Bộ. “Sở đã kiểm kê các hiện vật, hồ sơ lập bản thiết kế di tích. Sau khi chuẩn bị xong các hồ sơ này, Sở sẽ báo cáo và xin quyết định của UBND tỉnh về việc xếp hạng hồ sơ”, ông Nguyễn Khắc Hà khẳng định trước cuộc họp.
Khu di tích Bảo Đại nằm trên đồi Cảnh Long, nhìn ra vịnh Nha Trang với cụm 5 toà biệt thự cấu trúc kiểu Pháp đặc trưng. Những năm 1940 -1945, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương thường lui tới thưởng ngoạn, nghỉ ngơi. Năm 1995, danh lam thắng cảnh biệt thự Cầu Đá (TP Nha Trang), gồm khuôn viên 5 biệt thự cổ, thường gọi là lầu Bảo Đại.
Năm 2011, Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà là pháp nhân mới triển khai thực hiện Dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại. Tuy nhiên, hai chủ đầu tư đã bị Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa xử phạt vì hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không đúng với giấy phép đã cấp.
Nhưng chủ đầu tư của dự án phớt lờ và tiếp tục cho xây dựng nhiều công trình trái phép trên Khu di tích Bảo Đại, gây bức xúc cho dư luận. Toàn bộ khung cảnh, cấu trúc nguyên thủy bị phá hủy, chủ đầu tư cho xây vượt ngoài mức quy định của dự án. Di tích bị cải tạo một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến cảnh quan chung của Khu danh thắng Bảo Đại. Thậm chí, theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, có nhiều hiện vật bị mất gồm một ghế inox mạ đồng trong biệt điện Nghinh Phong, hai bộ bàn ghế bằng gỗ và bằng inox mạ đồng trong lầu Vọng Nguyệt.
Dự án mới đè di tích?
Ngày 10.9, đoàn công tác của HĐND tỉnh Khánh Hòa do ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đến khảo sát Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Đáng nói, đến nay chủ đầu tư là Tổng Công ty Khánh Việt và Tập đoàn Hà Đô vẫn chưa có giấy phép xây dựng.
Về việc này, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết, sở đã cấp giấy phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật, buộc chủ đầu tư phải thực hiện theo. Nhưng qua kiểm tra, chủ đầu tư đã làm không đúng theo giấy phép đầu tư hạ tầng nên sở đã báo cáo với UBND tỉnh đề nghị đình chỉ.
Hơn hết, dự án này còn cho xây nhiều công trình phá vỡ cảnh quan như nhà Hội nghị phía tây nam, làm cho toàn bộ dải cây xanh bị tàn phá. Công trình này đã bị Sở Xây dựng yêu cầu ngừng triển khai. Sở Xây dựng mới chỉ cho cấp phép về hạ tầng chứ chưa cấp phép về xây dựng.
Theo ông Dẽ, quy mô đầu tư của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại gồm 5 khu biệt thự hiện hữu, xây mới 5 nhà khách 5 tầng với quy mô 108 phòng và nằm dọc theo sườn núi, tầng cao nhất không quá lầu Vọng Nguyệt và cho xây mới 36 căn biệt thự cao cấp.
Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở VH-TT Khánh Hòa nêu quan điểm: “Di tích lịch sử thì phải bảo tồn nhưng cũng phải được phát huy để thu hút khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng”. “Sau khi dự án này hoàn thành sẽ được phủ cây xanh, nên không đến nỗi phải gọi là phá vỡ cảnh quan”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết, theo đồ án quy hoạch tổng thể, bảo tồn và phát huy Vịnh Nha Trang (UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt năm 2011 và được Bộ VH-TT&DL thống nhất), xác định khu vực này được quy hoạch thành khu resort hiện đại, thân thiện với môi trường.
Theo Lâm Chiêu Tranh/Tiền Phong