Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng cam kết đến cuối năm 2020 Trung Quốc sẽ xóa sạch cái nghèo và sẽ trở thành một "xã hội khá giả toàn diện", nhưng dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đang thách thức lời hứa của ông.

Dịch Covid-19 thách thức lời hứa xóa nghèo của ông Tập Cận Bình

21/02/2020, 06:16

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng cam kết đến cuối năm 2020 Trung Quốc sẽ xóa sạch cái nghèo và sẽ trở thành một "xã hội khá giả toàn diện", nhưng dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đang thách thức lời hứa của ông.

Nông dân Trung Quốc chưa thể thoát nghèo - Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 20.2, cơn dịch đã làm chết hơn 2.000 người và đã lan rộng gần như toàn Trung Quốc, nhiều thành phố bị phong tỏa để kiểm soát dịch, các vùng nông nghiệp bị tác động và hoạt động kinh tế đô thị của Trung Quốc lâm tình trạng tê liệt, đẩy những người dân quay lại thời nghèo khó.

Theo báo SCMP, dịch Covid-19 tác động mạnh nhất đến người nghèo ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cũng như chuyên gia đều cảnh báo nó gây tai hại cho lời hứa xóa nghèo của ông Tập.

Tờ báo Hồng Kông dẫn lời nhân vật số 4 của Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc (Chính Hiệp) Uông Dương ngày 18.2 đã nói với một số cố vấn chính trị rằng cơn dịch là “nguyên nhân số 1” tác động đến lời hứa của ông Tập.

Ông Uông đề nghị các cố vấn tìm hiểu nguy cơ dịch sẽ làm hỏng nỗ lực xóa nghèo ở các vùng nghèo. Tân Hoa Xã dẫn lời ông: “Chúng ta phải giám sát cán bộ địa phương trong việc hỗ trợ tài chính và chính sách cho các vùng này, cũng như cho những người bị tác động mạnh bởi đại dịch, nhằm không để người dân tái nghèo bởi dịch”. Bộ Tài chính và cơ quan phụ trách xóa nghèo của chính quyền trung ương cũng đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiên xem trọng chỉ đạo của ông Uông.

Theo Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, đến cuối năm 2019 vẫn còn 5,5 triệu người dân nghèo ở vùng nông thôn, giảm nhiều so với 99 triệu người nghèo năm 2012. Nhưng dịch Covid-19 đã khiến mảng giao thông và sản xuất ở xí nghiệp bị tê liệt ở nhiều vùng. Các biện pháp kiểm dịch nghiêm khắc, như đặt rào chắn chặn đường vào thôn làng, đã bị coi là dạng “ngăn sông cấm chợ” khiến việc buôn bán, cung ứng nông sản bị ách tắc, cũng như lao động nhập cư không thể từ quê trở lại nơi làm việc.

Nếu dịch kéo dài đến mùa hè?

Các nhà quan sát cảnh báo nếu dịch Covid-19 kéo dài đến mùa hè năm nay thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu xóa nghèo mà ông Tập đã cam kết.

Điều đó có nghĩa đa số nông dân sẽ mất cơ hội nuôi trồng và bán gia súc, nông sản trong mùa xuân này. Ông Dư Thiếu Tường, chuyên gia về an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói đa số cán bộ địa phương lo mảng xóa nghèo sống ở nông thôn, và kế sinh nhai của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp chống dịch của chính quyền địa phương.

Ông Tường cũng ghi nhận trường hợp người chăn nuôi gia cầm phải chôn rất nhiều gà vì không thể mua thức ăn nuôi chúng. Nông dân thì không có cách nào bán được quýt và dâu tây nên trái cây bị thối rữa. Theo một diễn đàn mạng giúp nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch, có tới hàng triệu triệu tấn nông sản, gồm cả táo, hạt dẻ, dâu tây... chất đống tại các làng nông thôn hôm 19.2.

Ông Dư kêu gọi toàn Trung Quốc lập một mạng lưới “giải cứu” đạt chuẩn, để bảo đảm an toàn cho người già, trẻ em và các cộng đồng thiểu số sống ở những vùng có điều kiện khắc nghiệt về địa lý.

Cộng đồng thiểu số chưa được "giải cứu" khỏi cái nghèo - Ảnh: SCMP

Giáo sư kinh tế học Hồ Tinh Đầu cho rằng dịch Covid-19 đang đẩy nhiều người lâm cảnh nghèo vì tình trạng thất nghiệp cao, kinh tế nông nghiệp bị tê liệt, cùng các khoản chi phí y tế nặng nề do dịch gây ra.

Ông Đầu nói: “Đa phần các chính quyền vùng nông thôn vẫn xem chống dịch là mục tiêu chính trị hàng đầu của họ. Nhiều lao động nhập cư chưa thể trở lại làm việc, bất chấp việc chính phủ đã ra lệnh khôi phục sản xuất. Nếu dịch kéo dài đến hè, nó sẽ làm tê liệt nghiêm trọng mục tiêu xóa nghèo, đạt đến xã hội khá giả toàn diện trong năm nay”.

Tình trạng này khiến có nhận định rằng Covid-19 có thể “chôn vùi” cam kết của ông Tập hồi cách đây 5 năm, rằng đến cuối năm 2020 Trung Quốc kết thúc công cuộc xóa nghèo và trở thành một “xã hội khán giả toàn diện”.

Nhưng trong hai tuần qua, ông Tập đã nhiều lần nói Trung Quốc sẽ vẫn theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2020, vì tác hại của dịch sẽ chỉ là ngắn hạn. Ông Tập cũng đã yêu cầu các địa phương trong lúc chống dịch Covid-19 vẫn phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu Trung Quốc trở thành “xã hội khá giả toàn diện”, phải hạn chế các biện pháp chống dịch cực đoan ảnh hưởng kinh tế.

Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 18.2, ông Tập lại nói tác hại của Covid-19 chỉ là “tạm thời” và Trung Quốc “vẫn có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội”, theo Tân Hoa Xã.

Trung Quốc sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?

Vẫn theo SCMP, dịch Covid-19 có thể khiến Quốc hội Trung Quốc (NPC) phải lùi kỳ họp toàn thể hằng năm cho đến chí ít cuối tháng 3 hoặc thậm chí đến đầu tháng 4 tới.

Việc này nhồi thêm sự phức tạp và bất ổn cho cách Bắc Kinh điều hành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, phản ánh sự mâu thuẫn cố hữu giữa một guồng máy “chỉ đạo từ trên xuống” với một thế giới đang thay đổi rất nhanh.

Trung Quốc thường có kế hoạch nhà nước do trung ương quyết định, đặt ra các mục tiêu tăng trưởng GDP, kế hoạch cho kinh tế quốc gia trong năm kế tiếp, ở Hội nghị Công tác kinh tế trung ương. Cuộc họp kín hằng năm này có sự tham dự của các ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), bàn và quyết các mục tiêu tăng trưởng GDP rồi chuyển thành báo cáo chính phủ nhằm trình bày tại kỳ họp NPC, như dự kiến thì sẽ diễn ra từ ngày 5.3 tới.

Thường thì các đại biểu NPC nhất trí phê duyệt mục tiêu vốn do cấp cao nhất của CPC đã quyết từ trước kỳ họp này những mấy tháng. Về kỹ thuật, dữ liệu mục tiêu phấn đấu là một con số bí mật cho đến khi chính thức công bố, nhưng thực tế thì các lãnh đạo cấp cao đã được thông báo nội bộ.

Có thông tin rằng Hội nghị Công tác kinh tế trung ương hồi tháng 12.2019 đã quyết định hạ thấp tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5% của năm 2019 xuống còn 6% trong năm 2020. Hiện tỷ lệ tăng trưởng năm 2019 là 6,1%, theo SCMP.

Trong khi ông Tập vẫn tin vào các chỉ đạo chính sách và tầm nhìn “xã hội khá giả toàn diện” từ năm 2020, thì các nhà phân tích nói chính quyền Trung Quốc nên linh động chỉnh sửa các chính sách kinh tế chuyên đề và mục tiêu để phản ứng với cơn dịch.

Một báo cáo của 17 quan chức cấp cao và các nhà kinh tế học do cựu Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc (PBBC) Ngô Hiểu Linh đứng đầu đã nhận định Trung Quốc nên tăng thâm hụt tài khóa lên 3,5% GDP trong năm nay, phá bỏ mức hạn chế 3%, để hỗ trợ nền kinh tế. Trung Quốc cũng cần phát hành trái phiếu đặc biệt ngàn tỉ nhân dân tệ (142 tỉ USD) để giúp tăng trưởng.

Báo cáo nói trên thậm chí gợi ý Cục Thống kê nhà nước công bố số liệu tăng trưởng GDP của quý 1/2020 “bằng cách loại bỏ tác động của dịch” nhằm vực dậy lòng tin của thị trường và người dân Trung Quốc.

Ông Trương Diên Sinh, trưởng nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (trụ sở ở Bắc Kinh) nói Trung Quốc có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm cho năm 2020 để phản ứng với dịch Covid-19.

Theo SCMP, Bắc Kinh đang tự thấy mình lâm thế khó, vì nếu cứ giữ khư khư mục tiêu tăng trưởng GDP và thâm thủng tài khóa (được tính bằng tỷ lệ của GDP) thì Bắc Kinh xa rời thực tế mới, khi mức tăng trưởng GDP của quý 1/2020 sẽ rất thấp.

Nhưng nếu điều chỉnh mục tiêu, Bắc Kinh lại có thể phát đi thông điệp mâu thuẫn, vì 29/31 chính quyền cấp tỉnh đã công bố mục tiêu tăng trưởng hằng năm của địa phương, căn cứ theo mục tiêu mà Bắc Kinh đã quyết trước đó.

Ông Tống Hiếu Ngô, cựu Chủ tịch Hiệp hội Cải cách kinh tế Trung Quốc (một tổ chức nghiên cứu nhà nước) nói Trung Quốc nên bỏ mục tiêu tăng trưởng hàng năm 6%, thậm chí bỏ cả mục tiêu tăng gấp đôi tầm cỡ nền kinh tế từ năm 2010 đến năm 2020 - một phần chủ lực trong mục tiêu “xã hội khá giả toàn diện” của ông Tập.

Ông Đinh Sảng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Standard Chartered (Hồng Kông) nói Trung Quốc có thể cứ bám theo mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% cho năm 2020, nhưng Bắc Kinh “cũng sẽ phải chấp nhận một độ lệch lớn hơn so với mục tiêu”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch Covid-19 thách thức lời hứa xóa nghèo của ông Tập Cận Bình