Các vấn đề vĩ mô của kinh tế Trung Quốc đang khá tệ, điển hình là tình trạng nợ xấu, dư thừa công suất, sụt giảm tăng trưởng, và có thể khiến nền kinh tế số hai thế giới rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài.
Nếu tiến hành một cuộc khảo sát về tương lai của kinh tế Trung Quốc về dài hạn bởi một nhóm chuyên gia kinh tế nhất định trên thế giới, có lẽ đa phần sẽ nghiêng về phương án nền kinh tế số hai thế giới nếu không rơi vào khủng hoảng thì ít nhất cũng sẽ gặp một cú sốc mạnh.
Những dự đoán về một cuộc khủng hoảng (chẳng hạn như của George Soros) hay một sự phá giá mạnh mẽ đồng nhân dân tệ (của Kyle Bass – người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007) xuất hiện tràn ngập trên các trang báo quốc tế. Đúng là các vấn đề vĩ mô của kinh tế Trung Quốc đang khá tệ, điển hình là tình trạng nợ xấu, dư thừa công suất và sụt giảm tăng trưởng, và có thể khiến nền kinh tế số hai thế giới rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài, nhưng một cuộc khủng hoảng có lẽ là điều khó có thể xảy ra.
Một tiếng nói khá có trọng lượng của Jim Walker, nhà sáng lập và là kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu Asianomics Ltd tại Hồng Kông, đồng thời là người được bình chọn là nhà kinh tế am hiểu nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong suốt 11 năm qua bởi tạp chí Asiamoney, sẽ cung cấp cho chúng ta một góc nhìn mới về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Jim Walker, khả năng kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng toàn diện và sâu sắc là điều khó có thể xảy ra, nhưng rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài và thậm chí có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình là điều hoàn toàn có thể.
Khác với khá nhiều các nhà kinh tế khác vốn chỉ bắt đầu đưa ra dự đoán kinh tế Trung Quốc có khả năng rơi vào khủng hoảng sau khi tốc độ tăng trưởng của nước này sụt giảm mạnh từ cuối năm 2015 khi chỉ đạt khoảng 6,9% - thấp nhất kể từ năm 1990, thì Jim Walker lại cho rằng thời điểm nguy hiểm nhất với kinh tế Trung Quốc là giai đoạn 2012-2013.
Theo đánh giá của Walker, lẽ ra các vấn đề của kinh tế Trung Quốc phải bắt đầu lộ diện và bùng phát từ cuối năm 2012, và nền kinh tế số hai thế giới sẽ chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 5-5,5% trong giai đoạn 2013-2014 và có thể giảm xuống chỉ còn 3% kể từ năm 2015. Tuy nhiên, theo Walker chính phủ Trung Quốc đã khá thành công trong việc trì hoãn và chỉ để những vấn đề này bùng phát trong năm 2015, điển hình là sự sụp đổ tại thị trường chứng khoán (TTCK) thổi bay khoảng 5.000 tỷ USD và kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2015 chỉ còn 6,9%.
Theo đánh giá của nhà kinh tế đã làm việc tại Hồng Kông hơn 10 năm về tình hình kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương này thì, khả năng kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng như dự đoán của tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros là khó có thể xảy ra. Có hai yếu tố quan trọng nhất có thể ngăn kịch bản tồi tệ đó xảy ra, đó là: quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc, và tỷ lệ tiết kiệm rất cao của người dân trong xã hội nước này.
Cụ thể, với khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỷ USD hiện tại, Trung Quốc có thể đủ khả năng đối phó với bất cứ vấn đề tài chính tầm cỡ nào đi nữa, kể cả một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hay những món nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng ở nước này. Qũy dự trữ lớn này cũng cho phép Trung Quốc tránh được nguy cơ vỡ nợ do tỷ lệ nợ công quá cao, hiện lên tới 245% GDP, của nước này.
Cùng với đó, tỷ lệ tiết kiệm rất cao của người dân Trung Quốc cũng cho phép nước này tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Mỹ thời điểm năm 2007 thì tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao nhất ở nước này cũng chỉ lên tới 17% - một yếu tố cho phép nền kinh tế số một thế giới hồi phục khá nhanh trong giai đoạn sau đó.
Còn ở Trung Quốc thời điểm hiện tại, thì tỷ lệ tiết kiệm ở các gia đình lên tới 49% - một mức rất cao và về lý thuyết có thể giúp kinh tế nước này tránh được một cú sốc về tài chính đột ngột, và giúp duy trì đường cong tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên, tất cả những yếu tố đó chỉ có thể giúp kinh tế Trung Quốc không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện mà thôi, chứ không thể giải quyết các vấn đề vĩ mô đang rơi vào tình trạng ngày càng xấu đi thời điểm hiện tại. Theo Walker, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ còn đạt khoảng từ 3-4% trong hai đến ba năm tới, nếu nỗ lực hơn thì có thể lên đến 5%.
Lý do chủ yếu là vì nền kinh tế đang bước vào giai đoạn thoái trào do chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc làm đang ngày càng ít đi do các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc trong khi nhu cầu hàng hóa trên thế giới giảm đi do kinh tế khó khăn, xu hướng dịch chuyển lao động từ các thành thị về các vùng nông thôn đang tăng lên.
Theo Walker, nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng hình chữ L, nghĩa là sẽ sụt giảm đột ngột khá mạnh theo chiều đi xuống, sau đó dần ổn định lại và duy trì ở một tỷ lệ tăng trưởng thấp theo chiều ngang. Nói cách khác, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì đồ thị tăng trưởng hình chữ L chính là tình trạng mà các nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay mắc phải. Nếu giai đoạn tăng trưởng theo đồ thị chữ L này diễn ra quá lâu, sẽ rất khó để Trung Quốc có thể xốc lại nền kinh tế của mình và đưa đồ thị tăng trưởng theo hướng đi lên.
Nếu kịch bản này xảy ra, Trung Quốc sẽ vẫn là một trong số những nền kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới, nhưng sẽ bị giam hãm trong một giới hạn nhất định và có thể sẽ bị các nền kinh tế khác vượt qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít trường hợp các quốc gia đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong một khoảng thời gian nhất định mà có thể thoát ra khỏi nó được cả, và có lẽ Trung Quốc cũng sẽ là một nạn nhân kế tiếp của chiếc bẫy này.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)