Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran được Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức ký với Iran vào năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì những tranh cãi giữa Tehran và Washington, mà nguyên nhân là xuất phát từ bất đồng quan điểm trong việc thực thi thoả thuận.

Điều gì khiến Mỹ không muốn thực thi Thoả thuận hạt nhân với Iran?

23/09/2017, 20:47

Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran được Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức ký với Iran vào năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì những tranh cãi giữa Tehran và Washington, mà nguyên nhân là xuất phát từ bất đồng quan điểm trong việc thực thi thoả thuận.

Bất đồng quan điểm trong cơ chế giám sát việc thực thi thoả thuận giữa Washington và Tehran khiến Thoả thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ bể

Thoả thuận hạt nhân Iran đứng trước nguy cơ đổ vỡ

Ngược dòng thời gian, ngày 14.7.2015, Iran và Nhóm P5+1 đã ký kết một thoả thuận liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và LHQ áp đặt với Iran sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Tehran phải hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân bị nghi ngờ phục vụ cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Dù thoả thuận được cho là “hai bên cùng thắng”, nhưng tại Mỹ, nhiều người lại không nhìn nhận như vậy, trong đó có tỷ phú Donald Trump. Vì vậy, trong thời gian tranh cử, ứng viên đảng Cộng hoà này liên tục cho rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran là thất bại với Mỹ. Ông Trump nhiều lần lên tiếng sẽ lật ngược những cam kết trong thoả thuận, nếu ông thắng cử.

Và khi nắm quyền lực, vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã không ngừng thể hiện quan điểm cứng rắn với Tehran trong việc thực thi thoả thuận. Thậm chí chính quyền Trump còn nhìn nhận Thoản thuận hạt nhân Iran là “con tin” cho Tehran trong việc thách thức phương Tây khi tăng cường chương trình phát triển vũ khí của mình.

Mới đây, trong bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 72, ngày 19.9, Tổng thống Trump tiếp tục lên án mạnh mẽ Thỏa thuận hạt nhân Iran. Và ngay từ diễn đàn quốc tế này, nhà lãnh đạo tối cao của nước Mỹ chính thức lên tiếng cảnh báo rằng Washington đã sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận lịch sử.

“Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ từng tham gia. Thỏa thuận đó là một sự xấu hổ đối với nước Mỹ. Đã đến lúc cả thế giới cần sánh vai với Mỹ để yêu cầu chính phủ Iran phải chấm dứt theo đuổi sự hủy diệt và chết chóc”, Tổng thống Trump thể hiện quan điểm.

Lập trường gay gắt của Washington nhằm vào Tehran qua bài phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng là động thái đã được giới phân tích dự đoán. Chỉ có điều lập trường cứng rắn ấy sẽ khiến tình hình an ninh Trung Đông, vốn đã rất phức tạp, đứng trước những mối lo và hệ lụy mới.

Tehran cho rằng Washington đang thực hiện những bước đi nhằm làm suy yếu Iran để lấy lòng các đồng minh tại khu vực như Israel và Saudi Arabia. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là người ủng hộ nhiệt tình nhất quan điểm của Tổng thống Trump.

Kết quả hình ảnh cho picture of Trump tell about Agreement for Nuclear of Iran

Ngay tại diễn đàn của LHQ, Tổng thống Trump đã lên tiếng về việc có thể từ bỏ Thoả thuận hạt nhân với Iran

Nhà lãnh lãnh đạo Israel cho rằng Thỏa thuận hạt nhân cần phải được thay đổi theo hướng kéo dài lệnh đóng băng chương trình phát triển hạt nhân trong 10 năm của Iran, hoặc thậm chí là đình chỉ vĩnh viễn và tiêu hủy các lò phản ứng của nước này thay vì chỉ tạm dừng các hoạt động như hiện nay.

Hậu quả khi Thoả thuận hạt nhân Iran bị Mỹ huỷ bỏ

Theo kế hoạch, đến ngày 15.10.2017, chính quyền Trump phải đưa ra chứng cứ xác nhận việc Iran tuân thủ hay không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân để làm cơ sở các bên có thể tiếp tục gia hạn văn bản này. Nếu Washington phủ nhận nỗ lực của Tehran, đồng nghĩa với việc thỏa thuận đứng bên bờ vực đổ vỡ.

Giới phân tích cho rằng, ý định hủy bỏ Thoả thuận hạt nhân Iran của chính quyền Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều rào cản. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh Iran không thực hiện cam kết trong thoả thuận.

Bên cạnh đó, chính Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhiều lần khẳng định rằng, Tehran tuân thủ hoàn toàn các điều khoản đã ký kết. Ngoài ra, quan điểm của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Mới đây, Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini đã nói rõ, không cần thương lượng lại Thỏa thuận hạt nhân Iran - Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Iran và nhóm P5+1, đồng thời cho biết các bên tham gia đều tuân thủ văn bản trên.

Thậm chí, trong tuyên bố ngày 19.9, một số chính trị gia và đại diện giới quân sự châu Âu lập luận rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào của Mỹ gây nguy hại cho Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - châu Âu, hủy hoại uy tín quốc tế của Mỹ, làm giảm niềm tin của Brussels đối với Washington.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy các cơ hội đàm phán ngoại giao để ngăn chặn nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, việc hủy bỏ thỏa thuận với Iran không chỉ kích động bất ổn ở Trung Đông mà còn gây ra hệ lụy với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Nếu điều đó diễn ra sẽ làm giảm lòng tin của các đồng minh khu vực Đông Bắc Á đối với Mỹ, trong khi Washington rất cần điều đó để giải quyết tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng: “Chối bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là một sai lầm chết người”.

Điều khiến Washington không muốn thực thi Thoả thuận hạt nhân Iran?

Ngày 9.9, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Ali Akbar Salehi tuyên bố việc Mỹ từ chối hủy bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đã cho thấy Washington không tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bài phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ tại diễn đàn LHQ càng chứng minh cho nhận định đó. Vậy nhưng điều gì đã khiến chính quyền Trump mong muốn từ bỏ hoặc không muốn thực thi Thoả thuận hạt nhân Iran?

Giới phân tích cho rằng vấn đề nằm ở cơ chế giám sát thực thi thoả thuận hạt nhân lịch sử mà khiến Washington không thể xác lập niềm tin. Điều đó được thể hiện rất rõ qua phát biểu của Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khi đến thăm trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ngày 25.8.

Kết quả hình ảnh cho picture of Trump tell about Agreement for Nuclear of Iran

Thanh sát quân sự Iran là điều kiện tiên quyết của chính quyền Trump trong việc thực thi Thoả thuận hạt nhân Iran

Tại Viena, bà Haley cho biết, Iran không cho phép tiếp cận các cơ sở quân sự, song Thỏa thuận hạt nhân Iran không phân biệt khu vực quân sự và phi quân sự. Vì vậy, Đại diện Mỹ tại LHQ yêu cầu và ủng hộ IAEA sử dụng tất cả các cơ chế nhằm giám sát chương trình hạt nhân của Iran.

Ngay lập tức, Thiếu tướng Hassan Firouzabadi, Cố vấn quân sự của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khameini cho biết, việc quốc tế thanh sát quân sự Iran dưới cái cớ thỏa thuận hạt nhân quốc tế là không thể chấp nhận. Theo Tướng Firouzabadi, Thỏa thuận hạt nhân Iran cho phép không kiểm tra các cơ sở quân sự của Iran.

Nhà quân sự Iran đã kịch liệt lên án những bình luận của Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley và cho rằng đó là nỗ lực của Washington nhằm hủy hoại Thỏa thuận hạt nhân Iran. Như vậy, mâu thuẫn giữa Washington và Tehran về Thoả thuận hạt nhân Iran chủ yếu xoay quanh vấn đề giám sát thực thi thoả thuận, mà nếu tiến hành sẽ diễn ra các hoạt động thanh sát.

Giới phân tích cho rằng, Tehran phản đối việc thanh sát quân sự của phương Tây là do gần đây các cuộc thanh sát quân sự được thực hiện dưới danh nghĩa quốc tế đều gây mối lo với các quốc gia được đề xuất thanh sát hay tham gia thoả thuận mà thanh sát quân sự là một nội dung trong thoả thuận.

Bởi khi thanh sát, các thanh sát viên bị cho là luôn phải "vượt rào" các nội dung được quy định thanh sát, khiến cho nhiều bí mật quốc gia bị phơi bày, đưa chủ quyền quốc gia đối mặt nguy hiểm và có thể dẫn đến việc vũ lực được dùng để lật đổ một chính quyền. Bài học Iraq, Libya vẫn còn nóng hổi.

Tuy nhiên, người Mỹ không phải không có lý, mà sơ hở của chính quyền Obama trong Thoả thuận tiêu huỷ vũ khí hoá học của Syria năm 2013 là cơ cở cho lập trường của chính quyền Trump về Thoả thuận hạt nhân Iran. Đó là một một bài học cho Washington trong việc “đặt niềm tin không kiểm chứng”.

Hậu quả là đến nay không một tổ chức quốc tế hay một thực thể chính trị nào có thể đưa ra kết luận chính xác việc chính quyền Syria còn sở hữu vũ khí hoá học hay không. Bởi khối lượng 1.300 tấn vũ khí hoá học bị tiêu huỷ hoàn toàn dựa trên số liệu Damascus cung cấp. Không có thanh sát.

Và đó cũng là nguyên nhân khiến Mỹ và phương Tây luôn mâu thuẫn với Nga về vấn đề vũ khí hoá học được sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Syria. Rõ ràng, Tổng thống Trump không muốn rơi vào cảnh "phải hành động trong tư thế bị bịt mắt" như vụ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria.

Do vậy, trước cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson vẫn lặp lại quan điểm của Washington rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran cần thay đổi theo hướng tăng cường các hoạt động giám sát bổ sung, ngăn chặn nguy cơ từ các chương trình vũ khí của Tehran.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều gì khiến Mỹ không muốn thực thi Thoả thuận hạt nhân với Iran?