Nếu Trái đất nóng lên thêm 2,5°C so với thời tiền công nghiệp, sẽ có 30% số loài đối diện nguy cơ biến mất đột ngột trên ít nhất 1/3 phạm vi phân bố địa lý hiện tại của chúng.
Kiến thức - Học thuật

Điều gì sẽ xảy ra với muôn loài nếu Trái đất nóng thêm 2,5°C?

Anh Tú 12/12/2023 17:00

Nếu Trái đất nóng lên thêm 2,5°C so với thời tiền công nghiệp, sẽ có 30% số loài đối diện nguy cơ biến mất đột ngột trên ít nhất 1/3 phạm vi phân bố địa lý hiện tại của chúng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh COP28, khi chúng ta thảo luận về cuộc khủng hoảng khí hậu ở Dubai (UAE), sự đa dạng của sự sống trên Trái đất đang ở thế rất bấp bênh, có thể dễ dàng bị lật nhào.

Cho đến nay, Trái đất đã ấm lên thêm khoảng 1,2°C so với thời tiền công nghiệp. Nhiều động-thực vật đã phải đối mặt với những điều kiện ngày càng không thể chịu đựng được, khiến một số quần thể chết đi hoặc co lại ở những vùng mát mẻ nhất trong phạm vi phân bố của chúng. Ở tất cả các hệ sinh thái và khu vực, từ đỉnh núi đến độ sâu đại dương, sự đa dạng sinh học đang cảm nhận được sức nóng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Nếu kế hoạch của tất cả các quốc gia nhằm cắt giảm khí thải được thực hiện, thế giới vẫn có nguy cơ bị nóng thêm lên ở mức 2,5 - 2,9°C vào cuối thế kỷ này. Nếu vậy, hãy tưởng tượng các loài đang bị đe dọa cấp thiết sẽ đối phó như thế nào trong những thập niên tới.

Gần đây, Alex Pigot - chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và môi trường (Đại học London, Anh) đã tiến hành khảo sát ở khu vực mà các loài tiếp xúc với nhiệt độ có khả năng gây nguy hiểm. Pigot muốn tìm hiểu xem các quần thể này sẽ đối phó như thế nào từ năm này sang năm khác, từ nay đến cuối thế kỷ khi Trái đất nóng lên với tốc độ như hiện nay.

Pigot và một số đồng nghiệp đã kết hợp dự đoán từ các phần mềm khí hậu với dữ liệu về sự phân bố địa lý của hơn 35.000 loài trên mặt đất và dưới đại dương. Họ nhận thấy rằng các khu vực mà mỗi loài sẽ phải tiếp xúc với nhiệt độ không thể chịu đựng được, có thể sẽ tăng đột ngột trong những thập niên tới.

Hầu hết quần thể động vật ban đầu có thể có vẻ an toàn. Nhưng sau đó, khi ngưỡng của sự nóng lên toàn cầu bị vượt qua, nhiều quần thể động vật trên các khu vực rộng lớn sẽ dồn dập đối mặt với điều kiện môi trường không thể chịu đựng được.

Trong số các quần thể của một loài được dự đoán sẽ gặp nguy hiểm trong thế kỷ này, họ nhận thấy rằng hơn một nửa sẽ chuyển từ nơi tương đối an toàn sang cảnh phải đối mặt với sức nóng nguy hiểm chỉ trong vòng một thập niên.

Thực ra, kịch bản này đã diễn ra với các rạn san hô. Chỉ vài thập niên trước, hiện tượng san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao rất hiếm xảy ra và nếu có thì chỉ diễn ra cục bộ. Ngày nay, những sự kiện làm suy thoái các rạn san hô xuất hiện gần như hằng năm trên phạm vi toàn cầu.

Theo các phần mềm dự đoán, rủi ro đối với các loài gia tăng đột ngột một phần là do tốc độ Trái đất nóng lên nhanh chóng. Khi kết hợp với sự biến đổi tự nhiên của khí hậu (El Nino là ví dụ), sự nóng lên có xu hướng làm tăng nhiệt độ khu vực một cách đột ngột thay vì tăng từ từ như một đồ thị trơn.

Nghiên cứu của nhóm Pigot chỉ dự đoán địa điểm và thời điểm các loài sẽ tiếp xúc với điều kiện có thể không phù hợp với chúng, chứ không đưa ra kết luận liệu chúng có bị tuyệt chủng hay không và khi nào. Tuy nhiên, kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng thay vì các loài dần dần tiến đến tuyệt chủng, biến đổi khí hậu có thể khiến quần thể các loài cũng như hệ sinh thái của chúng sụp đổ một cách đột ngột, không thể phục hồi.

Điều này làm phức tạp thêm nhiệm vụ vốn đã khó khăn trong việc bảo tồn và kiểm soát đa dạng sinh học trên Trái đất. Công trình nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ và thành lập hệ thống cảnh báo sớm để dự đoán chính xác vị trí và thời điểm mà ngưỡng nóng lên nguy hiểm sẽ vượt qua sức chịu đựng của các loài ở từng khu vực khác nhau.

Khi nhìn ở quy mô toàn hành tinh này, rủi ro đối với đa dạng sinh học tăng liên tục cùng với mức độ nóng lên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C (mục tiêu của thỏa thuận chung Paris 2015) sẽ khiến 15% số loài có nguy cơ biến mất đột ngột trên ít nhất 1/3 phạm vi phân bố địa lý hiện tại của chúng. Tuy nhiên, con số này tăng gấp đôi, lên 30% số loài nếu tốc độ nóng lên hiện nay vẫn duy trì (vào cuối thế kỷ 21 sẽ đạt mức nóng thêm lên 2,5°C so với thời tiền công nghiệp).

Khi ngưỡng nhiệt của nhiều loài ngày càng bị vượt qua, khả năng thích ứng của các hệ sinh thái sẽ giảm đi. Khi tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng có thể vượt quá khả năng thích ứng của hầu hết các loài, kết quả của nhóm chỉ ra rằng không có mức độ nóng lên nào là an toàn đối với đa dạng sinh học của Trái đất.

Ngay cả giới hạn tăng 2°C so với thời tiền công nghiệp cũng không phải là giới hạn an toàn. Việc giảm mức độ nóng lên được thêm chút nào đó đều có tác dụng hạn chế sự mất mát và thiệt hại về đa dạng sinh học tương ứng.

Việc vùi đầu vào cát, nhắm mắt trước thực tế sẽ không làm thay đổi các giới hạn sinh học là khuôn thước chi phối sự sống trên Trái đất mà điều đó chỉ làm mọi thứ nhanh chóng sụp đổ. Con người cần đối mặt và xử lý chúng trước khi quá muộn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều gì sẽ xảy ra với muôn loài nếu Trái đất nóng thêm 2,5°C?