Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (Công an TP.HCM) đang tiến hành điều tra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC.

Điều tra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC

thanhnien | 03/12/2018, 08:47

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (Công an TP.HCM) đang tiến hành điều tra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC.

Nguồn tin củaThanh Niênngày 2.12 cho biết, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) đã tiếp nhận tài liệu thanh tra, đang tiến hành điều tra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Trước đó, ngày 23.10, trong văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM về kết luận thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty IPC, đã yêu cầu các cơ quan chức năng chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT để làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trụ sở IPC tại Q.7 (TP.HCM) nơi đã xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Có dấu hiệu nhóm lợi ích

Một trong những sai phạm nghiêm trọng mà cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, đó là việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại các công ty thành viên, điển hình là tại HIPC.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM, HIPC có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, trong đó IPC sở hữu hơn 60%, tương đương hơn 182 tỉ đồng. IPC đã chỉ đạo biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm tháng 12.2016, làm giảm tỷ lệ sở hữu của IPC từ hơn 60% xuống còn hơn 40%.

Kết luận thanh tra khẳng định “việc xác định Công ty Tuấn Lộc là cổ đông chiến lược, là không có cơ sở pháp lý. Giá bán chỉ định cho Công ty Tuấn Lộc thấp hơn giá trị thực tế của doanh nghiệp, có khả năng gây thiệt hại cho vốn nhà nước, cổ đông nhà nước”. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của HIPC, trong quý 1/2016, giá trị vốn chủ sở hữu hơn 616 tỉ đồng, số lượng cổ phiếu lưu hành là 30 triệu, giá trị sổ sách mỗi cổ phần là 20.540 đồng; đến quý 2/2016, giá trị sổ sách mỗi cổ phần là 17.339 đồng; đến quý 3/2016, giá trị sổ sách mỗi cổ phần là 18.857 đồng… Kết luận thanh tra cũng khẳng định “thời điểm lập báo cáo tài chính, HIPC đã phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, số lượng cổ phiếu tăng từ 30 triệu lên 60 triệu, nhưng giá trị sổ sách mỗi cổ phần vẫn lớn hơn 15.000 đồng, cho thấy việc phát hành cổ phần cho Công ty Tuấn Lộc đã lấy giá trị tài sản của HIPC chia cho Công ty Tuấn Lộc gây thiệt hại cho nhà nước”.

Đáng nói hơn, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ minh bạch, xây dựng tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược không có lợi cho HIPC; phương án phát hành cổ phần là “không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông nhà nước…”. Một điểm rất đáng chú ý, là hoạt động của HIPC có hiệu quả, cổ tức được chia hằng năm cao, cụ thể từ 2012 - 2015 cổ tức nhận được hơn 140 tỉ đồng/vốn đầu tư hơn 182 tỉ đồng, và dự kiến thu nhập tăng từ việc khai thác cho thuê hạ tầng KCN.

Thanh tra TP khẳng định các sai phạm nêu trên có dấu hiệu nhóm lợi ích, có dấu hiệu vi phạm điều 179 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước... Trong quá trình thanh tra, IPC và HIPC “có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra”.

Xem thường kỷ luật, kỷ cương

IPC còn bị xác định “là xem thường kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra” liên quan đến việc IPC giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Sadeco.

Thời điểm năm 2015, Sadeco có vốn điều lệ 170 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%), đặc biệt là quỹ đất thực hiện dự án lớn với hơn 61 ha... Theo Thanh tra TP, nếu IPC tiếp tục đầu tư vào Sadeco thì khả năng nhanh chóng thu hồi được vốn và gia tăng giá trị tài sản. Thế nhưng, trên thực tế, IPC đã chủ động giảm tỷ lệ sở hữu vốn rất bất thường.

Cụ thể, tháng 3.2015, IPC tiến hành phiên đấu giá bán vốn sở hữu tại Sadeco, và Công ty Exim là nhà đầu tư trúng đấu giá mua số lượng hơn 5,2 triệu cổ phần của IPC (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, với mức giá trúng đấu giá 26.100 đồng/cổ phiếu. Vốn góp của IPC tại Sadeco sau khi chuyển nhượng cho Công ty Exim còn lại hơn 74 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ vốn góp từ hơn 74% xuống còn 44%. Sau đó, Công ty Exim ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 5,2 triệu cổ phần này cho Công ty Nguyễn Kim với đơn giá 57.000 đồng/cổ phần, tổng số tiền hơn 287 tỉ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu được UBND TP phê duyệt, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu tại Sadeco là 44%, không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco đang hoạt động lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, vào tháng 6.2017, IPC lại chỉ đạo biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8%. Sau khi phát hành cổ phiếu, Công ty Nguyễn Kim chiếm 34,6% vốn điều lệ Sadeco.

Kết luận thanh tra xác định Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phiếu (tháng 9.2016), trong khi đó vào thời điểm tháng 6.2017, Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu; như vậy, thiệt hại thấp nhất là 153 tỉ đồng, chỉ tính chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu. Chưa kể, thời điểm từ đầu năm 2017 nhà đất khu nam TP ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên giá trị thiệt hại sẽ rất lớn.

Kết luận thanh tra cũng khẳng định, từ thực tế trên cho thấy việc chọn lựa đơn vị thẩm định giá không có năng lực phù hợp, không có chức năng thẩm định giá theo quy định, đã đánh giá giá trị tài sản không đầy đủ, không đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông nhà nước và các cổ đông hiện hữu... Nghiêm trọng hơn, việc phát hành cổ phần tăng vốn để bán chỉ định cho một cổ đông (là Công ty Nguyễn Kim) không qua đấu giá, không đảm bảo pháp lý thẩm định giá, không thể hiện tính công khai, minh bạch... làm cho cổ đông nhà nước mất quyền chi phối, gây thiệt hại lợi ích của Sadeco và của cổ đông nhà nước. Theo kết luận thanh tra, thời điểm trước, trong và kể cả cho đến nay, không có quy định nào của nhà nước về việc chọn cổ đông chiến lược trong tiến trình tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phần.

Về các sai phạm, thiếu sót đã xảy ra, Thanh tra TP khẳng định trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn nhà nước... tham mưu từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.

IPC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ năm 2010, là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi lần thứ 5 vào năm 2015 do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp, vốn điều lệ của IPC lên đến hơn 2.900 tỉ đồng.

IPC có 9 công ty, trong đó có 1 công ty con là Công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL); 4 công ty liên doanh: Công ty TNHH Sepzone Linh Trung, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty CP thương mại - dịch vụ Hiệp Tân (HTC); 4 công ty liên kết: Công ty CP Long Hậu (LHG), Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC), Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Tạm đình chỉ công tác Tổng giám đốc IPC

Theo tìm hiểu của PVThanh Niên, Thanh tra TP.HCM vẫn đang tiếp tục thanh tra làm rõ một số vụ việc tại IPC.

Vào các năm 2016, 2017, ông Tề Trí Dũng, sinh năm 1981, Tổng giám đốc IPC, được IPC cử làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty, vượt mức tối đa theo quy định (không quá 3 doanh nghiệp) của luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Ngoài ra, IPC còn cử đại diện vốn giữ chức danh trưởng ban kiểm soát không chuyên trách ở ESL, HIPC, LHG (là các công ty liên kết) và HTC (công ty liên doanh) không đúng luật Doanh nghiệp. Liên quan đến các sai phạm, ông Tề Trí Dũng đang bị tạm đình chỉ công tác.

Ông Tề Trí Dũng đang là đại biểu HĐND TP.HCM. Tại buổi tiếp xúc cử tri Q.1 vào tối 19.11 vừa qua, ông này vắng mặt có lý do.

Trung Hiếu - Đình Phú

Theo Đình Phú/Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều tra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC