Nhà thơ thứ thiệt bao giờ cũng làm thơ với xúc cảm, dự cảm, linh cảm, với tất cả những gì trong và ngoài mình. Đỗ Nam Cao là nhà thơ như vậy.

Đỗ Nam Cao với linh cảm mùa vĩnh biệt

Nhà thơ Thanh Thảo | 09/09/2021, 16:11

Nhà thơ thứ thiệt bao giờ cũng làm thơ với xúc cảm, dự cảm, linh cảm, với tất cả những gì trong và ngoài mình. Đỗ Nam Cao là nhà thơ như vậy.

Đó là một giọng thơ khẽ khàng, dịu nhẹ, mà đôi khi cứa vào lòng ta đau nhói. Tôi nhớ, ở vài ba năm cuối cuộc đời mình, Cao thường về Quảng Ngãi chơi với tôi. Nhờ chơi thân với các bạn ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, tôi kiếm cho Cao phòng tốt ở khách sạn Dầu khí, gọi là Petro gì đó, khách sạn cao 12 tầng, được coi là cao nhất Quảng Ngãi thời ấy.

Cao ở mấy đêm, thích lắm, vì khách sạn nằm sát sông Trà Khúc, đêm đêm có thể nghe… ễnh ương kêu, ban ngày có thể được ăn cá bống kho tiêu, món ăn khiến Cao mê mẩn.

Đỗ Nam Cao là nhà thơ không bao giờ xa được làng quê, dù anh đã từng ở rừng thời chiến tranh, rồi từng ở phố bao nhiêu năm sau hòa bình. Nhưng chính làng quê mang lại món quà lớn nhất cho Đỗ Nam Cao, đó là thơ anh. Tôi nhớ, ngày chiến tranh Cao có làm thơ, nhưng phải nói thật, hồi ấy thơ anh chưa gây được nhiều ấn tượng, có lẽ do thơ anh hòa cùng “dòng thác thơ chống Mỹ” đang là dòng chính hồi ấy.

Bao nhiêu năm sau hòa bình, trải qua không ít thăng trầm, đột nhiên thơ Đỗ Nam Cao hay hẳn lên, lạ hẳn lên, mà cũng thân quen hẳn lên. Cái thân quen ấy, có được là nhờ thơ anh “chuyển hộ khẩu” về nhà quê, thân ở phố mà hồn ở quê, nên thơ hay đến kỳ lạ, hay và bất ngờ đến không chịu nổi luôn.

Chính làng quê, thần hoàng ở quê đã phù hộ cho một thi sĩ toàn tòng như Đỗ Nam Cao làm được nhiều bài thơ rất hay, rất cảm động, lại rất… lừng khừng, đúng như tính cách của Cao.

Nhiều bài thơ của Đỗ Nam Cao, tôi đọc mà muốn khóc. Thơ ấy dành cho những người thất lạc, những người lang thang cơ nhỡ, những người mà kim la bàn xúc cảm của mình luôn chỉ về phương quê nhà.

Bài Mùa thu, một trong những bài thơ cuối cùng của Đỗ Nam Cao, cho thấy những linh cảm nhoi nhói của anh về ngày vĩnh biệt trần gian mà anh yêu thương và đau khổ. Nó gợi tôi nhớ đến những bài thơ trong hai năm thơ cuối cùng của Sergey Esenine, nhà thơ Nga vào hàng tuyệt vời nhất trái đất. Thơ Esenine hai năm cuối cùng cũng đầy linh cảm, cũng nhìn thấy trước cuộc chia ly trần gian, dù lúc đó nhà thơ mới ngoài 20 tuổi.

Còn ở bài Mùa thu của Đỗ Nam Cao, chữ “linh cảm” luôn được anh nhắc đến trong tâm thế bình tĩnh, khi những lá vàng “chạy trốn” bỗng hết bất ngờ, và giờ chia tay sắp điểm. Khi “mùa thu teo lại”, cứ ngỡ thi sĩ buồn lắm, nhưng không phải vậy. Anh chỉ ngạc nhiên, chỉ “sững người” trong thoáng chốc.

“Trong mắt tôi nhìn lá vàng chạy trốn
Những khúc ngoặt hết bất ngờ
Sững người không phải thu
Đã có nhiều cái mới hiện ra
Và mùa thu teo lại
Linh cảm xa mãi mãi”

Nhưng đoạn thơ linh cảm ấy không khiến tôi bất ngờ. Cái khiến tôi bất ngờ đến ngơ ngẩn lại là hai câu thơ này:

“Làm kinh sợ
Một cuộc đời nữa làm sao kham nổi”

Đó là sự "kinh sợ " hết sức kỳ lạ, kinh sợ vì nếu phải sống một cuộc đời nữa, thì "làm sao kham nổi". Đó là sự kinh sợ hoàn toàn mang tính triết học, không phải sự kinh sợ bình thường của con người trước cái chết. Với hai câu thơ này, Đỗ Nam Cao đã vươn tới một cảnh giới khác, và thơ anh nói rõ ràng về một cảm giác không bao giờ rõ ràng ấy, cảm giác nếu phải sống tiếp một cuộc đời thứ hai, như mô tả trong quyển sách Muôn kiếp nhân sinh khiến độc giả Việt Nam mê mẩn suốt hai năm nay, hai năm đầy tai họa dịch bệnh, đầy chết chóc đau thương.

Linh cảm mùa vĩnh biệt của Đỗ Nam Cao khiến ta nhìn đời sống, nhìn cái chết một cách khác lạ mà thân quen hơn. Và đó chính là bài thơ kỳ lạ của một nhà thơ kỳ lạ, trước khi vĩnh biệt cõi đời.

Xin giới thiệu bài thơ kỳ lạ này tới bạn đọc:

MÙA THU

Đi dọc đường Nguyễn Du
Lẽo đẽo mùa thu theo cùng phố
Một người dắt con chó
Đi cùng

Linh cảm không tốt lành
Linh cảm mất
Mùa thu này khó nhận biết
Nắng gió khác đi
Các cô gái khác đi

Trong mắt tôi nhìn lá vàng chạy trốn
Những khúc ngoặt hết bất ngờ
Sững người không phải thu
Đã có nhiều cái mới hiện ra
Và mùa thu teo lại
Linh cảm xa mãi mãi

Làm kinh sợ
Một cuộc đời nữa làm sao kham nổi
Hà Nội trong đê
Nghiêm mật
Canh phòng

Lũ sông Hồng cuồn cuộn
Cốm mềm mềm

Mùa thu thơm dẻo mãi

Đỗ Nam Cao

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đỗ Nam Cao với linh cảm mùa vĩnh biệt