Đại diện AmCham cho hay “khi chính phủ đang tìm kiếm các nguồn thu, thành viên của chúng tôi phải đối diện với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về thuế mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam”.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ được khai mạc tại Hà Nội vào sáng 26.6.
Doanh nghiệp cần mối quan hệ để có tài liệu từ tỉnh
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, dù có nhiều cải thiện nhưng môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương.
Ông Lộc kiến nghị cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động.
Phản ánh của doanh nghiệp trong nước qua điều tra của VCCI cho thấy một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, cụ thể là đất đai (30%), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các doanh nghiệp FDI, đó là thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%).
Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường… Trong khi chưa sửa được luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa có cải thiện đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận một số loại thông tin tại cấp địa phương là khá cao. Chỉ 55% doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận thông tin về các gói thầu mua sắm công ở cấp tỉnh. Do vậy, vẫn có tới 69% doanh nghiệp cho biết “cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh.
VCCI cũng kiến nghị sửa đổi Luật Lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công lũy tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự lo ngại về sự thay đổi nhanh chóng của các quy định pháp luật và mức độ rủi ro trong áp dụng pháp luật của Việt Nam.
Nợ phí thi công hàng trăm triệu USD
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho hay tình trạng các công ty xây dựng Hàn Quốc (hoặc nước ngoài) không được thanh toán tiền thi công đúng thời hạn khi xây dựng các công trình hạ tầng cho cơ quan nhà nước Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến.
“Trong các khoản nợ chưa thanh toán dài hạn, tính riêng chi phí thi công cũng lên tới 125 triệu USD”, KoCham cho biết.
Hiệp hội này cho rằng tình trạng nêu trên bắt nguồn từ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý tỷ lệ nợ quốc gia (dưới 65% GDP). Thông qua biểu quyết của Quốc hội năm 2016, số tiền giải ngân vốn vay giai đoạn 2016 – 2020 sẽ được giới hạn ở mức 300.000 tỉ đồng (60.000 tỉ/năm). Điều này dẫn đến việc trì hoãn thanh toán nợ công trình.
Trong khi đó, theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực thuế và hải quan điện tử đã chứng minh cam kết của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp ở giai đoạn kê khai.
Tuy nhiên, AmCham cho hay “khi chính phủ đang tìm kiếm các nguồn thu, thành viên của chúng tôi phải đối diện với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về thuế mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam”.
AmCham hy vọng Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo thời gian kiểm toán ứng với kỳ kế toán theo quy định và yêu cầu cán bộ dẫn chiếu các điều luật cụ thể khi thực hiện đánh giá lại nghĩa vụ thuế.
AmCham cũng bày tỏ mong muốn Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sớm ký kết thỏa thuận trước về xác định giá tính thuế (APA) với các đối tượng đủ điều kiện, giúp giảm thời gian và “sự bất ổn đặc trưng” của các cuộc kiểm toán thuế và hải quan.
Xem xét lại việc cấm xe máy vào năm 2030
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề cập việc cấm xe máy tại các thành phố lớn vào năm 2030. Theo EuroCham, việc cấm xe máy không được xem là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông ở các thành phố lớn; tạo ra thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy, vốn đã đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Do đó EuroCham cho rằng cơ quan quản lý địa phương nên xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đồng thời xét đến nhu cầu của người dân để quy hoạch tổng thể khả thi, tránh hệ lụy về kinh tế.
EuroCham đề xuất biện pháp trước mắt là cấm xe máy cũ, vốn được xem là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Còn trong dài hạn, hiệp hội này đề xuất cơ quan quản lý áp dụng thông lệ tại các quốc gia phát triển – nơi giao thông công cộng và hạ tầng tiên tiến được sử dụng kết hợp hiệu quả với xe máy bằng cách áp dụng biện pháp khu vực hạn chế giao thông.
Liên quan đến xe máy, EuroCham tiếp tục khiếu nại về việc các sản phẩm xe máy cao cấp của các công ty xe máy thuộc châu Âu đang bị làm nhái.
Hiệp hội cho biết một số công ty đang kinh doanh các sản phẩm với hình thức giống các sản phẩm của các thương hiệu tên tuổi, khiến người dân nhầm lẫn với hàng chính hãng.
Nhiều trường hợp, nhà sản xuất sản phẩm nhái không sao chép hoàn toàn mà thay đổi một số chi tiết trong trang trí sản phẩm khiến chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ gặp khó khăn trong vấn đề bảo hộ.
Do đó, EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam cần thành lập thêm các trung tâm độc lập để thẩm định, xác định dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trong các vụ việc tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ…
Ngoài ra cần có cơ chế cho phép chủ sở hữu trí tuệ phản biện các đánh giá của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như lập các tòa án chuyên trách để xử lý các vấn đề này…
Lam Thanh